Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Như Xuân (Thanh Hóa): Phát huy nguồn lực chính sách, đồng bào DTTS tích cực vươn lên thoát nghèo bền vững

Quỳnh Trâm - 05:23, 26/11/2023

Ngày 7/3/2018, Chính phủ đã phê duyệt huyện Như Xuân ra khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, khẳng định quyết tâm, sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc ở huyện Như Xuân.

Đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo

Đây là dấu ấn quan trọng tạo động lực để huyện tiếp tục thắng lợi Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương lên một bước tiến mới, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn

Theo đó, năm 2023, UBND huyện Như Xuân đã ban hành kế hoạch truyền thông về giảm nghèo đa chiều trên địa bàn huyện. Nội dung kế hoạch nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. 

Các hoạt động truyền thông, như tổ chức hội nghị truyền thông, đối thoại về công tác giảm nghèo tại 10 xã, thị trấn; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác giảm nghèo; phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; treo băng zôn tuyên truyền về giảm nghèo trên các trục đường chính từ huyện đến các xã, thị trấn..., tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Chuyển đổi cây trồng làm nền tảng giúp người dân phát triển kinh tế, thực hiện giảm nghèo bền vững tại huyện Như Xuân
Chuyển đổi cây trồng làm nền tảng giúp người dân phát triển kinh tế, thực hiện giảm nghèo bền vững tại huyện Như Xuân

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023, huyện phấn đấu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở an toàn, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm, bảo hiểm xã hội...), phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,25% tương đương giảm 540 hộ nghèo.

Nổi bật về hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững đang được triển khai tại Như Xuân, là việc thực hiện hiệu quả Dự án 2 về Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo. Dự án thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng tại 11 xã trên địa bàn huyện, bao gồm các xã: Xuân Bình, Tân Bình, Thượng Ninh, Xuân Hòa, Bình Lương, Hóa Quỳ, Cát Vân, Cát Tân, Thanh Xuân,Thanh Sơn, thị trấn Yên Cát). 

Đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

 Nội dung hỗ trợ là mua trâu, bò cái sinh sản do cộng đồng đề xuất, xã tiếp nhận kinh phí xây dựng phương án, luân chuyển, quay vòng nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng, quản lý dự án. Tổng nguồn vốn hỗ trợ là 3 tỷ 589 triệu đồng.

Chủ động vươn lên thoát nghèo

Từ sự hỗ trợ trên, nhiều hộ dân đã ý thức vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như gia đình ông Lương Quang Hợi, ở làng Mài, xã Bình Lương. Là hộ nghèo ở địa phương, ông nhận thấy điều kiện tự nhiên phù hợp với chăn nuôi trâu, bò, vì vậy, ông đã bàn với gia đình đầu tư mua trâu để chăn thả. Bên cạnh đó, ông còn tìm hiểu mô hình nuôi ong lấy mật và bắt đầu thí điểm nuôi ong tại thôn Làng Mài. 

Hiện nay, gia đình ông đang đã có gần chục con trâu, bò và nhiều gia cầm; 2 ha cây keo và rau màu các loại đã cho thu nhập. Tổng nguồn thu nhập từ phát triển chăn nuôi, cây trồng của gia đình ông, hằng năm đạt gần 100 triệu đồng, gia đình ông Hợi đã trở thành hộ khá giả, thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ thanh niên xuất khẩu lao động cũng là một hướng đi đúng và mang lại hiệu quả thoát nghèo ở huyện Như Xuân. 

Như gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân. Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Hùng được xây dựng từ số tiền của người con trai Nguyễn Văn Cường (SN 1994) đi XKLĐ ở Hàn Quốc gửi về.

Ông Hùng chia sẻ: 5 năm trước, con trai ông đã đi XKLĐ nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, công việc của cháu với thu nhập ổn định đã thường xuyên gửi về quê xây dựng nhà cửa, giúp gia đình thoát nghèo.

Nhận thấy hiệu quả từ việc lựa chọn con đường XKLĐ của anh trai, cháu Nguyễn Văn Mạnh (SN 2003), con trai thứ 2 của ông Hùng cũng lựa chọn XKLĐ ở thị trường Hàn Quốc. Hiện tại cháu đang chờ hoàn thiện thủ tục để lên đường đi XKLĐ.

“Từ thực tế của gia đình mình, tôi thấy XKLĐ con đường thoát nghèo hiệu quả. Không những có thu nhập, mà còn giúp các con có thêm kiến thức, mở mang tầm nhìn, sau này có thể về quê để xây dựng sự nghiệp. Hiện nay, khu phố Xuân Chính có hơn 100 hộ sinh sống, trong đó có khoảng 10 hộ có con đi XKLĐ, đều có kinh tế khá giả”, ông Hùng cho hay.

Nhiều hộ gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động tại xã Cát Vân huyện Như Xuân đã có tiền sửa sang, xây mới nhà ở
Nhiều hộ gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động tại xã Cát Vân huyện Như Xuân đã có tiền sửa sang, xây mới nhà ở

Bà Lê Thị Nhi, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Như Xuân, cho biết: Phòng LĐTB&XH huyện tham mưu phối hợp với các công ty tư vấn XKLĐ có uy tín, năng lực thường xuyên thực hiện tư vấn, tuyển lao động trên địa bàn. Đầu năm 2023, chỉ tiêu toàn huyện có 160 người đi XKLĐ. Tính đến ngày 11/10/2023, đã có 311 lao động đi XKLĐ, vượt 194% so với kế hoạch. Các địa phương có số lượng lao động đi XKLĐ vượt chỉ tiêu như thị trấn Yên Cát, Thanh Xuân, Bình Lương, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Xuân Bình, Hóa Quỳ, Xuân Hòa...

Từ công tác XKLĐ đã góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Tổng số hộ nghèo toàn huyện Như Xuân đầu năm 2023 là 13,41%. Tính đến tháng 10/2023, kết quả giảm nghèo của huyện chỉ còn 9,94% (giảm 3,47%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao, đạt 106% so với chỉ tiêu huyện giao).

Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Lê Anh Tuấn cho biết: Trong thời gian tới, huyện Như Xuân tiếp tục dành sự quan tâm đẩy mạnh công tác giảm nghèo với trọng tâm là thực hiện tốt việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 và các năm tiếp theo đúng quy trình hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đảm bảo công khai, dân chủ. 

Huyện tiếp tục tích cực xã hội hóa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng thu hút và động viên sự tham gia ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội hỗ trợ người nghèo. Lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình MTQG. 

Nhiều hộ dân ở xã Thanh Phong được Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế rừng
Nhiều hộ dân ở xã Thanh Phong được Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế rừng

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội để giảm nghèo bền vững; đa dạng các hình thức truyền thông về giảm nghèo để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo.

Trong công tác giảm nghèo, huyện cũng sẽ chú trọng biểu dương, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Qua đó, tạo sức bật mới thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và xây dựng huyện Như Xuân trở thành huyện khá của tỉnh trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.