Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người Ơ-đu ở Nghệ An: Mầm xanh trên đất Văng Môn (Bài cuối)

M. Cường - H. Anh - 11:04, 26/06/2020

Suốt một thời gian rất dài, người Ơ-đu sống du canh, du cư đói khổ quanh các sườn đồi, khe suối, thậm chí, họ từng phải đối diện với nguy cơ bị tuyệt chủng, bị đồng hóa. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, phần lớn người Ơ-đu đã được định canh, định cư ổn định, dần tìm về nguồn cội để xây dựng cuộc sống mới.

Bà Lo Thị Thoan (đứng) hướng dẫn kỹ thuật dệt của người Ơ-đu cho người dân
Bà Lo Thị Thoan (đứng) hướng dẫn kỹ thuật dệt của người Ơ-đu cho người dân

Cuộc sống mới

Đến đất Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi chính là màu xanh bạt ngàn của gần chục ha cỏ voi đang đến thời kỳ thu hoạch. Chia sẻ về đời sống của người Ơ-đu nơi đây, anh Lo Văn Quyền, Trưởng bản Văng Môn hồ hởi cho biết: Trước đây, người Ơ-đu sống rải rác trong vùng lòng hồ Bản Vẽ, xen kẽ với người Thái, người Khơ-mú. Năm 2004, khi nhà máy Thủy điện Bản Vẽ được xây dựng, 103 hộ với 445 nhân khẩu người Ơ-đu ở các nơi được đưa về tái định cư tại bản Văng Môn, xã Nga My.

Về nơi ở mới, người Ơ-đu có thể tự tin sống với bản sắc nguồn cội. Nhưng do các điều kiện khách quan, đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) của đại bộ phận đồng bào Ơ-đu còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4,2 triệu đồng/năm; bình quân lương thực là 150 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 57,28%.

Thế nhưng giờ đây, đến với Văng Môn, chúng tôi cảm nhận một cuộc sống mới đang hiển hiện. Bà Lương Thị Quân, người dân bản Văng Môn chia sẻ: Trước đây, do diện tích đất canh tác ở địa phương rất eo hẹp, lại không có việc làm ổn định nên cuộc sống của gia đình bà luôn thiếu thốn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình bà được cấp hàng trăm m2 đất trồng cỏ voi. Sau đó, gia đình được xây dựng một chuồng bò kiên cố và 1 máy băm cỏ hiện đại. Mới đây nhất, đầu năm 2020, gia đình bà Quân được cấp 4 con bò giống. Quá trình nuôi và chăm sóc, bà thường xuyên được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình đã bước đầu ổn định.

Không chỉ phát triển về sinh kế, đời sống văn hóa của người dân bản Văng Môn cũng luôn được chính quyền quan tâm khôi phục và phát huy. Trong bộ trang phục dân tộc Ơ-đu truyền thống, bà Lo Thị Thoan, 48 tuổi, dân bản Văng Môn bộc bạch: Trước đây, người Ơ-đu có trang phục riêng rất đẹp, nhưng gần như đã biến mất, chỉ có những người già mới còn.

Bản thân bà trước đây cũng không có bộ trang phục này. Năm 2019, từ nguồn vốn của Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, theo Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 2086), dân bản Văng Môn được cấp 20 bộ khung cửi, sợi bông dệt vải; phụ nữ trong bản được truyền dạy các kỹ năng sang sợi, dệt lại bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình. Nhờ vậy, mà giờ đây, hầu hết phụ nữ Văng Môn đã có 1 bộ trang phục truyền thống để mặc mỗi dịp lễ tết, hoặc những sự kiện quan trọng.

Lan tỏa niềm tự hào dân tộc

Những đổi thay mà bản Văng Môn ngày này có được không thể không nhắc đến một bệ đỡ chính sách vô cùng quan trọng, là Đề án 2086.

Ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2018 - 2019, tỉnh Nghệ An được Trung ương cấp hơn 28 tỷ vốn sự nghiệp theo Đề án 2086. Trên cơ sở nguồn vốn đó, Ban Dân tộc đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ bảo tồn phát triển văn hóa cho đồng bào Ơ-đu ở bản Văng Môn. Cụ thể, Nghệ An đã hỗ trợ 280 con bò giống vàng địa phương, với kinh phí gần 4,4 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 67 chuồng trại theo quy hoạch, hỗ trợ khai hoang cải tạo 8,7ha đất trồng cỏ voi… Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ người dân khôi phục trang phục truyền thống, lễ hội và hỗ trợ học tiếng Ơ-đu theo hình thức truyền khẩu.

Có thể nói, với những việc làm cụ thể thiết thực, Đề án 2086 đã giúp cho bản Văng Môn, xã Nga My có những sự đổi thay rõ rệt. Không những vậy, Đề án còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng người Ơ-đu trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An.

Song song với việc triển khai Đề án, thời gian qua,  cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương chú trọng công tác tuyên truyền vận động, tạo điều kiện hướng dẫn đồng bào Ơ-đu xác định lại thành phần dân tộc. Trên thực tế, đến đầu tháng 6/2020 đã có 3 hộ với 30 nhân khẩu ở xã Yên Na, huyện Tương Dương làm đơn xin xác định lại thành phần dân tộc Ơ-đu.

Trong khi chờ chính quyền địa phương xác nhận chính thức, những hộ này đã tìm đến bản Văng Môn xin tham gia lớp học tiếng Ơ-đu do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tổ chức. Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy người Ơ-đu đang hồi sinh và khát khao vươn lên trong phát triển KT-XH.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.