Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người uy tín ở Đồng Xuân (Phú Yên): Làm nhiều việc tốt giúp buôn làng phát triển

Thành Nhân - 16:27, 09/10/2020

Nhiều năm qua, các già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở tỉnh Phú Yên đã phát huy hiệu quả vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền với Nhân dân, xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Già làng La Chí Thái, Người có uy tín thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh bào chế cây thuốc để chữa bệnh cho người dân.
Già làng La Chí Thái, Người có uy tín thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh bào chế cây thuốc để chữa bệnh cho người dân.

Ông Lê Mo Tư, hay còn gọi là Ma Nghĩa, là già làng, Người có uy tín ở xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Ðồng Xuân (Phú Yên). Cả cuộc đời ông chỉ có một ước mơ cháy bỏng là giúp đồng bào mình vượt qua đói nghèo. Từ nhỏ, già làng Ma Nghĩa tham gia cách mạng, cả nhà ông là cơ sở cách mạng. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba.

Xã Phú Mỡ có 5 thôn, hơn 700 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Ba Na và Chăm sinh sống. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo ở xã gần 100%, nhận thức của bà con rất hạn chế. Để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, ông Nghĩa tự mình đi khai hoang, tận dụng các khe suối đắp các đập nhỏ, khai mương dẫn nước về đồng ruộng để làm lúa nước. Ban đầu chỉ có vài sào, rồi diện tích lúa nước gia đình ông tăng lên 6ha. Từ đó, gia đình ông Nghĩa có của ăn của để, trở thành hộ khá giả nhất ở làng, với nhiều diện tích lúa nước, lúa rẫy và đàn bò mấy chục con.

Không chỉ chăm lo cho gia đình, ông Nghĩa còn nghĩ cho bà con, làm thế nào để không phải phá rừng làm rẫy mà vẫn có thể thoát cái đói, cái nghèo, vươn lên làm giàu. Trong việc chia ruộng lúa nước cho bà con, ông Nghĩa là người có công đầu. Gia đình ông có tất cả 6ha ruộng lúa nước, đất vườn, đất ở, ông đã đem chia cho bà con trong buôn. Phần gia đình cũng chỉ nhận đúng số diện tích được chia đều như bà con. “Nhà mình no cái bụng không chưa đủ, phải biết nghĩ đến đồng bào mình, làng xóm mình no cái bụng nữa”, ông Nghĩa chia sẻ.

Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, nhận xét: “Ông Ma Nghĩa là già làng, Người có uy tín gương mẫu, tiên phong và uy tín trong mọi lĩnh vực đời sống. Ngoài “kỳ tích” vận động chia ruộng cho dân nghèo, hễ có việc rắc rối cần vận động, giải thích, có tiếng nói của ông là bà con làm theo”.

Ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh có già làng, Người có uy tín La Chí Thái, là người có công lớn trong việc xây dựng thôn trở thành Thôn Văn hóa đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Thôn Xí Thoại là địa bàn sinh sống của bà con dân tộc Chăm, Ba Na, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Quyết không để cái đói, cái nghèo mãi đeo đẳng, già làng, Người có uy tín La Chí Thái đã tự mình đi học cách canh tác lúa nước, thâm canh cây màu, phát triển diện tích mía để phát triển kinh tế gia đình. Già Thái tâm sự: “Được cử làm già làng, Người có uy tín rất vinh dự song trách nhiệm cũng rất nặng nề. Phải gương mẫu thì bà con mới nghe”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, với uy tín của mình, già Thái còn vận động hàng chục gia đình trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế gia đình. Ông là người biết bào chế thuốc từ cây, củ, lá rừng để chữa bệnh, cứu người và được mệnh danh là “thầy thuốc của làng”. Ông cũng là người đầu tiên xây nhà vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống chín, vận động dân làng bỏ tập quán chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn. Già Thái còn vận động con em trong làng không bỏ học, không tảo hôn...

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc Phú Yên chia sẻ: Các già làng, Người có uy tín là những người tiêu biểu trong đồng bào DTTS, gương mẫu đi đầu trong việc tham gia cùng với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Họ còn chung tay cùng địa phương tuyên truyền, vận động bà con không nghe và không làm theo lời kẻ xấu, những điều trái pháp luật, góp phần xây dựng buôn làng ngày càng bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Gần cả cuộc đời gắn bó với quê hương, bà Ka Hiên, dân tộc Mạ, ở thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều công lao, đóng góp, tạo động lực giúp đồng bào các dân tộc ở địa phương vươn lên xóa cái đói, đuổi cái nghèo.