Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những lễ thức ngày Tết gắn với đồng bào ở Mường Lò

Hoàng Nguyễn Hoàng - 07:29, 12/02/2021

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói từ ngàn xưa giới thiệu về bốn Mường lớn ở vùng Tây Bắc. Lớn nhất là Mường Thanh (Điện Biên), Thứ nhì Mường Lò (Nghĩa Lộ , Yên Bái), thứ ba Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La), thứ tư Mường Than (Than Uyên, Lai Châu). Đây được coi là 4 vựa lúa của Tây Bắc.

Trên sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, 5.000 người đã trình diễn 6 điệu xòe cổ, tạo hình thành bông hoa ban và ruộng bậc thang - đặc sản của vùng đất Yên Bái
Trên sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, 5.000 người đã trình diễn 6 điệu xòe cổ, tạo hình thành bông hoa ban và ruộng bậc thang - đặc sản của vùng đất Yên Bái

Mường Lò là một trong 4 Mường này, nơi hội tụ của nhiều bản sắc văn hóa của đồng bào Tây Bắc, nổi trội là văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao, Tày. Các lễ thức dân gian các DTTS, thể hiện đậm nét nhất trong dịp Tết và những ngày hội Xuân. Các lễ thức này thường gắn với tập tục và bản sắc mỗi dân tộc, thể hiện quan niệm về nhân sinh, vũ trụ, từ thuở sơ khai, thông qua tín ngưỡng và các hoạt động lễ hội mang nặng dấu ấn của từng dân tộc.

Vùng văn hoá Mường Lò bao gồm toàn bộ địa giới thị xã Nghĩa Lộ, cả lòng chảo của một thung lũng với cánh đồng rộng lớn, màu mỡ, và một số xã của huyện Văn Chấn bao quanh từ đèo Ách giáp ranh của xã Đồng Khê và Cát Thịnh, kéo dài đến đèo Ngam Cha của xã Tú Lệ. Đây là một miền đất với núi non trùng điệp và nơi bảo lưu nhiều sinh hoạt văn hoá cộng đồng của dân tộc Thái, Mông, Mường, Tày, Khơ Mú, Dao... được thể hiện qua các Lễ hội hoa ban, Lễ hội “Lồng tồng” của người Thái, Lễ “Tăm khẩu mảu” của người Tày; Lễ hội “Gàu tào” của người Mông; Lễ “Tết nhảy” của người Dao, Lễ “Đón mẹ lúa của người Khơ Mú...

Người Thái ở Mường Lò có câu tục ngữ: Muốn biết lòng chủ nhà thế nào, hãy xem họ mời rượu (dooc hú trở tày hươn xưng hư, bấng sẳn mơi lảu). Khách quen đến nhà, người Thái xuống tận chân thang niềm nở đón đưa lên sàn trải chiếu ngồi với lời chúc tốt đẹp đầu Xuân, lưu khách bằng những câu chuyện xa xưa, hiện tại thấm đẫm tình người. Vừa chuyện trò vừa nhâm nhi chén rượu, rồi cùng nghe các cụ già “Kể chuyện bản mường” (Chuyện QUẮM TÔ MƯƠNG” viết bằng chữ Thái cổ); từ sáng đến trưa, trưa đến tối không biết chán. Chuyện trò, nhận ra khách quý thật tâm với bản, chủ nhà có tín hiệu cho con cháu mời bà con mường bản và các cô gái đến khắp (hát), múa (xòe), trong âm điệu rộn ràng của nhạc khèn bè và các loại pí (sáo). 

Khách được mời vào vòng xòe, vừa xòe được chủ nhà, được các mẹ, các bà, các cô gái hướng dẫn theo nhịp trống rộn ràng. Các điệu xòe cổ được mở màn từ nâng khăn mời rượu, “Khắm khoen” đoàn kết (vòng tay, cầm tay) đến “phá xí”, (bổ bốn) “đổn hôn” (tiến lùi), “ỏm lọm tốp mứ” (Vỗ tay) cứ lan tỏa rộn ràng mãi không dứt. Người xòe mệt lại ra đánh trống, thổi khèn, gõ nhịp tre trúc, người khác lại vào xòe hoa.

