Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Những vấn đề cấp bách của các dân tộc có khó khăn đặc thù: Dân số “nhích” từng bước ở dân tộc Rơ Măm (Bài 1)

Cù Hương - Sỹ Hào - 11:06, 23/11/2023

LTS: Vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải loạt bài “Nhận diện khó khăn đặc thù của những dân tộc rất ít người”. Loạt bài viết đã phác họa những khó khăn đặc thù của 14 dân tộc rất ít người giai đoạn 2021 – 2025, được phê duyệt theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong bức tranh chung đó, mỗi dân tộc lại có những khó khăn đặc thù, những vấn đề cấp bách riêng cần được tập trung giải quyết triệt để.

Với dân tộc Rơ Măm hiện vẫn có 48,0% người biết múa điệu múa truyền thống.
Với dân tộc Rơ Măm hiện vẫn có 48,0% người biết múa điệu múa truyền thống.

Dân tộc Rơ Măm là một trong 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người, cư trú duy nhất tại tỉnh Kon Tum. Bên cạnh tỷ lệ nghèo còn rất cao thì việc nâng cao chất lượng dân số của dân tộc Rơ Măm cũng là vấn đề cấp bách.

Tỷ lệ nghèo cao

Đồng bào dân tộc Rơ Măm hiện có cuộc sống định canh định cư, tập trung chủ yếu tại làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Số liệu trong “Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025” theo Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh Kon Tum (gọi tắt là Đề án 744) cho thấy, dân tộc Rơ Măm tại làng Le có 177 hộ/617 nhân khẩu, chiếm 70,4% số hộ dân của làng Le (các hộ còn lại thuộc các dân tộc: Kinh, Thái, Mường, Gia Rai).

Những năm qua, làng Le đã được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của bà con. Đặc biệt, triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển KT – XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg, các cấp, các ngành đã tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ đồng bào Rơ Măm ở làng Le.

Một góc làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Một góc làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Theo đó, trong giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Kon Tum đã thực hiện hỗ trợ 22 con bò sinh sản cho 12 hộ là phụ nữ; hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi, gồm: Hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi 166 hộ, hỗ trợ bò cái sinh sản 157 con/157 hộ dân, hỗ trợ giống trâu địa phương 9 con/9 hộ dân. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ 7.080 cây giống cao su/09 hộ; hỗ trợ 20.350 giống cây điều ghép/ 96 hộ; Hỗ trợ 17.395 kg phân bón, hỗ trợ 273 kg thuốc bảo vệ thực vật/105 hộ.

“Ngoài việc thụ hưởng chính sách đặc thù riêng, dân tộc Rơ Măm còn được thụ hưởng các chính sách dân tộc hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi, từng bước được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, được hỗ trợ nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án triển khai tại địa bàn”, UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh trong Đề án 744.

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, tuy nhiên, một trong những khó khăn đặc thù của dân tộc Rơ Măm hiện nay là tỷ lệ nghèo còn rất cao. Theo kết quả điều tra hộ nghèo giữa kỳ năm 2022 của huyện Sa Thầy, ở làng Le hiện có 53 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo là người dân tộc Rơ Măm. Tại thời điểm cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của dân tộc Rơ Măm mới đạt khoảng 15,5 triệu đồng/người/năm; người dân mới tự đảm bảo được lương thực.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Kon Tum tại Đề án 744, một trong những nguyên nhân khiến tình hình KT – XH ở làng Le chưa có sự phát triển đột phá là do cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu. Từ năm 2017, triển khai Quyết định số 2086/QĐ-TTg, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển KT – XH dân tộc Rơ Măm tỉnh Kon Tum đến năm 2025” tại Quyết định số 941c/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 1388/QĐ-UBND ngày 10/12/2019). Đề án xây dựng 19 danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng hết năm 2020 mới thực hiện được 2 danh mục do vốn đầu tư Trung ương cấp chỉ đạt 15,9% kinh phí so với nhu cầu của Đề án; trong khi nhiều công trình được đầu tư xây dựng trước đó đã xuống cấp, hư hỏng.

Nhà Rông của đồng bào Rơ Măm ở làng Le.
Nhà Rông của đồng bào Rơ Măm ở làng Le.

Chất lượng dân số thấp

Cùng với tỷ lệ nghèo còn rất cao thì một vấn đề cấp bách của dân tộc Rơ Măm hiện nay là chất lượng dân số thấp. Những năm qua, với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, dân số của dân tộc Rơ Măm đã có sự gia tăng, nhưng không đáng kể.

Theo Đề án 744, dân tộc Rơ Măm tại làng Le hiện có 617 nhân khẩu. Còn tại thời điểm năm 2015, kết quả điều tra thực trạng KT – XH 53 DTTS của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê cho thấy, dân tộc Rơ Măm có 470 nhân khẩu. Trước đó, vào năm 2009, khi Tổng cục Thống kê thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở thì dân tộc Rơ Măm có 436 người.

Trước đó nữa, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 1979, dân tộc Rơ Măm có 137 người; năm 1989 có 227 người; năm 1999 có 352 người. Vị chi, trong vòng 43 năm (1979 - 2022), dân tộc Rơ Măm chỉ tăng được 480 người, bình quân tăng hơn 11 người/năm.

Sự gia tăng dân số của dân tộc Rơ Măm gặp nhiều rào cản, đầu tiên là do tuổi thọ bình quân của dân tộc Rơ Măm thuộc diện thấp nhất trong 53 DTTS. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS được thực hiện tháng 4/2019, so với 5 năm trước (năm 2015), tuổi thọ của người Rơ Măm đã tăng đáng kể, từ 61,75 lên 66,5 tuổi.

Đáng quan ngại nhất là tỷ suất tử vong thô (số người chết/1.000 dân) ở dân tộc Rơ Măm rất cao. Trong khi tỷ lệ chết thô chung của 53 DTTS là 7,28 thì với dân tộc Rơ Măm là 7,74. Đồng thời, với nhiều chính sách về y tế đã được triển khai, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi ở dân tộc Rơ Măm đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, từ 63,68% năm 2015 xuống còn 49,87% năm 2019.

Để giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa dân tộc Rơ Măm với các dân tộc khác trong vùng, giai đoạn 2021 – 2025, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, tỉnh Kon Tum quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án 774. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của dân tộc Rơ Măm đạt 30 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20% so với đầu năm 2020. Đến năm 2025 mức sống bình quân của dân tộc Rơ Măm tương đương với các dân tộc khác trong vùng, tăng số lượng cán bộ dân tộc Rơ Măm tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2025, làng Le đạt làng văn hóa cấp huyện và phấn đấu đạt làng văn hóa cấp tỉnh. Hệ thống điện, công trình nước tập trung, thủy lợi tưới tiêu đảm bảo phục vụ đời sống, sản xuất theo định hướng tiêu chí nông thôn mới; 100% số hộ gia đình được hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm. Phấn đấu Làng Le đạt làng thôn nông thôn mới vào năm 2024.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.