Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Những “cây cao bóng cả”

Ngọc Thu - 15:19, 05/05/2024

Vững chãi như cây Kơ Nia trước mưa gió, già làng, Người có uy tín luôn che chở, dẫn dắt dân làng trên Cao nguyên Gia Lai vượt mọi khó khăn, vững bước theo Đảng, theo Bác Hồ, vì một Tây Nguyên hôm qua anh hùng, hôm nay giàu đẹp.

Tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị biểu dương Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS nhằm ghi nhận những đóng góp của Người có uy tín trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc
Tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị biểu dương Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS nhằm ghi nhận những đóng góp của Người có uy tín trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc

1. Đối với Người có uy tín Nay Ky (dân tộc Gia Rai, thôn Tao Ôr, xã Ia Roong, huyện Chư Pưh), hạnh phúc là khi bà con cùng nhau làm ăn chân chính trên chính quê hương mình. Vì vậy, ngày ngày ông mải miết tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt pháp luật, gìn giữ an ninh thôn làng, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Già Ky còn nhớ như in thời gian trước, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận bà con DTTS trên địa bàn huyện, một số đối tượng xấu đã tìm cách móc nối, dụ dỗ, lừa phỉnh bà con sang nước ngoài làm việc nhẹ, lương cao hoặc không làm mà vẫn có ăn. Tin vào đó, nhiều người đã bán hết tài sản, thậm chí vay thêm tiền đưa cho các đối tượng để vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan. Và rồi nhiều người đã vỡ mộng, nhận cái kết đắng, trở về quê hương.

Trong số đó, có anh Rơ Châm Ty, làng Bê Tel, xã Ia Rong vừa may mắn được trở về quê hương sau hơn 1 năm sống cơ cực ở tỉnh Nonthaburi, Thái Lan.

Anh Ty kể: “Tôi bị một đối tượng tên Thuyn lừa qua Thái Lan làm mỗi ngày tiền công được 1- 2 triệu đồng. Vậy mà qua bên đó, nó bỏ rơi tôi. Một mình tôi lang thang, đi làm phụ hồ, lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Tôi nhớ nhà, nhớ vợ con mà không biết phải làm sao để về. May mắn sao, tôi tìm cách về được Việt Nam, có gia đình, bà con, chính quyền, lực lượng Công an cùng già Ky luôn bên cạnh giúp đỡ, động viên mình làm ăn chân chính ngay tại quê hương. Tôi mừng lắm và mong bà con đừng bao giờ bị mắc lừa như tôi”.

Ông Nay Ky cho biết: Khi nắm được tình hình trong làng, mình phải nêu cao trách nhiệm của Người có uy tín, Trưởng thôn để tích cực phối hợp với chính quyền địa phương cùng hệ thống chính trị thôn đến tận nhà động viên, giúp đỡ họ sớm hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống. Đối với thanh niên trong làng, phải thường xuyên chia sẻ, tuyên truyền, giải thích cho họ nhận ra rằng, không ở đâu bằng quê hương mình, phải chăm lo làm ăn, tỉnh táo trước âm mưu, dụ dỗ của kẻ xấu.

Tỉnh Gia Lai có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 46%, có 955 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Khắp các buôn làng Gia Lai, Người có uy tín được ví như cây Kơ Nia của làng, là điểm tựa vững chắc của Nhân dân. Đặc biệt, bằng kiến thức, khả năng của mình, họ giúp người dân tiếp cận với các chủ trương, chính sách một cách dễ hiểu nhất, đồng thời phát huy nội lực của Nhân dân trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ...”

2. Ở làng Dăng, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, dù đã hơn 70 tuổi, nhưng già làng Ksor Cân vẫn tiếp tục được Nhân dân tín nhiệm bầu làm Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Gia Rai.

Còn nhớ năm 2021, làng Dăng được xã Ia O chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới (NTM). Già đã vận động bà con thực hiện những việc làm cụ thể như, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, làm hàng rào, sửa chữa mương thoát nước các tuyến đường trong làng, đóng góp kinh phí để mua sắm thiết bị trong nhà văn hóa, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm…

Già Cân còn động viên dân làng chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp sức làm đường giao thông nông thôn dài gần 1 km. Ông Ksor Thuônh, làng Dăng cho biết: “Nghe theo lời già Ksor Cân, mình cùng nhiều gia đình khác trong làng đã tự nguyện hiến đất làm đường. Gia đình mình đã hiến hơn 100m2 đất và tháo dỡ hàng rào để làm đường giao thông. Đây là việc làm thiết thực và rất ý nghĩa, xây dựng thôn làng sạch đẹp, con cháu sau này cũng được hưởng lợi”.

Theo già Ksor Cân, muốn người dân làm theo thì mình phải kiên trì nói sao cho họ ưng cái bụng. Vậy nên, phải nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con như tranh thủ buổi tối, khi bà con đi làm về để đến từng nhà nói chuyện, phân tích để mọi người hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng NTM… Từ đó, bà con mới tin tưởng, nghe và làm theo mình được.

Già Ksor Cân vận động bà con gìn giữ bản sắc văn hóa, chung tay, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp
Già Ksor Cân vận động bà con gìn giữ bản sắc văn hóa, chung tay, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp

3. Là Người có uy tín của đồng bào Ba Na làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ, chị Đinh Thị Siết luôn tự tin về lợi thế của mình khi tuyên truyền, vận động bà con Ba Na xoá bỏ hủ tục, phòng chống tảo hôn, chăm lo phát triển kinh tế. Làng Đê Chơ Gang có 120 hộ, trong đó 98% là người Ba Na. Nhằm tuyên truyền người dân đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế, “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ hủ tục, để vươn lên trong cuộc sống, chị Siết đã “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” vận động bà con tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự buôn làng.

Đặc biệt, chị thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với những gia đình có con em trong độ tuổi vị thành niên về tác hại của tảo hôn.

Mới đây, em Đinh Thị K. (SN 2008) đã “phải lòng” một bạn trai ở địa phương khác, có ý định nghỉ học để kết hôn. Nắm được tình hình, chị Siết đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, tổ tự quản thôn làng đến tận nhà tuyên truyền kịp thời ngăn chặn việc tảo hôn. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng, gia đình cũng hiểu và tiếp tục cho em K. đi học trở lại. Ông Đinh H’L. (cha của em K.) nói: “Được chị Siết cùng các cán bộ thôn làng đến giải thích, mình và bà con trong làng đều hiểu rõ tác hại của việc cho con lấy chồng khi chưa đủ tuổi. Vì vậy, không đồng tình cho yêu, cưới khi tụi nhỏ chưa đủ tuổi. Mình tập trung lo cho con cái ăn học, phát triển đầy đủ thì tương lai mới khấm khá được”.

Chị Siết cho hay: “Ngoài công tác tuyên tuyền, nếu gia đình nào đồng ý cho con tảo hôn thì sẽ vận động cả làng không tham dự lễ cưới, thậm chí phạt hành chính đối với gia đình đó. Ngoài ra, hằng tháng họp thôn làng sẽ nêu tên làm gương cho thanh niên trong làng. Nhờ vậy, tôi cùng chính quyền địa phương đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ có nguy cơ tảo hôn”.

Nhờ có sự tích cực tuyên truyền, vận động của Người có uy tín Đinh Thị Siết, đến nay, dân làng Đê Chơ Gang đều chấp hành tốt và không có tình trạng tảo hôn, mọi người cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, ấm no hạnh phúc.