Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thanh Hải - 15:17, 24/09/2024

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.

Lực lượng chức năng và người dân chung tay tháo dỡ nhà bà Lương Thị Hoa ở bản Mường Piệt, xã Thông Thụ (Quế Phong) bị đổ sập do sạt lở núi
Lực lượng chức năng và người dân chung tay tháo dỡ nhà bà Lương Thị Hoa ở bản Mường Piệt, xã Thông Thụ (Quế Phong) bị đổ sập do sạt lở núi

“Bỏ của chạy người”

Tháo chạy khỏi căn nhà sàn nép mình dưới ngọn núi Pù Xai Cáng ở bản Mường Piệt, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, bà Lương Thị Hoa vẫn chưa hoàn hồn. Chỉ mới chiều 22/9, đất đá đã làm căn nhà sàn bị xiêu vẹo. Thế mà sáng nay, căn nhà đã bị đổ oạp vì không chống đỡ nổi khối lượng đất đá quá lớn từ trên núi tràn xuống. 

Bà sụt sùi: Mưa nhiều ngày rồi, đất nhão ra, rồi sạt lở từ núi xuống. Nhìn căn nhà tích cóp cả đời để dựng nên, lại phải bỏ để chạy tháo thân mà không có cách nào khác. Xót xa lắm. Cũng may là đã di dời tài sản trong nhà rồi, không thì…

Sống nương tựa vào thiên nhiên, nhưng khi thiên nhiên nổi giận thì chẳng thể chống đỡ nổi. Người dân trong phút chốc đã trắng tay.

Trong tâm trạng bất an, 41 hộ với 186 nhân khẩu ở rải rác khắp các bản, làng ở huyện Quế Phong cũng đã buộc phải di dời, vì nguy cơ cao sạt lở do mưa kéo dài. “Tính đến cuối chiều ngày 22/9, toàn huyện đã phải di dời 26 hộ với 126 nhân khẩu đến nơi ở an toàn. Trong đó, Thông Thụ có 16 hộ, Nậm Nhoóng 15 hộ, Tri Lễ 5 hộ, Cắm Muộn 2 hộ, Quang Phong 2 hộ… Nếu không di dời thì hậu quả khó lường hết vì những ngọn núi xung quanh đang có dấu hiệu sụt xuống”, ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Quế Phong chia sẻ.

Hộ gia đình La Văn Ỏn ở bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) bùn đất từ núi sạt xuống ngập ngang mái nhà
Hộ gia đình La Văn Ỏn ở bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) bùn đất từ núi sạt xuống ngập ngang mái nhà

Trước đó hai ngày, mưa kéo dài đã khiến đất núi nứt nẻ. Vết nứt kéo dài đến tận móng nhà ông Hoàng Văn Sơn và Kha Văn Cảnh, cùng ở bản Bủng Xát (xã Châu Khê, huyện Con Cuông). Đây là những hộ dân đã định cư lâu đời ở vùng đất này, chưa từng chứng kiến nỗi lo sạt lở núi, thì nay đã phải “bỏ của chạy người” trong bao nỗi ngổn ngang.

Tài sản trong nhà đã được các lực lượng chức năng cùng bà con trong bản chung tay di dời. Duy có căn nhà sàn của 2 hộ thì chưa thể tháo dỡ kịp. Trong những giải pháp mang tính tình thế, cán bộ Biên phòng Châu Khê cùng chính quyền địa phương có đến mấy chục người, chằng néo các cột rồi hối nhau khiêng tạm ra khỏi điểm sạt lở. Ông Kha Văn Cảnh ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông trầm ngâm: Lo lắm, nếu vết nứt tiếp tục kéo dài thì nhà chúng tôi nguy mất. Nếu đất đá vùi lấp nhà thì lấy đâu tiền để dựng lại.

