Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những bông hoa nở trên đá tai mèo

Văn hoa - 08:56, 07/09/2020

Từng thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ vùng cao nhưng tôi thật sự ấn tượng bởi những chàng trai, cô gái nhóm nghệ thuật “Hoa Núi” nơi Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật được nhóm dàn dựng rất công phu, luôn đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc thật khó quên.

Tiết mục của nhóm “Hoa Núi” biểu diễn tại Homestay
Tiết mục của nhóm “Hoa Núi” biểu diễn tại Homestay

Chúng tôi đến Hà Giang đúng dịp diễn ra Chương trình Gala “Hành trình chinh phục Đồng Văn”, do Công ty Du lịch Oriental tổ chức cho đoàn khách du lịch đến với Đồng Văn. 

Điểm nhấn của Chương trình là các tiết mục nghệ thuật do nhóm “Hoa Núi” biểu diễn. Nhóm gồm 10 bạn trẻ, có độ tuổi từ 20 -30 tuổi, thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau như: Dân tộc Mông, Lô Lô, Hoa, Tày...

Bạn Thanh Vinh, Trưởng nhóm chia sẻ: “Chúng em tập hợp những bạn trẻ yêu, đam mê và có mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc vào nhóm. “Hoa Núi” nghĩa là những sắc màu rực rỡ của miền Cao nguyên đá, nơi núi đá tai mèo và khí hậu khắc nghiệt nhưng cả thiên nhiên và con người nơi đây vẫn căng đầy sức sống”. 

Mỗi tiết mục do “Hoa núi” biểu diễn là một nét đẹp văn hóa của các dân tộc nơi đây: Độc tấu sáo và múa khèn là đặc sản văn hóa Mông; tiết mục múa “Mùa ngô” mang đậm văn hóa Lô Lô; múa quạt của người Tày; múa “Hương sắc” của người Giáy… Tất cả tạo nên một bữa tiệc nghệ thuật độc đáo, thu hút người xem. 

Bài độc tấu sáo “Xuân về trên bản Mông” của anh Vừ Mí Chá khiến chúng tôi choáng ngợp bởi tài năng và giai điệu. Tiếng sáo lúc trầm, lúc bổng, bay cao, vang xa qua những ngọn núi, con sông… Qua tiếng sáo, du khách như hiểu hơn về văn hóa dân tộc Mông cũng như con người nơi đây. Hay điệu múa “Hương sắc” với nét đặc trưng văn hóa dân tộc Giáy. Các diễn viên múa tuổi đôi mươi thướt tha trong tà váy nhiều màu sắc, các động tác múa uyển chuyển, linh hoạt như cách mà con người vùng Cao nguyên đá thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt vậy. 

Anh Hiển, du khách đến từ Hà Nội nói với tôi: “Đội văn nghệ hát hay và múa đẹp quá em ạ!”. Vừa dứt lời, anh lên sân khấu say sưa hòa vào điệu nhạc cùng các thành viên trong nhóm trong điệu nhảy khèn độc đáo…

Điểm đặc biệt của nhóm là các tiết mục nghệ thuật do chính các thành viên trong nhóm sưu tầm, sáng tác, dàn dựng. Cũng chính mỗi thành viên là người đem những tinh hoa, nét đẹp văn hóa dân tộc mình chia sẻ trong nhóm cùng hiểu và diễn chung, tất cả tạo nên một chương trình đặc sắc…

Trưởng nhóm Thanh Vinh cũng chia sẻ thêm, ngoài biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch trong các nhà hàng, khách sạn, các Homestay, nhóm “Hoa Núi” cũng được mời biểu diễn nhiều chương trình lớn của địa phương như: Lễ hội Hoa tam giác mạch của tỉnh Hà Giang diễn ra hằng năm; Lễ hội Khèn Mông thường niên của huyện; hội xuân diễn ra hằng năm tại địa phương; biểu diễn tại các Hội chợ xúc tiến du lịch tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt…

Tạm biệt Đồng Văn khi ánh mặt trời còn lưng chừng núi, xa xa những bông hoa mọc lên từ khe núi đá tai mèo đang cố vươn cao và khoe sắc khiến chúng tôi lại nhớ về những chàng trai, cô gái nhóm “Hoa Núi” đang nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.