Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Những "sứ giả" văn hóa nơi vùng cao

Minh Thu - 19:51, 03/01/2021

Trong thời “công nghệ số”, nhưng ở tỉnh Cao Bằng hiện vẫn còn các đội chiếu phim lưu động, với những cán bộ văn hóa có trách nhiệm, cần mẫn ngày đêm. Họ được ví như những “sứ giả văn hóa” góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào vùng cao.

Trong thời “công nghệ số”, những hoạt động chiếu phim lưu động ở vùng cao vẫn thu hút đông đảo người dân tham gia.
Trong thời “công nghệ số”, những hoạt động chiếu phim lưu động ở vùng cao vẫn thu hút đông đảo người dân tham gia.

Chúng tôi đến Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) vào ngày lạnh nhất từ đầu đông. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 8 độ C, nhưng bên trong trụ sở Trung tâm Văn hóa, anh em chỉ mặc chiếc áo khoác mỏng. Họ đang chuẩn bị cho chuyến “lưu diễn”, như cách nói vui của ông Hà Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hà Quảng.

Theo chia sẻ của ông Quân, để chuẩn bị cho một buổi chiếu phim lưu động, các đội chiếu phim phải lên kế hoạch trước cả tuần, trong đó khó khăn nhất là việc vận chuyển máy móc, thiết bị. Đội chiếu phim của huyện Hà Quảng hiện chỉ có hai người do Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Cao Bằng trưng dụng. 

Anh em phải chia nhau chuẩn bị, sắp xếp phương tiện, máy móc từ khi có thông báo của Sở Văn hóa đến khi hoàn thành công việc, chắc cũng phải ngót một tuần lễ. Băng rừng, lội suối vào xóm là chuyện thường xuyên. Bởi ở vùng cao, đâu phải nơi nào cũng đi được xe máy đến điểm chiếu phim. 

"Có những điểm chiếu, chúng tôi phải đi từ sáng sớm đến tối mịt mới đến nơi. Những hôm trời mưa gió hoặc hỏng xe, anh em chúng tôi phải xin ngủ lại nhà dân. Và một trong những vật không thể thiếu đối với anh em trong Đội chiếu phim lưu động là mì gói, lạc rang hoặc lương khô”, anh Triệu Văn Công, Đội viên Đội chiếu phim lưu động cho biết

Gian nan, vất vả mới đến được địa điểm chiếu phim, sau dăm ba câu chuyện, các thành viên Đội chiếu phim phải bắt tay ngay vào việc. Người căng phông, buộc dây; người lắp đặt, chỉnh máy… Nếu suôn sẻ, buổi chiếu sẽ được kết thúc vào khoảng 12h đêm. Những hôm “dở giời” mưa to, gió lớn phải hoãn chiếu phim để bảo quản thiết bị, và vì không có khán giả

Ông Triệu Văn Đức, xóm Nà Sác, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng cho biết: Đời sống bây giờ đã khác so với trước, nhiều nhà đã có tivi, có internet và điện thoại thông minh, nhưng chúng tôi vẫn thích được xem chiếu bóng trên màn ảnh rộng. Tôi thích nhất là những bộ phim tài liệu, phim về cách mạng, về Bác Hồ.

Thành viên Đội chiếu phim lưu động huyện Hà Quảng chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cho buổi chiếu phim
Thành viên Đội chiếu phim lưu động huyện Hà Quảng chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cho buổi chiếu phim

Trong khó khăn, vất vả, nhiều thành viên các Đội chiếu phim lưu động đã có những hy sinh thầm lặng. “Do đặc thù công việc phải di chuyển liên tục (mỗi tháng xa nhà khoảng 10-15 ngày) nên mọi công việc ở nhà từ chăm sóc con cái, gia đình… đều do một mình vợ tôi gánh vác”, anh Nông Ngọc Thăng, thành viên Đội chiếu phim lưu động huyện Hòa An chia sẻ.

Anh Thăng cho biết thêm: Với 30 năm công tác trong ngành văn hóa, tham gia chiếu phim tại hầu hết các xóm, xã thuộc huyện Hòa An, niềm vui lớn nhất đối với các anh, là sự háo hức, là những ánh mắt trẻ thơ chăm chú dõi theo màn hình trong mỗi buổi chiếu phim.

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của các Đội chiếu phim lưu động đang gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả. Bởi lẽ, người dân có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các phương tiện thông tin từ Internet, từ truyền hình… do đó thu nhập hiện tại của các thành viên các Đội chiếu phim lưu động khá thấp (bình quân 4-5 triệu đồng/người tháng).

Ông Hoàng Thế Vũ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết: Công việc của các thành viên Đội chiếu phim lưu động rất vất vả, nhưng thu nhập hằng tháng lại rất thấp, chưa đảm bảo cuộc sống gia đình. 

"Bởi vậy, chúng tôi mong muốn ngành văn hóa, các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét có chế độ, chính sách, đảm bảo đời sống cho cán bộ chiếu phim lưu động, để có thể giữ được "lửa nghề" cho những “sứ giả" văn hóa nơi vùng cao  ", ông Vũ nói.

Tin cùng chuyên mục
Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cách TP.Kon Tum khoảng 60 km về hướng bắc, làng Đăk Chờ (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, Kon Tum) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ. Sâu trong khu rừng tại huyện Đăk Tô (Kon Tum) có một cây Sao cát hàng trăm năm tuổi đang được lực lượng chức năng luân phiên bảo vệ. Và câu chuyện giữ rừng của họ cũng đầy cam go, nguy hiểm.