Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Những nữ trưởng buôn 9X ở Đắk Lắk

Lê Hường - 10:42, 04/11/2024

Hiện nay ở các buôn làng Tây Nguyên xuất hiện ngày càng nhiều những nữ trưởng buôn trẻ. Với lợi thế về trình độ, hiểu biết về xã hội, phong tục tập quán, công nghệ thông tin và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đã có nhiều đóng góp cho cho sự phát triển của buôn làng.

Nữ trưởng buôn Dlei H’Poh Ông (bên trái) giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế
Nữ trưởng buôn Dlei H’Poh Ông (bên trái) giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế

Tốt nghiệp Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng năm 2013, chị HPoh Ông (SN 1991) trở về buôn Dlei, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, Đắk Lắk sinh sống. Cầm tấm bằng cử nhân nhưng vì nhiều lý do khách quan không xin được việc làm phù hợp, chị H’Poh Ông ở lại buôn làng.

Hòa đồng với bà con buôn làng, ngoài thời gian lên nương rẫy, chị H’Poh Ông hăng hái tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương và được chọn làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Dlei. Thấy chị H’Poh Ông có trình độ đại học, nhiệt huyết và gần gũi, bà con yêu mến, chính quyền tin tưởng bầu chị làm Trưởng buôn khi mới 26 tuổi. 

Buôn Dlei có hơn 160 hộ, hơn 750 khẩu, trong đó có hơn 60 hộ đồng bào DTTS, chủ yếu đồng bào Mnông. Đời sống bà con trong buôn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Chị H’Poh Ông chia sẻ: Tuổi đời còn trẻ, lại là phụ nữ, kinh nghiệm công tác xã hội chưa có, nên khi bà con bầu làm Trưởng buôn chị cũng lo lắng. 

"Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, đồng hành cùng bà con xây dựng buôn làng phát triển. Từ những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, hay việc lớn nhỏ trong buôn, mình cũng phải tìm hiểu để giúp đỡ mọi người giải quyết, nhất là việc vận động, giúp đỡ các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế", chị H’Poh Ông cho hay.

Chị H’Poh Ông thường xuyên đến nhà các hộ dân tuyên truyền, vận động
Chị H’Poh Ông thường xuyên đến nhà các hộ dân tuyên truyền, vận động

Kể về việc làm của Trưởng buôn, chị H’Mỹ Pang Ting, người dân buôn Dlei cho biết: Nhà mình có hơn 1ha đất nông nghiệp, sản xuất độc canh cây cà phê theo cách truyền thống. Khi Trưởng buôn H’Poh Ông chia sẻ kinh nghiệm trồng xen canh sầu riêng trong vườn cà phê để hiệu quả kinh tế cao hơn, mình đã làm theo rất hiệu quả. Hiện nay, trong buôn đã có nhiều hộ trồng xen canh sầu riêng trong vườn cà phê như mình.

Công việc “vác tù và” không có thời gian cố định, khi có vụ việc, phản ánh của bà con dù  bất cứ thời gian nào, buổi trưa hay đêm tối chị H’Poh Ông cũng có mặt, kịp thời hóa giải những xích mích trong gia đình, hàng xóm. “Bà con ở đây còn gặp nhiều khó khăn, vì thế mình muốn đóng góp một phần sức trẻ của mình để giúp đổi thay đời sống buôn làng”, chị H’Poh bày tỏ.

Đánh giá những đóng góp của nữ trưởng buôn trẻ, Chủ tịch UBND xã Đắk Nuê Trần Xuân Thành cho biết: Với sức trẻ và được đào tạo bài bản, qua quá trình công tác đội ngũ cán bộ trẻ, trong đó có Trưởng buôn Dlei H’Poh Ông đã phát huy vai trò rất tốt. Đặc biệt, những cán bộ trẻ như chị H’Poh Ông thường rất thành thạo công nghệ thông tin, tiếp cận nhanh các văn bản, khi truyền đạt cho người dân trong các buổi họp dân cũng dễ hiểu; tham mưu kịp thời hơn cho chính quyền địa phương trong việc vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các phong trào thi đua ở địa phương.