Những câu chuyện trong vòng xòe có khi đem theo mãi trong đời với những người bất chợt nhận ra đó chính là bạn mình muốn tìm từ lâu. “Không xòe không vui, không xòe lúa không tốt, không xòe trai gái không thành đôi”. Câu ca xưa của người Thái diễn tả vị trí quan trọng của xòe trong đời sống cộng đồng nhất là lúc đất trời cùng muôn người vào hội Xuân (xòe là múa). Khi chia tay khách ra về, các cô gái đứng hai bên cầu thang mời rượu, hẹn ngày gặp lại, không ai có thể chối từ. (Chén này gửi mẹ gửi cha, chén kia gửi vợ gửi người thương ở nhà). Khi ngồi trên sàn khách lưu ý không ngồi vào ghế có nệm dành cho chủ nhà và đừng ngồi quay lưng vào bếp vì đó là điều kiêng cữ. 

Trong ngày hội Xuân người Thái có nhiều trò chơi truyền thống có tính cộng đồng như tung còn, tó mắc lẹ (đáo quả lẹ). Đáng kể nhất là sàn "hạn khuống", hình thức diễn xướng giao duyên, với những lời ca trữ tình bắt nguồn từ lao động. Bên bếp lửa và khung dệt thổ cẩm hay góc cửa sổ đan chài lưới, thêu hoa, kết khăn piêu; trai gái được dịp trổ tài hát đối đáp thâu đêm với những tình huống kịch tính đầy ấn tượng, đầy ý nghĩa nhân sinh và ấm nồng tình yêu lứa đôi.

 “Đứng từ xa anh nhìn thấy lửa

Theo ánh lửa anh đi đến gần

Thấy suối trong anh muốn tắm

Thấy em đẹp anh muốn thương.

Hãy cho anh nắm vào bàn tay em

Để anh thành bạn của làng của bản

Hãy cho anh khót vào khoen em (khoác vào tay)

Để anh được làm con của mẹ của cha

Nếu được như thế

Thì từ bây giờ

Không có một núi cao, vực sâu nào

Ngăn được chân anh đến cùng em”.

(lời dịch từ “Xống trụ xon xao” được hát trên sàn hạn khuống)

Lễ hội cấp sắc công nhận sự trưởng thành của đàn ông dân tộc Dao
Lễ hội cấp sắc công nhận sự trưởng thành của đàn ông dân tộc Dao

Dịp tháng Giêng hai người Thái còn có Lễ "xên bản, xên mường" (Cúng bản, cúng Mường), ghi ơn tổ tiên khai mở đất đai, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vui vẻ ăn uống, múa hát.

Người Mường định cư nhiều ở Thanh Lương, Thạch Lương, Sơn Thịnh thuộc Mường Lò xưa (nay thuộc huyện Văn Chấn) thì quan niệm "trâu ra đồng ăn cỏ, người đến nhà ăn cơm". Khách đã đến nhà nhất là ngày Tết thì phải tuân thủ lệ này. Bao giờ cũng sẵn thức ăn là các sản vật tự làm ra. Chủ nhà ân cần trải chiếu hoa bên cửa sổ nhà sàn, trước là uống nước, sau là uống rượu. "Ăn cơm không khen cơm ngon, mất lòng người giã gạo/Uống rượu không khen rượu ngon, mất lòng người ủ men". Câu ngạn ngữ ấy biểu hiện khách chủ hòa đồng. Khách chú ý khi ngồi khi nằm tránh không quay lưng hoặc gác chân lên cửa voóng, là điều kiêng kỵ.

 Chủ và khách luôn từ tốn làm đẹp lòng nhau. Khách quý còn được chủ nhà đón "thầy Đang" đến hát đối đáp. Khách biết "Đang" thì càng vui (Nếu người Kinh Bắc có dân ca quan họ, người Tày, Nùng có hát Then, người Thái có Khắp thì người Mường có “lời Đang” hay còn nói ví là “Đang Mường”. Đang Mường là làn điệu dân ca chứa chan tình người, đằm thăm duyên quê, khát vọng về tình yêu quê hương đất nước. Khách đến thăm, khi chia tay, đường về còn xa, được chủ nhà gói theo cơm xôi, cá nướng, trứng gà luộc để ăn đường; nói là làm vía, nhưng thực chất là món quà quê đem về đón tay trẻ nhỏ. Sau Tết, người Mường có hội xuống đồng (khuông mùa), với các nghi thức ẩm thực và ca múa. Các điệu múa nàng tiên, múa trống tu, múa mơi... cuồng nhiệt, mô phỏng các động tác gieo trồng cấy hái, mời cơm, mời rượu, săn bắn, bắt cá, trồng bông dệt vải. Đặc biệt là trò chơi đu chà, đu xe, lôi cuốn nam thanh nữ tú đông vui nhất, thể hiện sức sống sinh sôi nảy nở muôn đời.

