Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Những người phụ nữ DTTS đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình ở vùng cao Mèo Vạc

Đức Bình - 06:38, 22/11/2023

Với nghị lực, ý chí quyết tâm thoát nghèo nhiều phụ nữ DTTS huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ DTTS.

 

Nuôi lợn là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả của phụ nữ huyện Mèo Vạc
Nuôi lợn là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả của phụ nữ huyện Mèo Vạc

Chị Mua Thị Và (sinh năm 1992) là người dân tộc Mông, tại thôn Hố Quáng Phìn, xã Giàng Chu Phìn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, chị Mua Thị Và luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế, thoát cảnh nghèo khó.

Nhờ có sự tư vấn, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của các ban, ngành, đoàn thể, gia đình chị đã quyết định phát triển kinh tế gia đình theo hướng chăn nuôi gia súc.

Ban đầu gia đình chị chỉ nuôi 1 con bò và vài con gia cầm để phục vụ gia đình; tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền và chị cũng nhận thấy chăn nuôi lợn sinh sản mang lại thu nhập cao nên đã quyết định nuôi thêm lợn thịt và lợn sinh sản.

Chị Và chia sẻ: “Lúc đầu có ít vốn nên vợ chồng tôi chỉ mua 1-2 con bò về nuôi vỗ béo một thời gian rồi bán. Sau một thời gian từ số tiền tích cóp gia đình đã đầu tư mua thêm 5-7 con bò vỗ béo. Ngoài ra, tôi quyết định nuôi thêm lợn”.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, chị trồng hơn 1ha cỏ, các loại rau và nấu rượu để có thêm phụ phẩm đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, sạch sẽ, chuồng nuôi bò và lợn riêng biệt. Hiện gia đình chị nuôi duy trì thường xuyên khoảng hơn 20 con lợn và 4-5 con bò, ngoài ra chị còn nuôi thêm khoảng 40 con gia cầm các loại để phục vụ đời sống.

Nhờ áp dụng đúng các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, thu nhập của gia đình chị ngày càng ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao, con cái được ăn học đầy đủ. Hằng năm, bình quân thu nhập từ các hoạt động kinh tế và công việc khác của gia đình chị đạt hơn 200 triệu đồng.

Cũng giống như chị Chở, gia đình chị Sùng Thi Chở, dân tộc Mông cũng thuộc diện hộ nghèo tại thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc. Những năm trước, 2 vợ chồng chị không có công việc gì ngoài làm mấy mảnh nương, nuôi mấy con gà, con lợn để duy trì cuộc sống.

Là người chăm chỉ, chịu khó, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và có chút vốn liếng, vợ chồng chị quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Qua những kinh nghiệm thực tế và học hỏi nhiều nơi, chị Chở đã bàn với chồng quyết định đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt. Bò sinh sản mỗi năm đẻ một lứa; còn bò vỗ béo, mỗi năm gia đình chị nuôi 4-6 con để xuất chuồng.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình chị trồng hơn 2ha cỏ, nấu rượu ngô để lấy phế phẩm cho bò ăn và trồng thêm các loại rau màu theo mùa vụ bán ra thị trường.

Chị Chở chia sẻ: “Trong quá trình chăn nuôi, tôi đã tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông thị trấn, cũng như từ kinh nghiệm thực tế, tôi làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn bò luôn sinh trưởng, phát triển tốt”.

Việc đầu tư chăn nuôi trâu bò giúp người dân từng bước thoát nghèo
Việc đầu tư chăn nuôi trâu bò giúp người dân từng bước thoát nghèo

Trung bình hằng năm gia đình chị nuôi từ 7-10 con bò, trong đó có 4 con bò sinh sản, ngoài ra là bò vỗ béo.

Từ nguồn chăn nuôi bò cũng như trồng rau màu, nấu rượu, bình quân mỗi năm gia đình chị thu về hơn 150 triệu đồng. Sau vài năm tích góp từ mô hình chăn nuôi bò, đến nay vợ chồng chị xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ vận dụng cần thiết cho sinh hoạt, sản xuất, con cái được đến trường.

Mèo Vạc là huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang có 18 xã, thị trấn với 199 thôn, tổ dân phố, 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 78%. Những năm qua, đời sống của đồng bào vùng DTTS tại đây còn gặp nhiều khó khăn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 63,92%.

Bà Hầu Thị Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mèo Vạc cho biết: Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, đặc biệt là hội viên phụ nữ DTTS, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt tuyên truyền các nội dung trong Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay từ nguồn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, có nhiều chị em phụ nữ mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế chủ yếu là chăn nuôi.

Để tạo điều kiện, động lực thúc đẩy hội viên phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ từ huyện đến xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất. Các cấp Hội Phụ nữ còn tích cực phối hợp với các ngành liên quan mở lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hội viên.

Qua đó, giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, giúp họ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội; góp phần thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.