Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tôn giáo - Tín ngưỡng

Nhìn lại những con số ấn tượng tại Đại lễ Vesak 2025

Tào Đạt - 8 giờ trước

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025 đã khép lại với nhiều con số ấn tượng, như: Hàng triệu lượt người tới chiêm bái Xá lợi Đức Phật; có ngày ghi nhận 60.000 lượt người đến chiêm bái Xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức; 1.200 đại biểu, học giả, trí thức Phật giáo đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Hội thảo quốc tế; gần 1.000 chư tôn đức tăng ni và các học giả, nhà nghiên cứu gửi bài tham luận; xác lập 5 kỷ lục Việt Nam...

Dòng người xếp hàng dài chiêm bái Xá lợi Đức Phật khi được tôn trí tại chùa Thanh Tâm
Dòng người xếp hàng dài chiêm bái Xá lợi Đức Phật khi được tôn trí tại chùa Thanh Tâm

Hàng triệu lượt người chiêm bái Xá lợi Đức Phật và Xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức

Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025, hàng triệu tăng ni, phật tử, người dân đã tới chiêm bái Xá lợi Đức Phật (Bảo vật quốc gia Ấn Độ) tại chùa Thanh Tâm, TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian chiêm bái từ ngày 3 đến trưa ngày 8/5.

Cùng với đó, khi cung rước, tôn trí và tổ chức chiêm bái Xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức ở tầng trệt Việt Nam Quốc Tự, từ 14h ngày 6 đến 10/5, hàng nghìn phái đoàn đã đến chiêm bái, có ngày số lượng người chiêm bái lên đến 60.000.

1.200 đại biểu, học giả, trí thức Phật giáo dự Hội thảo quốc tế

Theo Ban Tổ chức, Hội thảo quốc tế Vesak 2025 đã quy tụ hơn 1.200 đại biểu, học giả, trí thức Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đại biểu thảo luận chủ đề chính: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo về hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.

Các đại biểu tăng ni, học giả, trí thức Phật giáo tham dự diễn đàn thảo luận 'Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải'
Các đại biểu tăng ni, học giả, trí thức Phật giáo tham dự Diễn đàn thảo luận Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải

Sau phiên toàn thể, 5 diễn đàn thảo luận song song bằng tiếng Việt và tiếng Anh, xoay quanh nhiều chủ đề phụ, bao gồm: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu. Tại đây, tăng ni, phật tử có thêm nhiều hiểu biết sâu sắc từ các chuyên gia, học giả trong và ngoài giới Phật giáo.

Gần 1.000 chư tôn đức tăng ni và các học giả, nhà nghiên cứu Phật giáo gửi bài tham luận

Để chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuyển thư mời gửi bài tham luận Hội thảo đến chư tôn đức tăng ni và các học giả, nhà nghiên cứu về Phật giáo tại hơn 100 quốc gia.

Theo số liệu thống kê, Ban Tổ chức đã nhận được 620 bài tham luận bằng tiếng Anh và 330 bài tham luận bằng tiếng Việt.

Với các tham luận bằng tiếng Anh, Ban Hội thảo chọn 406 bài đưa vào kỷ yếu, biên soạn thành 2 phiên bản kỷ yếu tiếng Anh và tiếng Việt. Trong đó, kỷ yếu tiếng Anh được biên soạn thành 9 cuốn sách, mỗi cuốn dày hơn 700 trang, với tổng số gần 7.000 trang.

Với các tham luận tiếng Việt, Ban Tổ chức chọn 226 bài đưa vào kỷ yếu tham luận Vesak, với tổng số khoảng 3.000 trang.

Bài tham luận của các tác giả tập trung vào các chủ đề về hòa bình, phát triển bền vững và ứng dụng giáo lý Phật giáo vào xã hội hiện đại. Ban Tổ chức đã chọn 75 tác giả trình bày tham luận tại hội thảo bằng tiếng Anh và 75 tác giả trình bày tham luận bằng tiếng Việt.

Huy động hơn 1.500 tình nguyện viên

Để công tác tổ chức tốt nhất, Ban Tổ chức đã huy động được hơn 1.500 tình nguyện viên phục vụ Đại lễ Vesak 2025, gồm sinh viên, tăng ni sinh và phật tử.

Các tình nguyện viên hỗ trợ xuyên suốt Đại lễ
Các tình nguyện viên hỗ trợ xuyên suốt Đại lễ

Các tình nguyện viên đã hỗ trợ các công việc trong xuyên suốt Đại lễ, truyền tải hình ảnh Việt Nam thân thiện, điểm đến của hòa bình, văn hóa và lòng mến khách, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.

400.000 phần ăn phục vụ tăng ni, phật tử chiêm bái Xá lợi Đức Phật

Trao đổi với báo chí, Đại đức Thích Minh Phú - Phó Trưởng Ban Phụ trách ẩm thực phật tử Đại lễ Vesak 2025, cho biết: Hơn 700 tình nguyện viên đã làm việc liên tục cả ngày đêm để phục vụ thực phẩm cho Đại lễ.

Cụ thể, bếp ăn đã phục vụ 400.000 phần ăn phục vụ tăng ni, phật tử chiêm bái Xá lợi Phật, gồm: 310.000 phần cơm trộn, mì xào, miến xào và 90.000 tô mì tiềm, phở chay...