Người Khơ Mú định cư ở xã Nghĩa Sơn, đáng kể là các Lễ hội" đón mẹ lúa" (He re mạ ngọ) và Lễ hội "mùa măng mọc". Người Khơ Mú đón Tết không cầu kỳ như các DTTS khác. tết Nguyên đán (lốt pi mặc chềng pi mị), lễ cúng từ chiều 30 đến mồng 3 Tết với nội dung: Cúng sang Tết, cúng bố mẹ đã chết, cúng tổ tiên. Cỗ cúng chỉ cần thịt lợn, không cúng thịt gà vì gà là vật để cúng ma nhà, ma nương rẫy, ma trời, ma dao cuốc cày bừa. Ma không cúng lẫn với tổ tiên. Lễ vật là thủ lợn miệng ngậm vòng bạc với quan niệm thịt lợn thể hiện sự làm ăn phát đạt, vòng bạc thể hiện mong muốn giàu sang dư thừa. Người Khơ Mú còn tổ chức Lễ hội "mùa măng mọc", trang trí cây chuối quấn hoa tươi đủ loại cùng các con giống bằng tre nứa nhuộm màu, cùng các loại ngũ cốc, thể hiện ước mong cuộc sống sung túc, tươi vui và cây cối mùa màng xanh tốt. Trong lễ hội mọi người hân hoan trong những điệu dân ca, dân vũ, với các nhạc cụ tăng bu, tăng bảnh, hươn mạy, xe cắp... rộn rã núi rừng.

Người Tày chuẩn bị đón Tết cầu kỳ không kém các DTTS khác. Trước một tháng, các gia đình đều ưu tiên việc lên rừng lấy củi nấu bánh chưng. Củi nấu bánh chưng phải khô, chắc và thơm; trong đó nhất định phải tìm được vài cây củi gộc. Củi gộc là cây củi khô, nhưng to bằng bắp đùi trở lên. Nó là cây củi giữ than đêm này qua đêm khác, được chụm vào bếp từ hai bên trái và phải. Ta hiểu cây củi gộc là cây củi cái trong bếp và làm trụ cho những cây củi nhỏ hơn (củi con) và đóm (đóm là các loại cây tre trúc, nứa, vầu..). Củi nấu bánh chưng được xếp riêng ở trái nhà, cạnh vườn rau, nơi cổng vào nhà. Đống củi Tết to, đẹp là niềm tự hào về kết quả lao động miệt mài, góp nhặt chăm chỉ và khéo léo của gia chủ. 

Nếu gia đình có con gái chưa gả chồng thì còn là nơi các bà mẹ nhận diện gợi ý với con trai đấy là dự báo của một cô dâu chăm chỉ. Tiếp đến là lên rừng lấy lá dong gói bánh. Đây là cả một hành trình, một quan niệm tốt đẹp và cách ứng xử với cộng đồng cách giữ rừng của đồng bào. Chuyện này dài như suối chảy ban mai, chắc phải kể vào mùa Xuân sau. Gạo nấu bánh chắc chắn chọn từ khi cấy ruộng, đỗ chọn từ trên nương và thịt nhân bánh thì chọn từ lứa lợn đầu tiên trong năm rồi. Câu nói: Giành dụm mổ con lợn làm nhân bánh Tết, từ lâu đã cho thấy họ ý thức về nồi bánh chưng như là mục tiêu đạt đến cho sự no đủ cả vật chất lẫn tinh thần của cả một năm. 

