Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những lễ thức ngày Tết gắn với một số dân tộc ở vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái

Hoàng Nguyễn Hoàng - 00:37, 22/01/2023

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói từ ngàn xưa giới thiệu về bốn Mường lớn ở vùng Tây Bắc. Lớn nhất là Mường Thanh (Điện Biên), thứ nhì Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), thứ ba Mường Tấc ( Phù Yên, Sơn La), thứ tư Mường Than (Than Uyên, Lai Châu). Đây được coi là 4 vựa lúa của Tây Bắc

Những vòng xòe rộng mở cũng giống như tấm lòng hiếu khách của đồng bào Thái trên quê hương Mường Lò.
Những vòng xòe rộng mở cũng giống như tấm lòng hiếu khách của đồng bào Thái trên quê hương Mường Lò.

Mường Lò là một trong 4 Mường này; nơi hội tụ của nhiều bản sắc văn hóa của đồng bào Tây Bắc, nổi trội là văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao, Tày. Các lễ thức dân gian của các DTTS thể hiện đậm nét nhất trong dịp Tết và những ngày hội Xuân, gắn với tập tục và bản sắc mỗi dân tộc, thể hiện quan niệm về nhân sinh, vũ trụ, từ thuở sơ khai, thông qua tín ngưỡng và các hoạt động lễ hội mang đậm dấu ấn của từng dân tộc.

Người Thái ở Mường Lò có câu tục ngữ: Muốn biết lòng chủ nhà thế nào, hãy xem họ mời rượu. Khách quen đến nhà, người Thái xuống tận chân cầu thang tiếp đón niềm nở rồi đưa lên sàn trải chiếu mời ngồi với lời chúc tốt đẹp đầu Xuân, vừa chuyện trò vừa nhâm nhi chén rượu. Nhận ra khách quý thật tâm với bản, chủ nhà có tín hiệu cho con cháu mời bà con mường bản và các cô gái đến khắp (hát), múa (xòe). Khách được mời vào vòng xòe, được hướng dẫn theo nhịp trống rộn ràng. Những câu chuyện trong vòng xòe có khi đem theo mãi trong đời với những người bất chợt nhận ra đó chính là bạn mình muốn tìm từ lâu. Khi chia tay khách ra về, các cô gái đứng hai bên cầu thang mời rượu, hẹn ngày gặp lại...

Trong ngày hội Xuân, người Thái có nhiều trò chơi truyền thống có tính cộng đồng như tung còn, tó mắc lẹ (đáo quả lẹ). Đáng kể nhất là sàn “hạn khuống”, hình thức diễn xướng giao duyên, với những lời ca trữ tình bắt nguồn từ lao động. Bên bếp lửa và khung dệt thổ cẩm hay góc cửa sổ đan chài lưới, thêu hoa, kết khăn piêu; trai gái được dịp trổ tài hát đối đáp thâu đêm với những tình huống kịch tính đầy ấn tượng, đầy ý nghĩa nhân sinh và ấm nồng tình yêu lứa đôi.

Nằm cách Tp. Yên Bái chừng 80km về phía Tây, thung lũng Mường Lò được ví như một lòng chảo khổng lồ bao trọn toàn bộ thị xã Nghĩa Lộ.
Nằm cách Tp. Yên Bái chừng 80km về phía Tây, thung lũng Mường Lò được ví như một lòng chảo khổng lồ bao trọn toàn bộ thị xã Nghĩa Lộ.

Người Tày chuẩn bị đón Tết cầu kỳ không kém các DTTS khác. Trước một tháng, các gia đình đều ưu tiên việc lên rừng lấy củi nấu bánh chưng. Tiếp đến là lên rừng lấy lá dong gói bánh. Gạo nấu bánh chọn từ khi cấy ruộng, đỗ chọn từ trên nương và thịt nhân bánh thì chọn từ lứa lợn đầu tiên trong năm rồi. Chiếc bánh chưng tròn của người Tày, Thái, Nùng có những ngôn ngữ không lời có khi cảm nhận cả cuộc đời vẫn còn những dư âm thăm thẳm đầy yêu thương cuộc sống. Nào là bảy nút buộc, nào là lạt buộc xuôi cùng phía, nào là lớp lá trong, lá ngoài ấp ngược và đầu lá gập vào cùng đuôi lá, nào là bốn góc bánh vuông mà thân bánh tròn được kết nối từ bao nhiêu là sản vật. Đặc biệt bánh chưng tròn phải có sóng lá thẳng thì công việc cả năm mới hanh thông. Từng cặp đôi những cái bánh (đồng bào gọi là cái bánh hơn là chiếc bánh) đi lễ, Tết ông bà, cô bác, đi “sêu” (cảm tạ thầy thuốc), đặt trên bàn thờ ngạt ngào hương của hoa gió (loại cây tên là gió, thân già có trầm, cùng loại gió bầu). Hoa gió trên bàn thờ đêm Ba mươi Tết quyện với hương đen làm bừng trầm của cây trám đen, ngạt ngào lan tỏa khắp không gian của ngôi nhà sàn bập bùng lửa ấm như gắn kết gia tộc, xóm làng ngày Tết thân thương đến kỳ lạ. Hoa gió với Tết người Tày là đặc trưng cho sự linh thiêng, thanh cao mà người Tày đặt nơi bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Xuân về.