Tương tự, trao đổi với lãnh đạo huyện Tương Dương được biết, danh sách nhà ở bị ảnh hưởng do sạt lở núi phải di dời ngày một thêm dài. Ngoài 78 nhà ở trên toàn huyện bị sạt lở, đất đá tràn vào nhà, thì đã có đến 36 hộ ở xã Tam Quang, cũng buộc phải sơ tán do có nguy cao bị sạt lở đất đá vào nhà. 

Di dời nhà dân ở xã Chi Khê (Con Cuông) ra khỏi vị trí sạt lở
Di dời nhà dân ở xã Chi Khê (Con Cuông) ra khỏi vị trí sạt lở

Một trong hai hộ dân có nhà xây kiên cố nhưng vẫn bị đất đá từ trên núi sạt lở, xô đổ tường là ông Lô Văn Mão ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng. Ông Mão trầm buồn: Ở bản này, nhà tôi bị nặng nhất. Nhìn căn nhà mà xót xa qua, rồi lấy gì mà ở. 

Theo bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, địa phương đã có 36 hộ dân ở bản Tân Hương và Tùng Hương phải di dời dân. Khi có mưa kéo dài, địa phương đã phải khẩn trương tuyên truyền, vận động để người dân di tản đến nơi an toàn. Những hộ di dời, cơ bản nhà cửa vẫn còn nguyên, chưa thể tháo dỡ kịp. Tuy nhiên, di dời chỉ là giải pháp đảm bảo an toàn trước mắt mà thôi.

Khó khăn ổn định chỗ ở

Địa hình dốc, nhiều núi cao… nên mỗi khi có mưa kéo dài, người dân nhiều bản làng miền núi Nghệ An lại tất tả di dời để bảo vệ tính mạng, và cũng là để vớt vát chút tài sản tích cóp bấy lâu. Mỗi khi có mưa bão, lũ lụt; các cấp chính quyền cơ sở ở Nghệ An đều đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phòng tránh. 

Trước hết, địa phương kiểm tra, khảo sát lại những vị trí có nguy cơ sạt lở để lên phương án đi dời, sơ tán dân. Những ngày mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 và số 4, thì phương án di dời dân vùng nguy cơ sạt lở và lũ quét đã được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Vì thế mà giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản một cách đáng kể. Hỏi chuyện các địa phương, phương án “4 tại chỗ” khi bị cô lập đã được lên "dây cót".

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra những vị trí sạt lở để lên phương án di dời dân
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra những vị trí sạt lở để lên phương án di dời dân

Mưa kéo dài nhiều ngày, từ hoàn lưu bão số 3 vắt sang hoàn lưu bão số 4. Những ngọn núi ngấm no nước bắt đầu nứt nẻ, có dấu hiệu sụt xuống, đe dọa những cư dân bên dưới. Giải pháp di dời chỉ là giải pháp tạm thời khi xảy ra mưa lũ buộc phải di dời do bị sạt lở và nguy cơ sạt lở. Điều đáng lo ngại, hàng trăm hộ dân ở các huyện miền núi Nghệ An này sẽ đối mặt như thế nào với cuộc sống sắp tới. Bởi chỗ ở đã bị đe dọa, nỗi bất an luôn chực chờ.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - ông Nguyễn Viết Hùng cho biết: Năm nào huyện cũng phải di dời hàng chục hộ dân đến nơi tạm trú an toàn, vì nỗi lo lũ quét và sạt lở đất. Một địa phương mà có độ dốc hơn 98%, hễ mưa xuống là sạt lở; thì lấy đâu ra quỹ đất để tái định cư, dù đó là xen ghép. Ngoài nỗi lo về sinh kế, thoát nghèo cho bà con, thì nỗi lo về việc tìm chỗ ở mới sau những sạt lở của mùa mưa bão cũng đầy thách thức không kém.

Thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí… đang là những khó khăn lớn trên hành trình ổn định cuộc sống của bà con miền núi nói chung và người dân các huyện miền núi Nghệ An nói riêng.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.