Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Những vấn đề cấp bách của các dân tộc có khó khăn đặc thù: Phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc La Ha (Bài 13)

Cù Hương - Sỹ Hào - 11:09, 05/12/2023

Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, La Ha là một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025. Hiện đời sống của đồng bào dân tộc La Ha đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn cần được ưu tiên giải quyết để phát triển bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông cùng đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri 3 xã vùng III của huyện Mường La, gồm: Chiềng Ân, Chiềng Muôn, xã Chiềng Công ngày 11/10/2023.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông cùng đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri 3 xã vùng III của huyện Mường La, gồm: Chiềng Ân, Chiềng Muôn, xã Chiềng Công ngày 11/10/2023.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh

Sơn La là địa bàn cư trú tập trung chủ yếu của đồng bào dân tộc La Ha. Trên địa bàn tỉnh, dân tộc La Ha hiện sinh sống tại 67 bản ở 25 xã thuộc các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu.

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội (KT – XH) 53 DTTS do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, đồng bào dân tộc La Ha có 2.254/10.157 nhân khẩu. Sau 4 năm, dân số dân tộc La Ha đã có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, theo Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của UBND tỉnh Sơn La về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh Sơn La (QĐ 87), toàn tỉnh có 2.386 hộ/10.756 khẩu người dân tộc La Ha, chiếm 0,81% dân số của tỉnh.

Không chỉ gia tăng dân số mà đời sống của đồng bào dân tộc La Ha đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tại thời điểm tháng 4/2019, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, dân tộc La Ha có 1.100 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48,8%) và 318 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 14,1%). Nhưng đến hết năm 2022, theo QĐ 87 của UBND tỉnh Sơn La, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/NĐ-CP, dân tộc La Ha còn 674 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 28,25%) và 327 hộ cận nghèo (chiếm 13,70%).

Nhà Văn hóa Cộng đồng dân tộc La Ha tại Bản Hiên, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được khánh thành tháng 9/2023. (Ảnh: H.Đ)
Nhà Văn hóa Cộng đồng dân tộc La Ha tại Bản Hiên, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được khánh thành tháng 9/2023. (Ảnh: H.Đ)

Kết quả giảm nghèo ấn tượng này, trước hết là nhờ các chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc La Ha được tỉnh Sơn La triển khai hiệu quả, nhất là Đề án hỗ trợ phát triển KT - XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg (Đề án 2086). Các chính sách theo Đề án 2086 góp phần giảm nghèo nhanh vùng đồng bào dân tộc La Ha; đồng thời góp phần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị, phát triển nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa dân tộc La Ha với các dân tộc khác trong vùng.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, tính đến hết năm 2020, thực hiện Đề án 2086, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cho địa bàn đồng bào dân tộc La La sinh sống, thì tỉnh đã hỗ trợ con giống, máy móc nông cụ cho 1.257 hộ nghèo, hỗ trợ làm chuồng trại cho 1.827 hộ. Ngoài ra, còn hỗ trợ cải tạo ao bè lồng cá, tiêm phòng gia cầm; tập huấn cho trên 188 học viên kiến thức sản xuất; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho 875 lượt người…

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha cũng được tỉnh Sơn La chú trọng. Thực hiện Đề án 2086, bên cạnh xây dựng 5 nhà sinh hoạt cộng đồng, thì tỉnh đã hỗ trợ trang thiết bị cho 37 nhà văn hóa bản; hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động đối với 19 đội văn nghệ thôn bản; hỗ trợ học tiếng dân tộc cho 52 người…

Bản sắc văn hóa dân tộc La Ha được giữ gìn, phát huy.
Bản sắc văn hóa dân tộc La Ha được giữ gìn, phát huy.

Tạo đột phá giảm nghèo bền vững

Mặc dù đã có những thành tựu ấn tượng, nhưng vùng đồng bào dân tộc La Ha vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Hiện tỷ lệ nghèo của dân tộc La Ha tuy đã giảm sâu, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều dân tộc anh em trên địa bàn. Cụ thể, theo QĐ 87 của UBND tỉnh Sơn La, chưa tính tỷ lệ hộ cận nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc La Ha vẫn còn cao hơn dân tộc Thái (14,56%), dân tộc Mường (14,81%), dân tộc Tày (3,14%),…

Đặc biệt, mục tiêu giảm nghèo bền vững là thách thức lớn, bởi đại đa số đồng bào dân tộc La Ha đều cư trú ở những địa bàn đặc biệt khó khăn. Tại huyện Thuận Châu, toàn huyện có 567 hộ, gần 2.600 nhân khẩu dân tộc La Ha đang cư trú tại 3 xã khu vực III của huyện, gồm: Nong Lay, Chiềng La và Liệp Tè.

Tại huyện Mường La, địa phương có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống nhất tỉnh Sơn La, với 1.157 hộ dân/.858 nhân khẩu; đồng bào La Ha sinh sống tại 33 bản thuộc 14 xã. Đây đều là những xã khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây (ngày 11/10/2023), thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Sáu Quốc hội khóa XV, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Đông và và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã tiếp xúc cử tri 3 xã vùng III của huyện Mường La, gồm: Chiềng Ân, Chiềng Muôn, xã Chiềng Công – là những địa phương có đông đồng bào La Ha sinh sống. Tại buổi tiếp xúc, cử tri 3 xã đã phản ánh đến Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh những vấn đề bức thiết trong đời sống.

Đa số đồng bào dân tộc La Ha đang cư trú ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại trắc trở. (Trong ảnh: Một góc xã Chiềng Ân, huyện Mường La )
Đa số đồng bào dân tộc La Ha đang cư trú ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại trắc trở. (Trong ảnh: Một góc xã Chiềng Ân, huyện Mường La )

Theo đó, cử tri phản ánh, khó khăn nhất ở khu vực của các xã là hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu, nhiều tuyến đường qua địa bàn liên xã đã xuống cấp từ lâu, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân và giao thương, trao đổi hàng hóa. Cử tri mong muốn, Nhà nước tiếp tục đầu tư nâng cấp các con đường phục vụ nhu cầu đi lại, tạo thuận lợi cho bà con giao thương buôn bán, phát triển KT - XH.

Đây cũng là kiến nghị của đại diện huyện Mường La khi đề nghị tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện các chương trình dự án trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là các dự án giao thông; ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 đối với các tuyến đường kết nối với các huyện giáp ranh huyện Mường La.

Theo ông Lường Văn Toán, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, ở các xã tập trung đông đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống vẫn còn nhiều thách thức cần được quan tâm giải quyết triệt để. Đó là một số tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ, bản sắc văn hóa đang dần bị mai một, giá trị văn hóa truyền thống chưa được phát huy; công tác giáo dục, y tế đã được quan tâm nhưng chưa đồng bộ,…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động đồng bào La Ha của một số đoàn thể ở thôn chưa kịp thời, một số chính sách dân tộc đã được đầu tư nhưng chưa tập trung, nhiều chính sách đầu tư tạo ra sự trông chờ, ỷ lại. Ban Dân tộc tỉnh Sơn La sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ từ cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ sản xuất; những phong tục, tập quán, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc La Ha đã bị mai một để khôi phục; đồng thời rà soát lại địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc La Ha để có các giải pháp phát triển hiệu quả, thúc đẩy giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc La Ha của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.