Siêu bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào khu vực miền Bắc hồi trung tuần tháng 9 đã gây thiệt hại nặng nề cho các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Theo ước tính của chính quyền địa phương, khoảng 30% - 40% diện tích cây trồng tại các vườn đào, quất ở các phường Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên, quận Tây Hồ bị ảnh hưởng bởi bão.
“Gia đình chúng tôi mất gần 500 cây quất và hơn 300 cây đào cành, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Hiện tại, vườn chỉ còn lại 1/3 số cây so với trước bão số 3. Chúng tôi đang cố gắng chăm sóc những cây còn sống và nhập thêm cây từ các vườn quất ở Hưng Yên về để phục vụ khách dịp Tết này”, ông Minh, 59 tuổi, chủ vườn đào, quất ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, cho biết.
Tại huyện Mê Linh, Hà Nội, theo một số chủ vườn đào, khoảng 2 tháng nay, thương lái ở các vùng lân cận đã đến đặt mua đào với số lượng lớn, có những cây được bán với giá 10 - 14 triệu đồng. Hầu hết các cây đào đẹp đã được đặt mua, chỉ còn lại số ít để bán lẻ và để vụ năm sau.
Còn với hoa tươi, theo chia sẻ của ông Lê Văn Cả, chủ của hơn 40 vườn hoa, cây cảnh tại huyện Mê Linh, giá hoa hồng dịp Tết Ất Tỵ sẽ cao hơn năm ngoái do diện tích trồng bị thu hẹp. Dự kiến năm nay, ông Cả sẽ đưa ra thị trường dịp tết khoảng 20.000 - 30.000 hoa hồng các loại.
Tại TP. Đà Lạt, đến thời điểm này, các nhà vườn hiện đang tất bật xuống giống các loại hoa để phục vụ mùa thu hoạch quan trọng nhất trong năm. Ghi nhận tại các làng hoa truyền thống tại Đà Lạt, người dân xuống giống khoảng 1.300ha hoa các loại như cúc, ly, lay ơn, cẩm chướng, hồng, địa lan...
Theo chia sẻ của anh Lê Văn Đức, làng hoa Hà Đông: Gia đình anh trồng hơn 2.000m2 hoa cúc với hơn 100.000 cây, chia làm hai cữ, trồng cách nhau khoảng 15 ngày, vừa phục vụ dịp trước Tết Nguyên đán, vừa phục vụ dịp rằm tháng Giêng. Điều này nhằm tránh rủi ro hoa bị dội chợ vào dịp cuối năm.
Còn tại vùng trồng hoa lay ơn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, người dân cũng xuống giống gần 200ha tập trung ở các thôn K’Long A, K’Long B và K’Long C. Những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Hiệp An đã làm quen, trồng được hoa lay ơn với các giống chủ yếu như đỏ Bordeaux, đỏ thường, vàng cam, vàng… cung cấp hàng triệu cành hoa mỗi dịp Tết Nguyên đán, nên người dân đang dồn công sức để xuống giống, chăm sóc.
Mặc dù thời gian qua, thanh long liên tục rớt giá, thiếu sự ổn định, nhưng ghi nhận ở thời điểm hiện tại, người dân vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước Bình Thuận vẫn tiếp tục sản xuất với quy mô rất lớn để kịp cung ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025.
Còn tại tỉnh Bình Thuận, với diện tích trên 27.000ha, sản lượng hàng năm trên 500.000 tấn, đây là địa phương trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước. Hiện khoảng 80% sản lượng thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, còn lại tiêu thụ trong nước và một số thị trường châu Âu, châu Á…
Ghi nhận ở các vùng trồng thanh long trọng điểm của tỉnh, như Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình…, hầu hết các vườn thanh long đều đã được người dân chong đèn để thanh long ra quả trái vụ. Nhiều hộ trồng thanh long cho biết, trồng thanh long trái vụ chi phí cao hơn so với bình thường, trong khi giá điện, phân bón, nhân công… đều tăng.
Theo ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, dự báo, trong tháng cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, toàn tỉnh bình Thuận sẽ có khoảng 40.000 -50.000 tấn thanh long cung ứng cho thị trường. Hiện nay, bà con nông dân đang tập trung sản xuất thanh long vụ Tết với diện tích lớn, điều này tạo ra sức ép lớn về vấn đề tiêu thụ.
“Người dân không nên tập trung sản xuất vào một vụ, mà nên sản xuất rải vụ để tránh tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến giá giảm. Việc sản xuất thanh long đại trà thường bấp bênh, nên bà con cần chú trọng sản xuất theo hướng sạch để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu”, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận Huỳnh Cảnh khuyến cáo.
Theo dự báo của các chủ vườn, thị trường hoa đào, quất và các loại hoa tết 2025 sẽ biến động lớn về giá, vì nguồn cung bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra. Giá đào, quất, hoa tươi tết 2025 được dự báo sẽ tăng 20% - 30% so với năm trước. Những cây đẹp và hiếm sẽ có giá trị cao. Ngoài ra, sự khan hiếm hàng do thiên tai cũng tạo cho người tiêu dùng xu hướng đặt mua sớm hơn.