Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nhìn lại Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Linh hoạt lồng ghép nguồn vốn (Bài 1)

T.Nhân-H.Trường - 17:42, 23/05/2024

Xác định, xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn góp phần giúp bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Vì thế, các cấp, ngành tỉnh Quảng Nam đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các địa phương xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, các cấp chính quyền cũng gặp không ít những vướng mắc phát sinh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu, nhiệm vụ mà các ban, ngành liên quan đã đặt ra trước đó.

Nhìn từ thực tế, nguồn vốn lồng ghép đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đang là “đòn bẩy”, tạo động lực tích cực để Quảng Nam đẩy mạnh triển khai thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM, từng bước đem lại hiệu quả tích cực, nhất là ở các huyện miền núi và vùng đồng bào DTTS.

Những kết quả khích lệ

Tính đến nay, bình quân chung số tiêu chí NTM mới đạt chuẩn của toàn tỉnh Quảng Nam theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 16,42 tiêu chí/xã (tăng 2,63 tiêu chí so với năm 2022). Có 125/193 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỉ lệ 64,7%). Trong số này, có 16 xã đạt NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

 Ngoài ra, có 4 đơn vị cấp huyện/thành phố dạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP.Tam Kỳ. Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2024, sẽ có 129/193 xã đạt chuẩn NMT, trong đó có 6 xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Quảng Nam tận dụng mọi nguồn lực để xây dựng NTM
Quảng Nam tận dụng mọi nguồn lực để xây dựng NTM

Để có được thành quả trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đã huy động tối đa mọi nguồn lực để triển khai xây dựng NTM. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc vận động triển khai thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được các các cấp, ngành đặc biệt quan tâm; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân cùng chung tay xây dựng NTM.

Đối với khu vực các huyện miền núi, việc thực hiện các tiêu chí còn khó khăn, do đó UBND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tạo mô hình điểm từ nhỏ đến lớn, như cuộc thi “vườn-tường-đường đẹp”; “cơ sở vật chất văn hóa đẹp, hoạt động hiệu quả” rồi đến phong trào “Quảng Nam chung sức xây dựng NTM”. Từ những mô hình điểm này đã được nhân rộng cho các địa phương khác cùng thực hiện, qua đó tạo tiền đề cho việc xây dựng NTM toàn diện, bền vững.

Tỉnh Quảng Nam cũng huy đồng nguồn lực nội tại từ các hội, đoàn thể như Uỷ ban MTTQ các cấp, Hội Phụ Nữ, Thanh Niên, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… Đặc biệt, phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín, đội ngũ cán bộ thôn trong việc cùng chung tay xây dựng các tiêu chí NTM.

Điển hình như tại huyện Tây Giang, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và huy động được sức mạnh từ các hội, đoàn thể trong việc xây dựng NTM, đến nay có 3 xã là Anông, Atiêng và Lăng đạt chuẩn NTM. Huyện phấn đấu đến năm 2025, sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM là Axan và Bhalêê.

Nhiều làng quê khởi sắc sau quá trình xây dựng NTM
Nhiều làng quê khởi sắc sau quá trình xây dựng NTM

Ông Bríu Quân,Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang, cho biết: Hàng năm, MTTQ huyện, xã chủ động xây dựng kế hoạch liên tịch với các tổ chức thành viên để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM đạt nhiều kết quả cao. 

Nhờ vậy, trên địa bàn huyện Tây Giang đã vận động Nhân dân hiến đất đai, hoa màu để san ủi 123ha mặt bằng, sắp xếp, bố trí dân cư ổn định, hạn chế tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng. Ngoài ra, Mặt trận các cấp còn vận động xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu, góp phần xây dựng NTM tại địa phương.

Lồng ghép hiệu quả các nguồn lực xây dựng NTM

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam (NN&PTNT), việc lồng ghép các nguồn vốn: xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đã xây dựng được hàng trăm công trình, dự án, hình thành các chuỗi sản xuất, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, giúp giảm nghèo hiệu quả. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt theo từng năm, như trong năm 2022 cả tỉnh giảm còn 6,63% (giảm 3.981 hộ), tương ứng giảm 0,96% so với năm 2021; năm 2023 giảm còn 5,66% (giảm 4.081 hộ), tương đương giảm 0,97% so với năm 2022.

Cụ thể, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, địa phương đã lồng ghép đầu tư 108 công trình, dự án ở các huyện miền núi. Ngoài ra, triển khai 14 dự án án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn 6 huyện miền núi với gần 500 hộ tham gia… Tổng kinh phí để thực hiện các tiêu chí NTM ở các huyện miền núi trong 3 năm qua, là hơn 1.000 tỷ đồng.

Nguồn lực từ các Chương trình MTQG là đòn bẩy giúp Quảng Nam xây dựng NTM
Nguồn lực từ các Chương trình MTQG là đòn bẩy giúp Quảng Nam xây dựng NTM

Còn đối với Chương trình MTQG 1719, giúp các địa phương thực hiện hàng loạt công trình như: Nhựa hóa và bê tông hóa được 51 công trình giao thông; xây mới và kiên cố hoá 10 công trình thuỷ lợi và điện; xây mới và nâng cấp 56 công trình giáo dục; 23 công trình về văn hoá; xây mới hai công trình thương mại nông thôn; và nhiều dự án về bảo tồn, phát huy giá trị vắn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch…, các dự án này góp phần rất lớn vào thực hiện các tiêu chí NTM ở các xã miền núi.

Trong giai đoạn 2021-2024, Quảng Nam phân bổ hơn 1.347 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM. Qua 3 năm thực hiện đã giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết: Bên cạnh việc phát huy tối đa nguồn lực, địa phương cũng đang gặp một số khó khăn trong việc xây dựng NTM. 

Cụ thể, tình trạng nợ đọng xây dựng NTM ở một số địa phương còn rất lớn, trong giai đoạn 2016-2021, huyện Tiên Phước nợ hơn 149 tỷ đồng. Còn trong giai đoạn 2021-2023, dự kiến số liệu chưa phân bổ so với mức đầu tư, thì cấp huyện nợ hơn 366 tỷ đồng, cấp xã nợ hơn 78 tỷ đồng.

“Việc áp theo Bộ Tiêu chí mới tăng thêm nhiều chỉ tiêu, quy định mức độ đạt chuẩn cao hơn nên hầu hết các địa phương không duy trì đạt chuẩn các tiêu chí, nhất là các xã miền núi. Bên cạnh đó, có nhiều chỉ tiêu không phù hợp với điều kiện của tỉnh, như tiêu chí về hỏa táng, nước sạch từ công trình tập trung, khám bệnh từ xa…; nhiều xã ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đang rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, nên để đạt được các tiêu chí trong xây dựng NTM như hiện nay là rất khó, cần phải có thời gian và nguồn lực đầu tư hỗ trợ...”, ông Tấn chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2050 là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Với lợi thế chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì mục tiêu này là tương đối cao; nhưng từ những thành tựu phát triển đã đạt được và sự đột phá trong tư duy, tỉnh Hậu Giang sẽ hiện thực hóa khát vọng này.