Chiếc bánh chưng tròn của người Tày, Thái, Nùng có những ngôn ngữ không lời có khi cảm nhận cả cuộc đời vẫn còn những dư âm thăm thẳm đầy yêu thương cuộc sống. Nào là bảy nút buộc, nào là lạt buộc xuôi cùng phía, nào là lớp lá trong, lá ngoài ấp ngược và đầu lá gập vào cùng đuôi lá, nào là bốn góc bánh vuông mà thân bánh tròn được kết nối từ bao nhiêu là sản vật. Đặc biệt bánh chưng tròn phải có sóng lá thẳng thì công việc cả năm mới hanh thông. Từng cặp đôi những cái bánh (đồng bào gọi là cái bánh hơn là chiếc bánh) đi lễ Tết ông bà, cô bác, đi “sêu” (cảm tạ thầy thuốc), đặt trên bàn thờ ngạt ngào hương của hoa gió (loại cây tên là gió, thân già có trầm, cùng loại gió bầu). Hoa gió trên bàn thờ đêm ba mươi Tết quyện với hương đen làm bằng trầm của cây trám đen, ngạt ngào lan tỏa khắp không gian của ngôi nhà sàn bập bùng lửa ấm như gắn kết gia tộc, xóm làng ngày Tết thân thương đến kỳ lạ. Hoa gió với Tết người Tày là đặc trưng cho sự linh thiêng, thanh cao mà người Tày đặt nơi bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Xuân về.

Hội chơi Xuân, tung còn, Lễ hội xuống đồng, chơi đu, giậm thuông của hát Then tày, xòe Then diễn ra trong các gia đình có người làm thầy cúng, thầy tào. Xòe then của người tày khác xòe Thái. Xòe Thái giữ nhịp bằng khèn be, và trống hội. Xòe then giữ nhịp bằng tính tẩu và nhạc từ những chùm nhạc xòe bằng đồng réo rắt từ những bàn tay mềm mại, mạnh khỏe của các thôn nữ hoặc các mẹ, các bà. 

Tát yến là một trò chơi đặc biệt khiến nhiều trai tài, gái sắc tham dự nô nức vào những ngày mùng 1, mùng hai Tết. Yến được làm từ mo cau khoét tròn, trên là các đồng chinh, đồng xu xinh xắn, vút cao trọng tâm của hình tròn xinh xắn đó là những chiếc lông gà thiến mượt mà (Lông gà làm cánh yến phải nhổ ở gáy gà thiến mới dài, mượt và nhẹ). Hai bên nam nữ” tát” (ngửa bàn tay nâng, nuôi yến và đẩy về phía đối phương) và đẩy lại để yến không rơi xuống đất... trao truyền mãi chiếc yến cong vút bay đi bay lại trong ánh mắt Xuân thì, gửi trao những điều mà có khi cả đời không nói được. Người Tày cũng có Lễ hội “Lồng tồng” giống người Thái, người Nùng. Lễ hội hàm nghĩa ân đức với tổ tiên, cầu trời, cầu thần linh và các bậc siêu nhiên phù trợ cho mưa thuận gió hoà, đẩy đuổi thú dữ và sâu bệnh không quấy phá, để dân bản làm ăn thuận lợi, mọi người được sống yên vui. Đó chỉ là một phần Tết trong Lễ thức của người Tày ở vùng đất Mường Lò xưa.

Người Mông tính lịch Tết bằng mỗi tháng 30 ngày, mỗi năm 360 ngày, cho nên tết Mông có thể trước hoặc gần với tết Âm lịch. Một trong những đặc sản của tết Mông là bánh dày. Đó là cơm nếp được cho vào máng gỗ giã nhuyễn rồi nắm lại từng nắm dẹt tròn. Có nhà làm hàng trăm chiếc để ăn dần. Tết Mông kéo dài hằng tuần, hằng tháng, với quan niệm "Có rượu cùng uống, có thịt cùng ăn". Ngày Tết, các công cụ lao động (cày, bừa, dao, cuốc...) được nghỉ ngơi, dùng giấy màu cuốn lại, đặt sát vách gian giữa nhà. 

