Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Những vấn đề cấp bách của các dân tộc có khó khăn đặc thù: Nâng cao thu nhập vùng đồng bào dân tộc Cống (Bài 11)

Cù Hương - Sỹ Hào - 14:13, 03/12/2023

Cư trú tập trung thành cộng đồng ở những thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, đồng bào dân tộc Cống đã được thụ hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho toàn vùng và các chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, để nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc Cống thì vẫn còn nhiều rào cản cần được quan tâm tháo gỡ.

Tết Hoa của người Cống là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Điện Biên.
Tết Hoa của người Cống là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Điện Biên.

Thu nhập thấp khiến tỷ lệ nghèo cao

Theo thống kê gần đây nhất, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có khoảng 350 hộ/1.565 nhân khẩu người dân tộc Cống. Đồng bào Cống ở Lai Châu cư trú tập trung ở xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) và một số hộ sinh sống rải rác trên địa bàn huyện Nậm Nhùn.

Còn tại Điện Biên, đồng bào Cống có 225 hộ/1.152 nhân khẩu. Đồng bào Cống ở Điện Biên sinh sống xen ghép ở 5 bản thuộc 3 xã trên địa bàn 3 huyện, gồm các bản: Huổi Moi, Si Văn, Púng Bon của xã Pa Thơm (huyện Điện Biên); Lả Chà của xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) và bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé).

Như vậy, so với thời điểm Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội (KT – XH) 53 DTTS, dân số dân tộc Cống đã có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, tại thời điểm tháng 4/2019, theo thống kê, dân tộc Cống của nước ta có 604 hộ; đến thời điểm này đã tăng lên khoảng 775 hộ.

Tuy nhiên, do chủ yếu sinh sống ở các địa bàn đặc biệt khó khăn nên tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc Cống hiện rất cao khi áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025. Chỉ riêng tại xã Nậm Khao - xã có hơn 60% dân số là dân tộc Cống, với khoảng 270 hộ, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thời điểm tháng 6/2022 theo Quyết định số 1141/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 của UBND huyện Mường Tè cho thấy, Nậm Khao có 131 hộ nghèo là người dân tộc Cống trong tổng số 265 hộ nghèo của xã; có 47 hộ cận nghèo là người dân tộc Cống trong tổng số 67 hộ cận nghèo của xã, theo chuẩn nghèo đa chiều.

Phụ nữ dân tộc Cống với trang phụ truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Cống với trang phụ truyền thống.

Trước đó, tại thời điểm tháng 4/2019, kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS cho thấy, trong tổng số 604 hộ dân tộc Cống trên cả nước thì có 326 hộ nghèo và 71 hộ cận nghèo, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020. Một trong những nguyên nhân tỷ lệ nghèo cao được xác định do nguồn thu nhập thấp, không ổn định. Tại thời điểm tháng 4/2019, dân tộc Cống nằm trong nhóm dân tộc rất ít người có thu nhập bình quân từ 400.000 - 800.000 đồng/tháng/năm.

Sau hơn 4 năm kể từ thời điểm tiến hành điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS, các địa phương đã tích cực triển khai các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc Cống phát triển KT – XH. Nhất là từ Đề án phát triển KT – XH dân tộc Cống theo Quyết định số 1672/QĐ-TTG ngày 26/9/2011 và Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, đời sống của đồng bào dân tộc Cống đã được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc Cống vẫn thấp so với bình quân chung. Đơn cử tại xã Nậm Khao của huyện Mường Tè, xã đang nỗ lực để nâng thu nhập bình quần đạt trên 30 triệu đồng/người/năm vào năm 2025; trong khi thu nhập bình quân toàn tỉnh Lai Châu năm 2022 đã đạt 48 triệu đồng/người/năm.

Với nguồn lực từ các chương trình, dự án, đời sống của đồng bào dân tộc Cống đã có nhiều khởi sắc. (Trong ảnh: Một góc bản La Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên ).
Với nguồn lực từ các chương trình, dự án, đời sống của đồng bào dân tộc Cống đã có nhiều khởi sắc. (Trong ảnh: Một góc bản La Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên ).

Thiếu hụt nhiểu chỉ số áp lực lên thu nhập

Theo các chuyên gia dân tộc học, hoạt động sản xuất chủ yếu của đồng bào dân tộc Cống là trồng trọt trên nương rẫy và canh tác ruộng nước, chăn nuôi bò lợn, nuôi cá, khai thác sản vật tự nhiên như rau củ quả, dược liệu… Đồng bào dân tộc Cống còn có một số nghề như nấu rượu, đan lát… nhưng chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình.

Điều này cũng phù hợp với kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS được thực hiện năm 2019. Theo kết quả điều tra, có 93,2% lao động (LĐ) người dân tộc Cống sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; chỉ có 6,2% LĐ làm dịch vụ và 0,6% làm trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng.

Thậm chí, số hộ dân tộc Cống làm dịch vụ - du lịch và làm nghề thủ công truyền thống đều là 0,0%; đồng thời chỉ có 1,4% hộ sản xuất kinh doanh khác. Sản xuất nông nghiệp thuần túy nên có đến 79,8% hộ dân tộc Cống sử dụng diện tích đất canh tác từ 1ha trở lên, chỉ có 2,8% hộ không có đất sản xuất. Mặc dù có đất sản xuất, đại đa số LĐ đều có việc làm, nhưng ngoài thu nhập thấp, thì đồng bào dân tộc Cống còn có nhiều chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khiến tỷ lệ nghèo đa chiều ở mức cao.

Các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cống. (Trong ảnh: Nhà văn hóa xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hoá của đồng bào các dân tộc nói chung, người Cống nói riêng )
Các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cống. (Trong ảnh: Nhà văn hóa xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hoá của đồng bào các dân tộc nói chung, người Cống nói riêng )

Tại xã Nậm Khao của huyện Mường Tè (Lai Châu), tại thời điểm tháng 6/2022, kết quả phân tích nguyên nhân nghèo Quyết định số 1141/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 của UBND huyện Mường Tè cho thấy, trong tổng số 265 hộ nghèo của xã (trong đó có 131 hộ nghèo người dân tộc Cống), tỷ lệ thiếu hụt việc làm là 0,0%; chỉ có 25,3% hộ có người phụ thuộc… Tuy nhiên, 100% hộ nghèo của xã thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt và BHYT; 91,3% hộ thiếu hụt chỉ số sử dụng dịch vụ viễn thông, có 33,2% hộ thiếu hụt chỉ số nhà tiêu hợp vệ sinh; có 28,7 hộ thiếu hụt chỉ số phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin…

Trong điều kiện thu nhập thấp, việc thiếu hụt các chỉ số chăm sóc sức khỏe (BHYT, nguồn nước sinh hoạt) càng tăng áp lực lên đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Cống ở Nậm Khao. Đồng thời, việc thiếu hụt các chỉ số tiếp cận thông tin khiến bà con khó cập nhật các kiến thức sản xuất mới, vẫn luẩn quẩn với lối canh tác truyền thống, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ngày càng bấp bênh trước biến đổi khí hậu phức tạp, thiên tai diễn ra khó đoán định.

Đây là những vấn đề cần được các địa phương lưu tâm trong quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg về “Đầu tư phát triển KT – XH các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù”; trong đó, dân tộc Cống là một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù.

Cũng như nhiều dân tộc khác, dân tộc Cống cũng có ngôn ngữ riêng, trang phục riêng và nhiều nét văn hóa đặc trưng. Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống cho đồng bào, thời gian qua, các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cống. Tết Hoa mào gà hay còn gọi là Tết Hoa của người Cống, là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Điện Biên.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.