Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những lời ru buồn vượt dãy Trường Sơn: Báo động tình trạng tảo hôn ở vùng cao Quảng Trị (Bài 1)

Khánh Ngân - 18:33, 26/12/2021

Mặc cho loa phát thanh tuyên truyền đều đặn mỗi ngày; Báo, đài đưa tin về những hệ lụy của tảo hôn; Cán bộ dân số xuống tận bản làng vùng sâu tuyên truyền phòng, chống tảo hôn. Thế nhưng, từ trong những bản làng của người Bru Vân Kiều, người Chứt, Pa Cô... ở Quảng Trị vẫn vọng ra lời ru buồn của những người mẹ vị thành niên.

Không những không giảm, tình trạng tảo hôn ở hai huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị), trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Những con số thống kê về tình trạng tảo hôn qua các năm đã thực sự đến mức báo động.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân dẫn đồng bào DTTS lâm vào vòng luẩn quẩn thất học, nghèo đói
Cần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS để nâng cao chất lượng dân số, xóa đói, giảm nghèo

Những con số “biết nói”

Đường 9 huyền thoại uốn lượn qua hai huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) giờ đã phẳng lỳ. Từng dòng xe hàng ngược xuôi Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cuồn cuộn chạy. Khuất phía sau, nhiều bản làng người Bru Vân Kiều và cả những bản người Chứt… vẫn chưa thể bứt ra khỏi vòng luẩn quẩn tảo hôn, thất học và nghèo đói.

Quảng Trị đã có Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS thực hiện trong nhiều năm qua. Thế nhưng, tình trạng này vẫn chưa có chiều hướng giảm, mà còn tăng cao hơn.

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, toàn huyện Hướng Hóa có 122 cặp tảo hôn, tăng 2,37% so với năm 2020. Trong đó, từ 2017 đến tháng 10/2021 toàn huyện đã có 680 cặp tảo hôn, chiếm đến 20,31% tổng số cặp đã kết hôn. Đặc biệt, trong số đó có 107 cặp chưa đủ tuổi cả vợ lẫn chồng.

Xuôi theo Đường 9 huyền thoại, Đakrông cũng là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống. Từ năm 2016 đến tháng 6/2021, địa phương này có 473 trường hợp tảo hôn và 9 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Đó có thể là con số thống kê chưa đúng với thực tế, bởi tâm lý của một số địa phương vẫn đang còn e ngại khi báo cáo thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nên số liệu báo cáo còn thấp hơn nhiều so với thực tế.

Riêng xã Đa Krông nổi lên như một điểm nóng về thực trạng tảo hôn. Nếu năm 2018, toàn xã chỉ có 21 cặp tảo hôn, thì đến năm 2019, con số này là 24, năm 2020 là 35 cặp, chiếm đến 61,4% số cặp đôi kết hôn.

Theo bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục xảy ra với số lượng lớn. Thống kê sơ bộ, tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2010 - 2015 có khoảng trên 900 trường hợp; giai đoạn 2016 - 2020, có khoảng 1.000 trường hợp.

Vấn nạn tảo hôn đã khiến nhiều em bỏ giở giấc mơ đến trường
Vấn nạn tảo hôn là con đường dẫn đến đông con, nghèo đói

Các giải pháp ngăn chặn chưa hiệu quả

Tình trạng tảo hôn không những không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng. Một điều đáng lo ngại là các trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống khi tuổi còn quá nhỏ.

Tính bình quân độ kết hôn ở một số xã thuộc huyện Hướng Hóa là dưới 18 tuổi. Trong đó, xã Xy 17 tuổi; xã Húc 16,3 tuổi; xã Hướng Lộc 16,5 tuổi; xã Thanh 14,9 tuổi. Đáng báo động hơn, đã có trường hợp kết hôn ở tuổi 12. Đa số các trường hợp tảo hôn đều là người DTTS, các kiến thức về hôn nhân và gia đình còn rất hạn chế, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức làm cha mẹ. 

Có những cặp tảo hôn khi còn đang đi học tại các trường nội trú, điều kiện sống xa nhà, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình. Hậu quả để lại cho các cặp tảo hôn là khó khăn về kinh tế, các con sinh ra dễ mắc bệnh tật, tạo thêm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Thay vì đến trường với bạn bè cùng trang lứa, thì các cặp vợ chồng “trẻ thơ” phải nghỉ học, ở nhà và làm những ông bố, bà mẹ.

Theo chân anh Hồ Văn Dỏ, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Thanh, huyện Hướng Hóa, chúng tôi vào thôn Thanh 1. Bên ngôi nhà nhỏ của ông Hồ Văn Đ. nằm nép mình bên sườn dốc, xiêu vẹo, trước sân có rất nhiều trẻ em đang chơi đùa. Như hiểu ý chúng tôi, anh Hồ Văn Dỏ nói, đây là một gia đình có 7 người con. Trong đó, 2 người con đi lấy chồng đúng độ tuổi, riêng em Hồ Văn Th., sinh năm 2002 lấy vợ là Hồ Thị. G, sinh năm 2007, ở xã Thuận.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó cả Th. và G. quen biết nhau trên mạng xã hội Facebook, rồi tiến tới yêu đương. Th. và G. báo với gia đình để xin kết hôn, nhưng chưa đủ tuổi kết hôn, vì thế, cả hai gia đình làm mâm cơm cúng rồi… âm thầm đưa đón dâu, rể về sống một nhà, thành vợ chồng “trẻ con”.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hồ A Cất, Chủ tịch UBND xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Tình trạng tảo hôn ở xã quả thực vẫn còn tồn tại. Chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống thôn bản để tuyên truyền cho bà con đồng bào hiểu về tác hại của tảo hôn, tảo hôn là vi phạm pháp luật. Nhưng hiện nay tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra”.

 Mặc dù, công tác tuyên truyền hàng năm vẫn được các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện, nhưng tình trạng tảo hôn ở vùng đất này không giảm, mà còn có chiều hướng tăng cao. Đây là một vấn nạn rất đáng quan ngại !

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.