Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nguy cơ lãng quên các di sản

Hồng Minh - 09:55, 25/08/2020

Di sản được vinh danh và câu chuyện bảo tồn, phát huy di sản sau khi vinh danh đã được các cơ quan quản lý, chuyên gia văn hóa đề cập đến khá nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này vẫn chưa được nhiều địa phương quan tâm khiến nhiều di sản đang có nguy cơ bị lãng quên…

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một trong những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một trong những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn

Một di sản được vinh danh đã khó, nhưng bảo tồn và phát huy được di sản đó mới là vấn đề quan trọng. Lấy đơn cử tại tỉnh Điện Biên, theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), đến nay tỉnh này có 22 di tích được xếp hạng và có 690 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Các di tích được xếp hạng và di sản văn hóa phi vật thể được lưu truyền trong dân gian không chỉ mang những giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, mà còn là tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều di tích, di sản văn hóa phi vật thể sau khi được công bố, xếp hạng lại chưa được chính quyền và người dân quan tâm bảo vệ, gìn giữ và phát huy.

Năm 2018, Nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người Mông ở huyện Mường Chà (Điện Biên) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đã gần 2 năm kể từ khi di sản này được công nhận, công bố, nhưng nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong vẫn chưa được gìn giữ, bảo tồn bằng biện pháp nào cụ thể.

Ông Hạng Phử Lù, Chủ tịch UBND xã Sa Lông, huyện Mường Chà cho biết: Nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục người Mông trên địa bàn xã đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng đến nay địa phương cũng chưa có hoạt động gì để khôi phục hay truyền lại cho thế hệ sau. Xã không có kinh phí để tổ chức hoạt động này. Hiện, chỉ có một số người già biết vẽ hoa văn này thôi, sáp ong và các nguyên liệu giờ cũng không được sử dụng nữa, nên rất khó để phát huy di sản này. Chắc sau này các cụ “đi rồi” thì sẽ không còn ai biết đến nghệ thuật này nữa”...

 Nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người Mông (nhóm Mông Hoa) ở huyện Mường Chà (Điện Biên) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa có phương án bảo tồn cụ thể. (Ảnh tư liệu)
Nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người Mông (nhóm Mông Hoa) ở huyện Mường Chà (Điện Biên) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa có phương án bảo tồn cụ thể. (Ảnh tư liệu)

Tại xã Đình Chu, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) có ngôi đình Đình Chu 200 năm tuổi được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996, cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều thanh xà mục ruỗng, cột kèo xiêu vẹo, mái ngói bị thủng lỗ chỗ, mái tôn bao quanh đình cũng thủng như tổ ong và rất nhiều hạng mục khác đã xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Không đành lòng nhìn một di tích hàng trăm năm tuổi mất dấu theo thời gian, người dân địa phương đã phải kêu cứu chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, với mong muốn tu bổ, cải tạo lại. Thậm chí, người dân đã huy động nguồn vốn xã hội hóa để làm nhà bao mái xung quanh ngôi đình. Hiện, ngôi đình Đình Chu đang được tôn tạo lại.

PSG.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) cho biết: Cục Di sản văn hóa đang tiếp tục cùng các cơ quan, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp và cộng đồng tích cực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. 

Thiết nghĩ, di sản văn hóa, di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đang được coi là vốn quý giúp Việt Nam quảng bá văn hóa, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để những vốn quý này không bị mai một, việc đề nghị công nhận di sản văn hóa và xếp hạng các di tích là điều cần thiết; tuy nhiên ngay sau đó, cũng cần ưu tiên xem xét giải quyết cơ chế, chính sách, các biện pháp cụ thể, để địa phương kịp thời gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản, di tích đã được công nhận.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.