Bếp ăn cũng phục vụ 10.000 thùng nước suối; 30.000 chai nước sâm đóng chai; 50.000 ly cà phê, nước chanh; 30.000 ly kem; 100 thùng táo; 35.000 quả chuối…

5 kỷ lục Việt Nam được xác lập

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025 đã xác lập cùng lúc 5 kỷ lục Việt Nam. Theo đó, Kỷ lục trao tặng cho Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những kỷ lục được xác lập, phản ánh chiều sâu văn hóa, tâm linh và tinh thần đoàn kết của cộng đồng Phật tử trên toàn cầu. Đồng thời, các kỷ lục không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn góp phần gìn giữ, lan tỏa và phát huy những giá trị trường tồn của tôn giáo trí tuệ, từ bi và hòa bình.

Lá cờ Phật giáo có diện tích 500m2
Lá cờ Phật giáo có diện tích 500m2

Lá cờ Phật giáo lớn nhất Việt Nam: Với diện tích lên đến 500m2, lá cờ được may từ chất liệu vải siêu bền, chịu được thời tiết khắc nghiệt, đồng thời bảo đảm độ bền màu và tính trang nghiêm khi treo ngoài trời trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Thiết kế lá cờ tuân thủ đúng chuẩn mực quốc tế, với 5 màu truyền thống của Phật giáo: Xanh, vàng, đỏ, trắng, cam, tượng trưng cho hào quang của trí tuệ, lòng từ bi và sự giác ngộ của Đức Phật, đồng thời thể hiện tinh thần hòa hợp, đoàn kết của cộng đồng Phật tử toàn thế giới.

Điểm đặc biệt là chiều dài của lá cờ đạt 25,69 mét, con số biểu trưng cho 2.569 năm lịch sử Phật giáo, tính từ năm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh cho đến năm 2025. Chiều ngang của lá cờ là 19,47 mét, được thiết kế cân đối, hài hòa với chiều dài, tạo nên một tổng thể trang nghiêm, hùng tráng.

Đông đảo tăng ni, phật tử và người dân tham dự Lễ thả đèn hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới
Đông đảo tăng ni, phật tử và người dân tham dự Lễ thả đèn hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới

Lễ thả hoa đăng cầu nguyện hòa bình lớn nhất: Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025, tối 6/5 tại Công viên Văn hóa Láng Le (Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), hơn 12.000 người đã cùng tham dự Lễ thả hoa đăng. Đây là một nghi thức linh thiêng, gửi gắm lời nguyện cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình.

Hơn 60.000 hoa đăng được chuẩn bị, gồm hoa đăng giấy, hoa đăng chạy pin và đèn nhựa trang trí, kết hợp cùng 7 đóa sen lớn thắp sáng giữa hồ tạo thành một khung cảnh huyền ảo, thiêng liêng. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh đây là lễ thả hoa đăng lớn nhất cả nước.

Triển lãm đầu tiên trưng bày 87 bảo vật Phật giáo quốc gia: Trong khuôn khổ Vesak 2025, Triển lãm với chủ đề "Văn hóa Phật giáo Việt Nam: Ngôn ngữ - Pháp phục - Kiến trúc - Di sản" đã giới thiệu đầy đủ phiên bản, thông tin và hình ảnh của 87 Bảo vật quốc gia gắn với lịch sử Phật giáo Việt.

Triển lãm trưng bày 20 phiên bản tượng Phật được chế tác lại từ bản gốc với tỷ lệ nhỏ hơn 50 - 70%. Còn lại 67 bảo vật khác được thể hiện qua hình ảnh, tư liệu, trích đoạn giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Lần đầu tiên công chúng được giới thiệu phiên bản và thông tin, hình ảnh 87 bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam. (Trong ảnh: Một số phiên bản mô phỏng Bảo vật Quốc gia thuộc Phật giáo Việt Nam được chế tác, trưng bày tại triển lãm)
Lần đầu tiên công chúng được giới thiệu phiên bản và thông tin, hình ảnh 87 Bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam. (Trong ảnh: Một số phiên bản mô phỏng Bảo vật quốc gia thuộc Phật giáo Việt Nam được chế tác, trưng bày tại Triển lãm)

Đây là nỗ lực mang tính giáo dục - văn hóa sâu sắc, giúp thế hệ hôm nay hiểu và trân trọng hơn hành trình đồng hành cùng dân tộc của đạo Phật qua các thời kỳ.

Quả cầu chủ đề về Vesak 2025 có kích thước lớn nhất Việt Nam: Quả cầu có thiết kế màu trắng, điểm nhấn là biểu tượng bánh xe Pháp luân cách điệu cùng hoa sen hồng, biểu tượng của sự giác ngộ, thanh tịnh và từ bi.

Câu đối chào mừng Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc có kích thước lớn nhất Việt Nam: Một tác phẩm nghệ thuật mang đậm tính biểu tượng được xác lập kỷ lục là bức câu đối chào mừng Đại lễ Phật đản Vesak với diện tích 140,4m2. 

Câu đối được trình bày trang trọng bằng 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pali - tượng trưng cho sự giao thoa văn hóa, truyền thông Phật giáo toàn cầu. Đây là lời chào trang nghiêm, thể hiện tinh thần hòa hợp, đoàn kết, khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc lan tỏa thông điệp Phật pháp đến bạn bè quốc tế.

Thông tin từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2014 tổ chức ở Ninh Bình đã xác lập 6 kỷ lục Việt Nam.

Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) cũng xác lập 10 kỷ lục Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục