Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Những vấn đề cấp bách của các dân tộc có khó khăn đặc thù: Cân nhắc địa bàn triển khai (Bài cuối)

Cù Hương - Sỹ Hào - 10:59, 07/12/2023

Tiểu dự án 1 - Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719 sẽ tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách của các dân tộc có khó khăn đặc thù. Để các chính sách trong Tiểu dự án đạt mục tiêu đề ra, tránh chồng chéo trong quá trình triển khai thì việc xác định địa bàn triển khai có ý nghĩa then chốt.

Hội nghị trực tuyến về Đề án tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù, tỷ lệ hộ nghèo cao do Chính phủ tổ chức ngày 26/4/2023.
Hội nghị trực tuyến về Đề án tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù, tỷ lệ hộ nghèo cao do Chính phủ tổ chức ngày 26/4/2023.

Sớm thống nhất tiêu chí

Theo quy định tại Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), đối tượng thụ hưởng chính sách là đồng bào các dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống thành cộng đồng trên các địa bàn đặc biệt khó khăn của giai đoạn 2021 – 2025. Để xác định được các dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống thành cộng đồng thì phải có những tiêu chí cụ thể.

Sau khi đối chiếu danh sách thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 và các văn bản liên quan (Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011, Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016), Ủy ban Dân tộc xác định, cả nước có 237 thôn thuộc địa bàn 111 xã, 34 huyện thuộc 11 tỉnh có đông đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống, với 12.303 hộ/55.592 nhân khẩu. Tuy nhiên, để bảo đảm Tiểu dự án 1 được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, ưu tiên hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù, tại Hội nghị trực tuyến về Đề án tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù, tỷ lệ hộ nghèo cao do Chính phủ tổ chức ngày 26/4/2023, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất tiêu chí chặt chẽ hơn.

Theo đó, thôn tập trung đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù đặc thù sinh sống là thôn có tỷ lệ đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù chiếm 30%/ tổng số dân của thôn. Với tiêu chí nhận diện này, địa bàn triển khai Tiểu dự án 1 sẽ giảm xuống rất nhiều. Như Hà Giang, tại Hội nghị trực tuyến ngày 26/4/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh cho biết, trên địa bàn tỉnh có 5 dân tộc có khó khăn đặc thù (Bố Y, Lô Lô, Pà Thẻn, Pu Péo, Cờ Lao), sinh sống tại thuộc 127 thôn, với tổng số là 1.915 hộ. Nếu quy định tỷ lệ hộ DTTS có khó khăn đặc thù từ 30%/thôn trở lên được thụ hưởng chính sách, thì tỉnh Hà Giang chỉ còn 22/127 thôn.

“Vì vậy để chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện, đồng thời có nhiều hộ gia đình DTTS được thụ hưởng chính sách, đề nghị Chính phủ xác định tiêu chí thôn đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ DTTS có khó khăn đặc thù sống tập trung từ 15% trở lên”, bà Hạnh đề xuất.

Đời sống của đồng bào DTTS rất ít người còn nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Một góc bản đồng bào Mảng ở Lai Châu)
Đời sống của đồng bào DTTS rất ít người còn nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Một góc bản đồng bào Mảng ở Lai Châu)

Đồng quan điểm, ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, Chính phủ cân nhắc lấy tỷ lệ hộ DTTS có khó khăn đặc thù từ 15% trở lên để làm tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù. Điều này đảm bảo thống nhất với Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với thực tiễn do đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù có dân số rất ít, phần lớn sống xen ghép với các tộc khác.

“Nếu áp dụng tỷ lệ 30% hộ DTTS có khó khăn đặc thù/tổng số hộ trong thôn thì đề nghị có giải pháp giải quyết đối với các thôn không đạt tỷ lệ để các thôn, bản được hưởng các chính sách của Chương trình”, ông Hải đề xuất.

Cân nhắc điều chỉnh quy định

Cùng với việc sớm thống nhất tiêu chí xác định thôn tập trung đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù đặc thù thì các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét điều chỉnh một số quy định tại Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9. Trong đó, việc quy định địa bàn triển khai Tiểu dự án 1 là thôn, xã đặc biệt khó khăn đang khiến nhiều cộng đồng dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù sẽ không được thụ hưởng chính sách.

Như các bài báo trước đã phản ánh, đồng bào dân tộc Brâu sinh sống tập trung ở thôn Đăk Mế, xã xã Pờ Y (Ngọc Hội, Kon Tum) với 174 hộ/571 nhân khẩu, là một trong 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người. Chiếu theo các tiêu chí về tỷ lệ hộ dân tộc Brâu sinh sống thì thôn Đăk Mế là địa bàn triển khai Tiểu dự án 1.

Tuy nhiên, Đăk Mế là thôn của xã nông thôn mới Pờ Y, không phải là địa bàn đặc biệt khó khăn nên sẽ không được đầu tư theo quy định tại Tiểu dự án 1. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống ở Đăk Mế vẫn rất cần được đầu tư, năng cấp; đồng bào dân tộc Brâu vẫn còn những khó khăn đặc thù, thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 24,6 triệu đồng/người/năm.

Ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất của đồng bào các dân tộc có khó khăn đặc thù. (Ảnh minh họa)
Ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất của đồng bào các dân tộc có khó khăn đặc thù. (Ảnh minh họa)

Tương tự là đồng bào dân tộc Lự ở tỉnh Lai Châu. Đại đa số đồng bào dân tộc Lự đang cư trú tại các xã đã “về đích” nông thôn mới; đó là xã Nậm Tăm của huyện Sìn Hồ (khoảng 400 hộ) và xã Bản Hon của huyện Tam Đường (535 hộ). Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 thì xã Nậm Tăm và xã Bản Hon đều thuộc khu vực I do đã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng nghĩa sẽ nằm ngoài phạm vi đầu tư của Tiểu dự án 1.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù có ý nghĩa then chốt, là cơ sở để thực hiện các chính sách dân tộc của Nhà nước đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Đây cũng là căn cứ cho việc xác định đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn bản có dân tộc khó khăn đặc thù sinh sống theo hướng đầu tư cho phát triển bao trùm, bền vững, mang tính nhân văn sâu sắc; đồng thời mang lại hiệu quả trực tiếp, lâu dài trên các phương diện kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng.

Việc quy định phạm vi đầu tư của Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQg 1719 chỉ thực hiện ở địa bàn đặc biệt khó khăn cũng là để thực hiện chủ trương đầu tư trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất của đồng bào các dân tộc có khó khăn đặc thù. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các cấp ngành, địa phương cần quán triệt nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt về chính sách dân tộc là: “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển” để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Tại Hội nghị trực tuyến ngày 26/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, việc thống nhất các tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao còn nhiều vướng mắc. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại các quy định hiện hành, có giải pháp hữu hiệu để xử lý khó khăn của các địa phương và có phương án hợp lý để tránh thiệt thòi cho các địa phương. Các bộ, ngành liên quan cần rà soát, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng trình tự thủ tục, hồ sơ liên quan; đánh giá mức độ tích cực, không tích cực của từng phương án để triển khai đề án một cách hiệu quả trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.