Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Cà Mau kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Tào Đạt - Như Tâm - 16 giờ trước

Để kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024), tháng 11 tới đây, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh truyền thống cách mạng kiên cường của quân và dân địa phương.

Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi Họp báo

Nhiều hoạt động tôn vinh truyền thống cách mạng

Tại buổi Họp báo Báo chí quý III  và cung cấp thông tin các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024), ông Tiêu Minh Tiên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết: Các hoạt động kỷ niệm sự kiện tập kết ra Bắc được diễn ra cao điểm từ ngày 10 - 25/11 tới đây, với nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước; đồng thời, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về quê hương và con người Cà Mau thân thiện và mến khách góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Theo đó, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024) với chủ đề “Hẹn ngày thống nhất”, diễn ra vào tối 23/11, tại khu vực Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) sẽ tái hiện về lịch sử, vùng đất, con người Cà Mau; lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và phát triển quê hương Cà Mau trong thời kỳ hội nhập.

Hội thảo khoa học với chủ đề: “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” diễn ra vào ngày 22/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, thành phố Cà Mau sẽ phân tích, đánh giá ý nghĩa, tư liệu lịch sử, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc quyết định 200 ngày tập kết, chuyển quân ra Bắc tại tỉnh Cà Mau; những ký ức kỷ niệm, tình đoàn kết quân dân và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện tập kết ra Bắc 1954 tại Cà Mau.

Cùng vời đó, tỉnh Cà Mau cũng tổ chức nhiều hoạt động tái hiện 200 ngày sự kiện tập kết ra Bắc (1954); các hoạt động dạy học, dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; khởi nghiệp phát triển kinh tế hộ gia đình; thực hiện các công trình phần việc của thanh niên gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; thăm tặng quà nhân chứng lịch sử, đối tượng chính sách, khám chữa bệnh cho Nhân dân; xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn; sửa chữa cầu, đường; tôn tạo di tích lịch sử…

Đồng thời, tổ chức Hội chợ thương mại với hơn 200 gian hàng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố Cà Mau và một số tỉnh, thành phố; cùng với các hoạt động trưng bày hình ảnh, sách báo, lễ công bố di tích quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm, tỉnh Cà Mau còn tổ chức Giải Marathon - Cà Mau 2024 Cúp PETROVIETNAM với quy mô tổ chức cấp quốc gia, tại thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình và huyện U Minh; cùng các Ngày hội đua Vỏ lãi (giải đua Vỏ lãi) và Ngày hội thả Diều nghệ thuật tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời...

Phác thảo công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, hiện đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2024
Phác thảo công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, hiện đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2024

200 ngày tập kết, chuyển quân

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Nam bộ có 3 khu vực được chọn tập kết đưa lực lượng cách mạng miền Nam ra Bắc, đó là: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. 

Trong đó, Cà Mau là khu tập kết 200 ngày (từ 21/7/1954 - 10/2/1955) của lực lượng kháng chiến Tây Nam bộ, gồm cả vùng giải phóng cũ và vùng ta mới tiếp quản như: Thị trấn Cà Mau, Tắc Vân, Giá Rai, Hòa Bình và một số chợ khác. Trung tâm của khu vực tập kết Cà Mau là kênh xáng Chắc Băng. 

Vào tháng 10/1954, tại căn cứ Chắc Băng, đồng chí Lê Duẩn - Trưởng phái đoàn Trung ương tổ chức Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ, được cử làm Bí thư Xứ ủy. 

Tại Hội nghị, Xứ ủy Nam Bộ đề ra công tác công khai và nửa công khai; tổ chức và hoạt động của Đảng phải hết sức giữ bí mật, tổ chức và hoạt động của phong trào quần chúng thì cần lợi dụng hình thức công khai. Chuẩn bị tinh thần kháng chiến lâu dài nên vấn đề xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị cho chiến lược cách mạng ở miền Nam là hết sức cần thiết, trong đó có việc cho tàu tập kết rời khỏi cửa sông Ông Đốc.

Trước ngày bàn giao khu tập kết, ta tổ chức cuộc mít tinh lớn tại thị trấn Cà Mau. Đồng chí Phạm Hùng - Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Đình Chiến thay mặt cho những người con của Nam Bộ thành đồng phát biểu lời tạm biệt và dặn dò, hứa hẹn cùng nhau đấu tranh cho ngày Nam Bắc sum họp một nhà. Hơn 10.000 cán bộ chiến sĩ, đồng bào có mặt tại cuộc mít tinh bùi ngùi xúc động, không cầm được nước mắt và mỗi người tâm niệm quyết tâm phấn đấu cho ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Một số đơn vị đi tập kết tỏa về vùng nông thôn Bắc Cà Mau và Nam Cà Mau để tạm biệt đồng bào, đồng chí.

Ngày 31/01/1955, Cuộc tiễn đưa tập kết đầy lưu luyến diễn ra ở cửa sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời), người đi, người ở đều nguyện một lòng hoàn thành nhiệm vụ được Đảng phân công, hẹn ngày Bắc Nam sum họp, thống nhất Tổ quốc. Đến ngày 08/02/1955, chuyến tàu cuối cùng rời bến vàm Ông Đốc cũng là thời điểm Đảng bộ và Nhân dân Cà Mau bước vào cuộc chiến đấu mới. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy và đồng chí Võ Văn Kiệt công khai xuống tàu đi tập kết, nhưng sau đó hai đồng chí bí mật quay trở lại vùng đất Mũi Cà Mau trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam.

Chuyến tàu chuyển quân tập kết từ cửa Sông Đốc nhổ neo rời bến, hàng nghìn cánh tay vẫy chào tạm biệt đầy lưu luyến, kẻ ở người đi đều mang trong lòng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang và tràn đầy hứa hẹn: Ngày mai Nam - Bắc sum họp. Ngay sau đó Nhân dân Cà Mau lại bước vào cuộc chiến đấu mới, với niềm tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.

Ðã 70 năm trôi qua, nhưng hào khí cách mạng của sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc vẫn vẹn nguyên ở đôi bờ sông Ông Ðốc, vang vọng mãi trong hồn đất, tình người và trong những trang sử hào hùng, vẻ vang của Cà Mau.