Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những “ông mối” ở Rào Tre

Khánh Ngân - 16:51, 03/12/2021

" Ông mối” - Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ Biên phòng Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - Đồn Biên phòng Bản Giàng vẫn say sưa nói về niềm vui trong những lần đi dựng vợ, gả chồng cho thanh niên người Chứt ở Rào Tre khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về vấn đề này.

Những ngôi nhà hạnh phúc ở Rào Tre đang dần hoàn thiện
Những ngôi nhà hạnh phúc ở Rào Tre đang dần hoàn thiện

Vượt ngàn, ngược núi xe duyên

Câu chuyện bắt đầu khi mâm cơm trưa đãi khách ở Tổ Biên phòng Rào Tre được bày ra. Trung tá Dương Thanh Tịnh liên tục hỏi, đi đường xa vậy đã đói chưa? Dạ chưa ạ. Tôi vừa dứt lời, anh đã mở đầu: Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng.

Rồi như bế tắc, sau quãng lặng Trung tá Dương Thanh Tịnh trầm giọng: Thanh niên người Chứt ở Rào Tre vẫn chỉ biết ngó từ đầu bản, đến cuối bản vẻn vẹn có 44 hộ gia đình. Nhìn đâu cũng thấy bà con nội ngoại. Trước đây, nhiều cuộc hôn nhân cận huyết thống cứ thế diễn ra, mối quan hệ họ hàng ngày càng chằng chịt.

Như cuộc hôn nhân của ông Hồ Do, lấy bà Hồ Thị Hoa đã có 3 người con. Thế nhưng cha của ông Do và mẹ của bà Hoa là anh em ruột. Hồ Nhỏ lấy Hồ Hùng đã có 4 người con, trong khi đó chị Nhỏ là con cậu, anh Hùng là con cô…

Mặc kệ là anh em, cứ thấy "ưng cái mắt, hợp cái bụng" là vào rừng kiếm bó củi đặt trước nhà cô gái. Khi bó củi được đốt lên, là lúc giao ước được chấp nhận, chàng trai và cô gái thành vợ thành chồng. Cái lý của người Chứt chỉ đơn giản: “Lấy anh em thì vợ chồng thương nhau nhiều hơn, lấy người ngoài thì khi mình sai trái chi (sai trái gì - PV), thì bị nói ngang trước mặt, đôi khi còn bị đánh đập”!

Sau những cuộc hôn nhân ấy, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên với thể chất kém, giống nòi bị suy thoái. Không ít em chưa kịp lớn lên đã phải về với “Giàng”. Rồi những em H.T; H.O (xin được viết tắt tên các em - PV!)… phải mang theo những dị tật suốt đời. Hệ lụy đó đã hiện hữu và là nỗi đau dai dẳng chưa có lối thoát của người Chứt dưới chân núi Ka Đay!

Cùng với chính quyền địa phương, những người lính Biên phòng cắm bản ở Rào Tre không để cho đồng bào của mình bế tắc. Là người “cắm bản” ở Rào Tre 15 năm, nên Trung tá Dương Thanh Tịnh hiểu được những gì người Chứt dưới chân núi Ka Đay cần. Rồi chính anh đã lặn lội tìm đến những thanh niên quanh vùng, thậm chí còn vượt cả trăm cây số vào tận các xã, bản có người Chứt ở tỉnh Quảng Bình đi tìm kiểu người thích hợp để đặt vấn đề mai mối. Sau đó, chính anh lại về đưa các cháu đi hẹn hò, tìm hiểu để nên duyên chồng vợ.

Rồi ngày anh Hồ Nghĩa cùng “ông mối” Dương Thanh Tịnh mang trầu vượt bản, sang đất Tuyên Hóa (Quảng Bình) hỏi vợ cũng đã đến, trước sự ngỡ ngàng của người Chứt ở Rào Tre. Nhờ “mát mồm, mát tay” của ông mối, cô gái Hồ Thị Kham trở thành người đầu tiên ở xứ lạ về dưới chân núi Ka Đay làm dâu. Hạnh phúc vượt rừng của Nghĩa - Kham trở thành động lực mới cho nhiều chàng trai ở Rào Tre vượt bản tìm hạnh phúc. Hơn hết còn là cuộc kết duyên vùng miền, là sự mở đầu để tiếp nối cho những đôi trai gái ở hai miền trước đây vẫn xa cách, tưởng như không thể sánh duyên.