Hội chơi Xuân, tung còn, lễ hội xuống đồng, chơi đu, giậm thuông của hát Then Tày, xòe Then diễn ra trong các gia đình có người làm thầy cúng, thầy tào. Xòe Then của người Tày khác xòe Thái. Xòe Thái giữ nhịp bằng khèn bè và trống hội. Xòe Then giữ nhịp bằng tính tẩu và nhạc từ những chùm nhạc xòe bằng đồng réo rắt từ những bàn tay mềm mại, mạnh khỏe của các thôn nữ hoặc các mẹ, các bà. Người Tày cũng có lễ hội “lồng tồng” giống người Thái, người Nùng. Lễ hội hàm nghĩa ân đức với tổ tiên, cầu trời, cầu thần linh và các bậc siêu nhiên phù trợ cho mưa thuận gió hòa, đẩy đuổi thú dữ và sâu bệnh không quấy phá mùa màng, để dân bản làm ăn thuận lợi, mọi người được sống yên vui. Đó chỉ là một phần Tết trong lễ thức của người Tày ở vùng đất Mường Lò xưa.

Tiếng khèn mùa Xuân.
Tiếng khèn mùa Xuân.

Người Mông tính lịch Tết bằng mỗi tháng 30 ngày, mỗi năm 360 ngày, cho nên Tết của đồng bào Mông có thể trước hoặc gần với Tết Âm lịch. Một trong những đặc sản của Tết Mông là bánh giầy. Đó là cơm nếp được cho vào máng gỗ giã nhuyễn rồi nắm lại từng nắm dẹt tròn. Có nhà làm hàng trăm chiếc để ăn dần. Tết của đồng bào Mông kéo dài hằng tuần, hằng tháng, với quan niệm “Có rượu cùng uống, có thịt cùng ăn”. Ngày Tết, các công cụ lao động (cày, bừa, dao, cuốc...) được nghỉ ngơi, dùng giấy màu cuốn lại, đặt sát vách gian giữa nhà. Sau các nghi thức cúng thần linh, cúng ma rừng, ma nhà, cỗ được hạ xuống quanh bếp lửa mọi người thụ hưởng vui vẻ. Sôi động nhất trong những ngày Tết là hội “gầu tào” chọn nơi trời đất khoáng đạt, trồng cây nêu lớn buộc dải vải đỏ trên ngọn, dưới treo giấy bản màu và một quả bầu đầy rượu. Bên cây nêu, mọi người đánh tù lú, ném pao, đẩy gậy, bắn nỏ, đua ngựa, múa ô, thổi khèn, hát “khâu xìa plềnh”... Các trò chơi Tết của người Mông nhấn mạnh tính thượng võ rất phóng khoáng của cộng đồng...

Những lễ thức ngày Tết, đón Xuân của các dân tộc ở Mường Lò nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung ngày nay còn giữ được nhiều nét chân phác, gần gũi với thiên nhiên, thô mộc, khoáng đạt trữ tình, tạo cho cảnh sắc và con người Mường Lò thêm thân thiện và cởi mở đón du khách về làng, về bản cùng vui Xuân. Từ Mường Lò bạn lên Tú Lệ, qua đèo Khau Phạ rồi lên Suối Giàng... Mùa Xuân đang đầy ắp quanh ta! Hãy về với Mường Lò cùng với người Tây Bắc xòe hoa mùa Xuân và cùng hát những bản tình ca núi rừng.

         

Tin cùng chuyên mục
Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có một số cuốn sách cổ viết bằng chữ Thái hệ Lai Pao trên lá cây khá độc đáo. Tuy nhiên, những cuốn sách cổ này còn rất ít và số người biết đọc chữ Thái cũng không còn nhiều. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái là điều hết sức cần thiết.