Sau các nghi thức cúng thần linh, cúng ma rừng ma nhà, cỗ được hạ xuống quanh bếp lửa mọi người thụ hưởng vui vẻ. Sôi động nhất trong những ngày Tết là hội “Gầu tào” chọn nơi trời đất khoáng đạt, trồng cây nêu lớn buộc dải vải đỏ trên ngọn, dưới treo giấy bản màu và một quả bầu đầy rượu. Bên cây nêu, mọi người đánh tù lú, ném pao, đẩy gậy, bắn nỏ, đua ngựa, múa ô, thổi khèn, hát "khâu xìa plềnh"... Các trò chơi tết Mông nhấn mạnh tính thượng võ rất phóng khoáng của cộng đồng. Tết Mông về khi hoa tớ dảy nở hồng khắp núi rừng và những quả xoan vàng ươm chín từng chùm dưới trời xanh và cả khi sương mù trắng trời xa...

Người Dao ngoài Lễ cấp sắc rất đặc thù trong năm và thường chọn ngày Tết, lễ thức không trộn lẫn với dân tộc nào, còn có Lễ tết nhảy "nhiàng chầm đao". Lễ cúng Bàn Vương, thủy tổ thần thoại, biểu tượng tinh thần của dân tộc. Lễ còn mang ý nghĩa cúng tổ tiên, luyện binh luyện tướng, bảo vệ làng quê, bảo vệ cuộc sống. Mở đầu bằng điệu múa "tam nguyên an ham", có chủ lễ (thày mo) và người múa trang phục cổ phụ họa nhằm gọi binh tướng. Kế đó là múa "nhiàng chầm đao" theo nhịp trống, tù và, kèn sô na, và phèng la. Điệu múa diễn tả phát rẫy làm nương, chăm sóc thu hoạch, xay giã giần sàng, nấu nướng. Tiếp là điệu múa "bắt ba ba" diễn tả việc săn tìm ba ba, mang về nhà mổ băm, xào nấu dâng lên Bàn Vương. Đó cũng là sinh hoạt văn hoá có tính cộng đồng rất tiêu biểu của dân tộc Dao.

Điệu múa Vêr guông (múa Âu eo) uyển chuyển của thiếu nữ Khơ Mú
Điệu múa Vêr guông (múa Âu eo) uyển chuyển của thiếu nữ Khơ Mú

Những lễ thức ngày Tết, đón Xuân của các dân tộc vùng Mường Lò, vùng Tây Bắc ngày nay còn giữ được nhiều nét chân phác, gần gũi với thiên nhiên, thô mộc, khoáng đạt trữ tình, tạo cho cảnh sắc và con người Mường Lò thêm thân thiện và cởi mở đón du khách về làng về bản cùng vui Xuân. Từ Mường Lò bạn lên Tú Lệ, một vùng non nước hữu tình với khoáng nóng và khu nghỉ dưỡng Le Champ, lên đèo Khau phạ bốn mùa những cảm xúc kỳ diệu của núi cao và ruộng bậc thang, các loại thảo dược riêng có; Lên Suối Giàng thăm vùng chè trăm năm tuổi và đắm say trong những đêm xòe hoa dặt dìu các loại pí của người Thái nơi đây: Pí sên, pí pặp, pí ló, pí thiu.... với những dòng cảm xúc kỳ diệu của mỗi người. 

Mùa Xuân đang đầy ắp quanh ta! 

Hãy sắp xếp về Mường Lò cùng với người Tây Bắc xòe hoa mùa Xuân và cùng hát những bản tình ca núi rừng. Ở đây những lễ thức về mùa Xuân vẫn đang hiện hữu và người Mường Lò, Yên Bái, và cả vùng Tây Bắc sẽ còn cho bạn biết nhiều hơn những ý nghĩa tự thân của những phong tục tốt đẹp này mà ngôn ngữ đều bất lực. Mường Lò và các lễ thức mùa Xuân đang chờ chúng ta, nhất là những ai đã đọc những lời kể mộc mạc này, để cùng bảo tồn bản sắc một vùng quê.          

                              

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Đam mê sưu tầm, lưu giữ các cổ vật văn hóa, những người trẻ với tư duy mới không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật quý giá trong cánh cửa gia đình mình mà họ đã mang đi trưng bày, giới thiệu và chia sẻ với đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn, biết trân trọng hơn giá trị di sản của cha ông để lại.