“Ông mối” Dương Thanh Tịnh thăm nhà vợ chồng anh Lê Xuân Công và chị Hồ Thị Đình Mai
“Ông mối” Dương Thanh Tịnh thăm nhà vợ chồng anh Lê Xuân Công và chị Hồ Thị Đình Mai

“Xé rào” vượt bản 

Chuyện “xé rào”, phá vòng luẩn quẩn hôn nhân cận huyết của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre tưởng chừng là không thể. Ấy vậy mà giờ đây, đã có những cặp đôi vượt ra khỏi Rào Tre tìm được hạnh phúc đầy đủ, trọn vẹn.

Tiếp nối hạnh phúc của đôi lứa vượt ngàn của chàng trai bản Rào Tre Hồ Nghĩa và cô gái Hồ Thị Kham (Tuyên Hóa, quảng Bình), “ông mai” Dương Thanh Tịnh lại đi tìm hiểu, tuyên truyền cho những chàng trai người Kinh đến tuổi dựng vợ để se duyên.

Ngày Hồ Thị Đình Mai, cô gái người Chứt bản Rào Tre sánh duyên cùng chàng trai Lê Xuân Công người Kinh ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê vui hơn cả ngày Tết Chăm Cha Bới (tết truyền thống của đồng bào Chứt). Lại thêm một niềm vui, một nguồn động lực, “ông mối” Dương Thanh Tịnh một lần nữa phát biểu trước quan viên hai họ, chúc phúc cho hai cháu.

Trong căn nhà sạch sẽ, bộ bàn ghế còn thơm mùi gỗ mới, chị Hồ Thị Đình Mai (SN 1996, bản Rào Tre) không giấu nổi niềm hạnh phúc: "Lễ cưới của vợ chồng em tổ chức ngay tại sân Đồn Biên phòng. Hôn lễ được các chú Bộ đội Biên phòng tổ chức long trọng lắm, cả bản ai cũng tham dự. Vui lắm!".

Nhìn cậu con trai mạnh khỏe, kháu khỉnh, Mai cho biết, cháu đã 6 tuổi, hiện đang học lớp 1. Hồi năm 2015, không biết từ đâu mà chồng em có số điện thoại của em, hai bên nhắn tin qua lại cũng nhiều. Rồi trong một lần chồng em đi cùng Bộ đội Biên phòng lên bản, vợ chồng em gặp nhau lần đầu, yêu nhau rồi nên duyên chồng vợ.

Những đứa trẻ mang hai dòng máu ở Rào Tre khỏe mạnh thong dong trên xe từ trường về bản, dự cảm một tương lai sáng lạng đang đến rất gần
Những đứa trẻ ở Rào Tre

Hồ Thị Duyên kết hôn với Nguyễn Đình Nhân; Hồ Thị Đình Xuân đến làm dâu gia đình Võ Quốc Ánh... Những chàng trai dân tộc Kinh đã vượt qua mọi định kiến, những trăn trở, âu lo của người thân để xây đắp hạnh phúc cùng những cô gái dân tộc Chứt. Đó là những quả ngọt đầu mùa, minh chứng cho “ông mối” quân hàm xanh “mát tay, mát mồm”.

Trung tá Tịnh khoe: “Tôi và các chiến sĩ Biên phòng ở Tổ Rào Tre đã có đến 8 thông gia rồi đấy. Đó là kết quả của những năm dài miệt mài, chân thành mai mối. Cùng với cái duyên và “mát mồm, mát tay”, chúng tôi lặn lội vào tận Quảng Bình và đi tìm hiểu các địa bàn lân cận để đặt vấn đề mai mối. Sau đó, lại về đưa các cháu đi hẹn hò, tìm hiểu. Chính tôi và các đồng đội của tôi ở Đồn Biên phòng đã đứng ra lo liệu lễ lạt, tổ chức cưới xin cho tất cả 8 đám cưới đón dâu, rể ngoại bản”.

Vun đắp, xe duyên “ngoại bản” là một sự khởi đầu đầy gian nan, nhưng giữ được hạnh phúc bền lâu cho các em lại cần sự chân thành, lâu dài. Các anh - những người lính Biên phòng lại trăn trở với nỗi lo tạo sinh kế bền vững cho các cặp đôi sau kỳ công se duyên...

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.