Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người mở lối ở Khau Phiêng

Giang Lam - 15:04, 12/01/2022

Chuyện ông Minh phá bỏ cả vườn ngô nhà mình để trồng hàng trăm gốc bưởi, trồng cả đồi mận Tam Hoa, khiến cả bản Khau Phiêng lo lắng, đứng ngồi không yên. Rồi chuyện ông đưa nước sạch về bản hay ứng tiền để cùng phụ giúp các hộ dân trong bản làm nhà vệ sinh cũng khiến bà con được phen kinh ngạc…

Người mở lối ở Khau Phiêng

Ông Phùng Văn Minh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh, huyện Na Hang (Tuyên Quang) chia sẻ: Mình là cán bộ thì bước chân của mình phải nhanh nhẹn hơn, đi trước để mở lối thoát nghèo cho dân bản.

Cứ đi sẽ thành đường

Cách đây mấy năm trước, nhà Sùng Mí Chú có 1 con lợn mà nuôi tận 3 năm mới được 40kg. Lợn là của để dành, chờ đến Tết mới bán, thế là phải 3 năm nhà Chú mới có được một cái Tết đủ đầy. Cũng như nhà Chú, cả bản Khau Phiêng coi lợn là tài sản giá trị, nuôi mãi mới lớn, hiếm thành ra mới quý là vì thế.

Thế nên khi Phùng Văn Minh đón đàn lợn con, mỗi con hơn chục kg, chỉ 4 tháng mà đã cho cả đàn xuất chuồng, cả bản kéo nhau đến xem. Hộ nào cũng được ông Minh lý giải cặn kẽ rồi đến nhà hướng dẫn tỉ mỉ cách thức chăn nuôi, chăm sóc lợn đạt hiệu quả cao. Dần dà bà con người Mông hiểu ra rằng, thì ra lợn cùng cần có chuồng để ở, tránh mưa nắng, ăn đủ ngày 3 bữa, giữ gìn vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ nữa. Có thế thì lợn mới có sức đề kháng, lớn nhanh được.

Nhiều hộ ở Khau Phiêng giờ nắm vững kiến thức, tự tin đầu tư chăn nuôi. Có hộ anh Phùng Văn Hồng, anh Vương Văn Vàng, Trương Văn Sình, Sùng Mí Chú nuôi một lúc 20 đến 30 con. Anh Sùng Mí Chú vui lắm vì năm nào cũng có đàn lợn hồng hào. Anh Chú bảo, hai vợ chồng thực hiện đúng hướng dẫn cán bộ Minh, lợn ăn no, ngủ kỹ, sinh trưởng tốt, thương lái thu mua tận nơi, mỗi lứa lãi được 25 triệu đồng.

Vậy là, vừa làm được, nói hay, quá trình thay đổi nhận thức chăn nuôi của cán bộ Minh được bà con ghi điểm 10. Tiếp theo ông lại tính đến chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nữa. Mới nghe thế đã thấy khoa học, trừu tượng quá, nói sợ nhiều người không hiểu. Vậy là chỉ có cách mình làm trước, đi trước mà thôi.

Thế rồi ông Minh quyết tâm phá bỏ ngô trên nương để trồng 400 gốc bưởi, 400 gốc mận Tam Hoa thì già trẻ trong bản đều lo lắng lắm. Bởi, ngô là lương thực vừa quan trọng lại có ý nghĩa tâm linh với bà con người Mông. Việc phá bỏ cả đồi ngô để trồng cây khác thì tổ tiên sẽ trách phạt rồi vạ lây cả làng.

Phùng Văn Minh rất kiên định, ông bảo, đất đồi bạc màu, trồng ngô kém hiệu quả thì phải tìm cách thay đổi thôi. Ông tin, tổ tiên thấy con cháu làm ăn được thì phải vui không lý mà trách phạt.

Hằng tháng trời, ông Minh đi tham khảo trang trại trong và ngoài tỉnh, ngày đêm, tìm hiểu sách báo. Mọi thứ được chuẩn bị kỹ lưỡng để khi những gốc bưởi và gốc mận hạ thổ sẽ phát triển đúng như dự định. Ông bảo, người nông dân không chỉ hiểu đất mà phải lắng nghe đất cần gì. Đất trồng địa hình dốc, bạc màu cằn cỗi, nên phải dùng nhiều phân chuồng để cải tạo rồi đào hố sâu, tạo mặt bằng để dinh dưỡng không bị rửa trôi.

Đất không phụ người, vườn cây ăn quả đã “bén duyên”. Năm nay bưởi đã được 6 năm tuổi, trải qua 3,4 vụ thu hoạch. Mỗi vụ thu về được 80-90 triệu đồng. Đồi mận Tam Hoa 400 gốc trở thành vườn mẫu cho bà con trong và ngoài xã tham quan học hỏi. Mỗi vụ thu hoạch 15 tấn quả, giá bán trung bình 15 nghìn đồng/1kg.

Khi bà con thấy rõ được hiệu quả, ông Minh tiếp tục dẫn nhiều hộ Khau Phiêng đi theo lối đi mới này. Và quả thực lối đi ấy nay đã trở thành con đường làm giàu cho bà con. Điển hình như hộ anh Phùng Văn Giờ trồng 300 gốc bưởi, 200 gốc mận; hộ anh Dương Văn Súa: 300 gốc bưởi, 300 gốc mận; Hầu Thị Chá: 200 gốc mận, 300 gốc bưởi…

Ông Phùng Văn Minh, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh, huyện Na Hang (Tuyên Quang) (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn bà con chăm sóc cây mận
Ông Phùng Văn Minh, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh, huyện Na Hang (Tuyên Quang) (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn bà con chăm sóc cây mận

“Biết gieo không tốn giống...”

Thôn Khau Phiêng có 103 hộ dân, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông. Trước đây ông Minh có 15 năm làm Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân rồi nay làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn. Dù ở cương vị nào ông vẫn hết lòng vì việc làng, việc bản. Ông bảo, làm cái nước sạch thì người nào cũng lắc… không làm đâu. Lấy cái nước trên núi về là được rồi, làm bể tiền đâu, mà cái cán bộ xã hứa cho tiền thì đợi đi. Thế là ông lại ứng tiền làm gương trước, làm cái bể to mấy nhà dùng chung mấy ngày không hết. Cả bản lại làm theo, xây bể nước sạch rồi xây chuồng trại chăn nuôi xa nhà.

Việc vận động làm bể nước sạch đã khó 1 thì việc vận động làm nhà vệ sinh còn khó hơn nhiều. Nhiều năm ông cùng các cán bộ thôn vận động, ông hiểu cái khó của bà con, không phải tư tưởng chưa thông mà là ở vấn đề kinh tế. Làm công trình này cũng phải mất đến 3-4 triệu đồng/hộ. Hộ khá giả thì dễ hộ nghèo lấy đâu ra.

Vậy là, sau khi họp thôn, cán bộ Mặt trận thôn Phùng Văn Minh đưa ra ý tưởng, 1 người không làm được thì nhiều người cùng giúp nhau làm. Thôn thành lập một tổ xây dựng nhà vệ sinh gồm 10 người, do ông làm trưởng nhóm. Tổ lần lượt đến từng hộ làm nhà vệ sinh, cứ đến hộ nào làm thì hộ còn lại cùng đóng góp 100 nghìn đồng để giúp đỡ. Riêng ông Minh tình nguyện đóng góp mỗi hộ là 200 - 300 nghìn đồng. Công trình vệ sinh được triển khai nhanh chóng, chỉ trong 1 năm thôn đã có 78 hộ hoàn thành xong, phấn đấu quý II năm sau 100% hộ hoàn thành công trình vệ sinh.

Là người con của bản, ông Minh luôn coi bà con như ruột thịt, thông cảm, chia sẻ và tận tình giúp đỡ. Chính vì thế những lời nói của ông có “sức nặng như đá”, bà con một lòng tin và làm theo.

Nhờ đó, Khau Phiêng năm nào cũng đạt “Khu dân cư văn hóa”; trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa, không có trẻ em bỏ học, không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% năm 2019 đến nay còn 24%.

Tin cùng chuyên mục
Để làng Aur vẫn vẹn nguyên muôn thủa

Để làng Aur vẫn vẹn nguyên muôn thủa

Giữa bạt ngàn mây trắng, ngôi làng Aur của đồng bào Cơ Tu hiện ra nhỏ bé và thơ mộng. Cảm giác, chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Qua trăm năm, ngôi làng ấy vẫn “nguyên bản” như thủa sơ khai, bất chấp sự đổi thay của thời gian...