Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Quảng Ngãi: Xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi còn nhiều thách thức

T.Nhân-H.Trường - 11:15, 26/04/2024

Nhằm khuyến khích các xã khó khăn nỗ lực để về đích nông thôn mới (NTM), ngày 1/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi để các xã khu vực II, III đạt các tiêu chí về đích NTM không dễ dàng...

Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã miền núi còn rất cao, là trở ngại lớn để hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM
Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã miền núi còn rất cao, là trở ngại lớn để hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM

Quảng Ngãi hiện có 6 xã thuộc khu vực I, 3 xã khu vực II và 52 xã khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi được áp dụng bộ tiêu chí NTM theo Quyết định 211. Theo Quyết định này, một số tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM ở các xã khu vực II, III vùng đồng bào DTTS và miền núi thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 13% (thay vì dưới 5% như cũ), thu nhập bình quân tối thiểu đạt 36 triệu đồng/người/năm (thay vì từ 44 triệu đồng/người/năm trở lên như cũ)...

Tuy nhiên, tại các xã khu vực II, III của Quảng Ngãi vẫn rất khó khăn, nhiều tiêu chí NTM khó hoàn thành. Đơn cử như xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng đăng ký về đích NTM trong năm 2024 nhưng đến thời điểm này, có đến 8 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí thu nhập, nghèo đa chiều và tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn.

Trong khi đó, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ đặt mục tiêu về đích NTM vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không hoàn thành, vì còn vướng 7 tiêu chí gồm: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế và môi trường.

Còn tại xã Xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây cũng nỗ lực về đích NTM vào năm 2025, nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, trong khi thu nhập chỉ đạt 21 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hơn 28%. 

Theo ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Sơn Dung, điều kiện sản xuất khó khăn, người dân sống dựa vào nương rẫy lại canh tác theo phương thức truyền thống nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, vì thế không thể nâng cao thu nhập và giảm nghèo trong thời gian ngắn.

Cá xã miền núi cần phải hỗ trợ người dân phát triển kinh tế để giảm giảm tỷ lệ hộ nghèo
Cần có giải pháp hỗ trợ người dân miền núi phát triển kinh tế để giảm giảm tỷ lệ hộ nghèo

Trao đổi với phóng viên, hầu hết lãnh đạo các địa phương vùng đồng bào DTTS là miền núi đều đồng tình với việc điều chỉnh một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xây dựng NTM ở các xã khó khăn. Bởi, điều này vừa giúp các xã khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi rút ngắn hành trình về đích NTM, vừa thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 Tuy nhiên, với đặc thù địa hình và điều kiện sản xuất khắc nghiệt, nên thu nhập của các xã khu vực II, III khá thấp, chỉ từ 26 - 30 triệu đồng/người/năm; trong khi tỷ lệ hộ nghèo rất cao, từ 20% trở lên. Thậm chí có xã, tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 42%. Vì thế, việc xây dựng NTM ở các địa phương này cần phải có thời gian và lộ trình cụ thể. Nếu như vội vàng, chạy theo thành tích thì sẽ có nhiều hệ luỵ sau khi đạt chuẩn NTM.

 Chủ tịch UBND xã Trà Thủy Hồ Văn Tự chia sẻ: Với nhóm tiêu chí hạ tầng, chỉ cần bố trí đủ nguồn lực sẽ thực hiện hoàn thành. Nhưng với nhóm tiêu chí thu nhập, hộ nghèo thì rất khó, nếu giảm nhanh tỷ lệ nghèo trong 1 hoặc 2 năm chỉ để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, thì nguy cơ người dân tái nghèo “hậu” NTM sẽ rất cao.

Ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển, chính quyền địa phương cần xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả chuyển giao cho người dân
Ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển, chính quyền địa phương cần xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả chuyển giao cho người dân

Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Yêu cầu tỷ lệ hộ nghèo phải giảm còn dưới 13% đang là gánh nặng đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trên lộ trình về đích NTM, nhất là đối với các xã khu vực II, III. Bởi vốn dĩ các xã ở khu vực II, III có tỷ lệ nghèo rất cao, là “lõi nghèo” của huyện, nên không thể trong 1 - 2 năm là có thể giảm xuống dưới 13%. 

Để giảm được từ 2 - 3% hộ nghèo mỗi năm đã là sự nỗ lực lớn của chính quyền và người dân. Hơn nữa, sau khi đã đạt chuẩn NTM, địa phương sẽ không được hưởng chính sách đối với xã khu vực II, III; trong khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, dễ dẫn đến nguy cơ tái nghèo “hậu” NTM.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Trân, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho rằng: Việc xây dựng NTM ở các xã khu vực II, III là cần thiết, nhưng phải có lộ trình và chính sách phù hợp, gắn với ưu tiên bố trí và lồng ghép các nguồn vốn để các xã hoàn thành các mục tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng. Về lâu dài, cần ban hành bộ tiêu chí NTM mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt và phù hợp với thực tiễn, quá trình thực hiện cần điều chỉnh và bổ sung kịp thời đảm bảo việc thực hiện chương trình hiệu quả, thực chất.

Tin cùng chuyên mục
Người truyền dạy tri thức dân tộc Dao ở vùng cao Bát Xát

Người truyền dạy tri thức dân tộc Dao ở vùng cao Bát Xát

Ông Vàng Duần Phù, sinh năm 1971, dân tộc Dao, được biết đến là người thầy dạy chữ, dạy những đạo lý tốt đẹp cho lớp thanh niên trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ông được bầu là Người có uy tín với những đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Dao.