Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Nhận diện khó khăn đặc thù của những dân tộc rất ít người: Giải quyết triệt để căn nguyên nghèo (Bài cuối)

Cù Hương - Sỹ Hào - 16:37, 11/11/2023

Việc xác định các tiêu chí để nhận diện khó khăn đặc thù của các DTTS rất ít người là cơ sở quan trọng để thực hiện các chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ trong Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), từ đó giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nguồn lực để triển khai các chính sách đối với các DTTS có khó khăn đặc thù không phát sinh thêm do đã có trong các Quyết định trước đó của Thủ tướng Chính phủ.

Tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố hoặc đơn sơ của nhiều DTTS có khó khăn đặc thù còn rất cao. (Trong ảnh: Nhà ở tạm bợ của một hộ đồng bào Mảng ở bản Nậm Sẻ, xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu - Ảnh: S.H)
Tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố hoặc đơn sơ của nhiều DTTS có khó khăn đặc thù còn rất cao. (Trong ảnh: Nhà ở tạm bợ của một hộ đồng bào Mảng ở bản Nậm Sẻ, xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu - Ảnh: S.H)

Thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản

Như đã phản ánh ở bài báo trước, hiện tình trạng nghèo ở các DTTS có khó khăn đặc thù đang là một thách thức lớn trong mục tiêu phát triển bền vững của cả vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong danh sách 14 DTTS có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì có 8 dân tộc có tỷ lệ nghèo trên 30%; cá biệt có 6 dân tộc có tỷ lệ nghèo trên 50% (gồm: Mảng 66,3%, Chứt 60,6%, Ơ Đu 56,7%, Cống 54,0%, Lô Lô 53,9%, Pà Thẻn 50,2%).

Tỷ lệ nghèo của các DTTS có khó khăn đặc thù tăng lên khi Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 về việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Trong Tờ trình số 1787/TTr-UBDT ngày 21/12/2020 về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025, Ủy ban Dân tộc (UBDT) khẳng định, đồng bào các DTTS rất ít người đang khó khăn về nhà ở, điều kiện sinh hoạt, khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo UBDT, toàn vùng hiện vẫn còn 5% hộ DTTS ở nhà thuê mượn, trong đó một số DTTS có khó khăn đặc thù có tỷ lệ nhà thuê mượn cao hơn bình quân chung của 53 DTTS, như: dân tộc Brâu (8,9%), dân tộc Cờ Lao (10,3%). Tỷ lệ bình quân chung về nhà ở thiếu kiên cố hoặc đơn sơ của 53 DTTS là 20,8% thì có nhiều DTTS dân số dưới 10.000 người có tỷ lệ cao gấp 2 đến 3 lần, như: Cống (51,2%), Pà Thẻn (47%), La Ha (45,8%),…

Điều kiện sinh hoạt, khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của nhiều DTTS có dân số dưới 10.000 người cũng đang thiếu hụt. Bình quân chung của 53 DTTS là có 3,3% số hộ chưa tiếp cận điện lưới quốc gia, nhưng ở dân tộc Mảng, tỷ lệ này là 19,9%, dân tộc Cờ Lao là 15,3%, dân tộc Lô Lô là 23,7%...

Hiện vẫn còn 3,3% hộ DTTS chưa tiếp cận điện lưới quốc gia, phải sử dụng nguồn năng lượng khác để thắp sáng. (Trong ảnh: Nhiều hộ đồng bào ở bản Khau Hỏm, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn phải dùng máy nổ để phát điện )
Hiện vẫn còn 3,3% hộ DTTS chưa tiếp cận điện lưới quốc gia, phải sử dụng nguồn năng lượng khác để thắp sáng. (Trong ảnh: Nhiều hộ đồng bào ở bản Khau Hỏm, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn phải dùng máy nổ để phát điện )

Cũng theo Tờ trình số 1787/TTr-UBDT của UBDT, trong 53 DTTS hiện có 11,4% hộ DTTS chưa được sử dụng nguồn nước hợp về sinh; trong đó, một số DTTS có khó khăn đặc thù, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều lần, như: Si La (48,3%), Cống (43,5%), Chứt (39,2%);.. Toàn vùng vẫn còn 40,4% số hộ DTTS không sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; trong đó, ở một số DTTS có khó khăn đặc thù, tỷ lệ hộ không sử dụng nhà tiêu còn cao, như: Mảng (55,9%), Si La (57,5%),…

“Các DTTS rất ít người, tuy thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và có chính sách riêng, nhưng hiện vẫn là nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn ngày càng tụt hậu trong quá trình phát triển nếu không được tiếp tục đầu tư, hỗ trợ”, Tờ trình số 1787/TTr-UBDT của UBDT khẳng định.

Giải quyết triệt để

Để giải quyết triệt để, căn cơ những khó khăn đặc thù của các DTTS có dân số dưới 10.000 người, UBDT đã tham mưu, xây dựng để Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, phê duyệt danh sách các dân tộc có khó khăn đặc thù (cùng với tiêu chí, danh sách các dân tộc còn nhiều khó khăn) cho giai đoạn 2021 - 2025. Trong quá trình soạn thảo, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều thống nhất cao về việc ban hành tiêu chí và danh sách này, làm cơ sở để thực hiện các chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ trong Chương trình MTQG 1719, từ đó giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ban hành tiêu chí và danh sách các dân tộc khó khăn đặc thù nhằm ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để giải quyết căn bản các nhu cầu cấp bách, bảo đảm phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Đời sống mới của đồng bào dân tộc Si La ở Mường Tè, Lai Châu - Ảnh: Hà Minh Hưng)
Ban hành tiêu chí và danh sách các dân tộc khó khăn đặc thù nhằm ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để giải quyết căn bản các nhu cầu cấp bách, bảo đảm phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Đời sống mới của đồng bào dân tộc Si La ở Mường Tè, Lai Châu - Ảnh: Hà Minh Hưng)

Trên cơ sở đó, ngày 14/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 11227/QĐ-TTg phê duyệt danh sách 32 dân tộc còn nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025. Văn bản được ban hành không tránh khỏi ý kiến trái chiều của xã hội về những tác động đến chi ngân sách nhà nước khi thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với các DTTS có khó khăn đặc thù.

Làm rõ vấn đề này, UBDT cho biết, đối với các DTTS có khó khăn đặc thù thì đối tượng, mục tiêu, nội dung chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện cơ bản không có nhiều tác động. Bởi, các DTTS rất ít người đã có chính sách đặc thù để đầu tư, hỗ trợ theo các Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đó là Quyết định số 1672/QĐ-TTg, ngày 26/9/2011 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025” và Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 – 2030.

Do vậy, kinh phí thực hiện sẽ không tăng thêm nhiều và đã được dự toán trong tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG 1719, được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020. Việc ban hành tiêu chí nhận diện các khó khăn đặc thù và danh sách các dân tộc có khó khăn đặc thù là nhằm thực hiện các chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ trong Chương trình MTQG 1719, từ đó giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách ở các cộng đồng dân tộc rất ít người, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.