Ngoài ra, với lợi thế chị H’Poh Ông là người địa phương, hiểu được phong tục, tập quán của bà con nên khi chị tuyên truyền, vận động cũng có nhiều thuận lợi hơn, qua đó góp phần xây dựng được những mối quan hệ trong cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc trong buôn. Những việc làm của Trưởng buôn trẻ H’Poh Ông những năm qua, đã góp phần không nhỏ vào việc đổi thay của buôn Dlei. 

"Hiện nay, tình hình phát triển kinh tế của buôn này cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh hằng năm, giảm trung bình từ 3 - 4%/năm. So với các buôn khác thì tỉ lệ giảm nghèo của buôn này trội hơn hẳn", Chủ tịch xã Trần Xuân Thành cho biết thêm.

Chị H’Muir (ở giữa) buôn Cư Kanh, xã Ea Sin, huyện Krông Búk giúp người dân trong buôn sử dụng điện thoại thông minh để nắm bắt thông tin
Chị H’Muir (ở giữa) buôn Cư Kanh, xã Ea Sin, huyện Krông Búk giúp người dân trong buôn sử dụng điện thoại thông minh để nắm bắt thông tin

Không chỉ H’Poh Ông, trong các buôn làng ở Đắk Lắk còn nhiều những nữ trưởng buôn trẻ tuổi, có nhiều đóng góp để bà con buôn làng phát triển. Như, chị HMuir ở buôn Cư Kanh, xã Ea Sin, huyện Krông Búk, Đắk Lắk cũng là một nữ buôn trưởng được đồng bào Ê Đê nơi đây yêu mến, bởi sự chịu khó và gần gũi.

Trước đây, buôn Cư Kanh có nhiều hộ nghèo, thanh niên hay tụ tập uống rượu, chạy xe ẩu gây mất an ninh trật tự. Trong các cuộc họp buôn, chị H'Muir cùng với Ban tự quản buôn đã lồng ghép nhiều vấn đề để tuyên truyền, vận động người dân. Đặc biệt, chị sử dụng công nghệ thông tin để quản lý, triển khai các hoạt động, từ đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động.

Chị H’Muir chia sẻ: Thấy hầu hết các gia đình trong buôn biết sử dụng điện thoại thông minh, kết nối mạng internet, do đó mình đã hướng dẫn bà con sử dụng mạng để đọc báo tìm hiểu thông tin. Mình còn lập nhóm Zalo, Facebook kết nối với các hộ dân có điện thoại thông minh, vừa để nắm tình hình vừa truyền đạt thông tin đến bà con thuận lợi hơn. 

"Sử dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp bà con nắm được các thông tin, văn bản của cấp ủy, chính quyền, các ngành, hội, đoàn thể nhanh và chính xác nhất, mà còn giúp bà con tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi… để tham khảo áp dụng", chị H’Muir cho biết.

Với sự góp sức của chị H’Muir đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong buôn giảm, các vấn đề mất an ninh trật tự cũng hạn chế dần, đời sống của người dân được nâng lên, buôn Cư Kanh ngày càng bình yên và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Già làng Hmêh gần 80 tuổi vẫn giữ lửa lò rèn

Già làng Hmêh gần 80 tuổi vẫn giữ lửa lò rèn

Ở vùng Đông Trường Sơn tỉnh Gia Lai, lò rèn của già làng Hmêh, làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang bao năm qua vẫn đỏ lửa. Từ chiếc lò rèn thô sơ, bao gồm lò thổi đắp bằng đất sét, quay tay, đe, búa, kẹp, than củi, già Hmêh đã tạo ra hàng trăm, hàng ngàn nông cụ cho đồng bào Ba Na lên rẫy, đào đất, làm nương...