Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Niềm tự hào người Xtiêng nơi thượng nguồn sông Đồng Nai

Thảo Linh - 07:49, 21/03/2024

Từ Trung tâm huyện Cát Tiên, chúng tôi ngược phía thượng nguồn sông Đồng Nai khoảng 30 km về với bà con đồng bào dân tộc Xtiêng ở thôn 3, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Sau gần một giờ đồng hồ chạy xe, buôn sóc của người Xtiêng hiện ra trước mắt trông thật hữu tình. Những nếp nhà bình dị, thấp thoáng dưới những vườn cây trái xanh tốt; phía sau được che chắn bởi những cánh rừng già thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên, trước có dòng sông Đồng Nai ngày đêm tuôn chảy.

Già làng Điểu K’Mốt (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã Phước Cát 2
Già làng Điểu K’Mốt (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã Phước Cát 2

Đặt chân lên vùng đất kiên dũng một thời, người chúng tôi được gặp đầu tiên là già làng Điểu K'Mốt (75 tuổi, dân tộc Xtiêng, bệnh binh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ). Vừa bước vào ngôi nhà kiên cố, khang trang, tôi ngước nhìn thấy di ảnh Bác Hồ được già làng Điểu K’Mốt đặt ở nơi trang trọng nhất. Rót trà mời khách, già làng Điểu K’Mốt trải lòng: “Không riêng gì nhà mình đâu mà tất cả bà con người Xtiêng nơi đây đều thờ ảnh Bác”.

Không phải ngẫu nhiên, hình ảnh Bác Hồ lại in đậm trong tâm trí của đồng bào dân tộc Xtiêng. Hơn 60 năm trước, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng. Đơn vị C200 của khu VI nhận nhiệm vụ của Trung ương Cục mở đường để đón đoàn B90 từ miền Bắc vào mở hành lang chiến lược Bắc - Nam đi qua vùng đất tận cùng phía Nam của tỉnh Lâm Đồng này. Ngày ấy, buôn sóc người Xtiêng, người Mạ nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng già. Cái ăn cái mặc còn thiếu thốn đủ bề nhưng chuyện gùi gạo, mang thực phẩm vào rừng nuôi bộ đội mà không chút suy nghĩ do dự. Không riêng gì thanh niên trai tráng trong các buôn sóc mà cả người già, phụ nữ, con trẻ đồng bào dân tộc Xtiêng, người Mạ đều theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng cho đến ngày đất nước thống nhất.

Bà Điểu Thị Giang tỏ lòng thành kính với Bác Hồ
Bà Điểu Thị Giang tỏ lòng thành kính với Bác Hồ

Trong câu chuyện hôm nay, mặc dù tuổi đã cao, nhưng già làng Điểu K'Mốt vẫn còn minh mẫn và nhớ như in những năm tháng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Năm 14 tuổi, Điểu K’Mốt đã tham gia cách mạng với vai trò là dân quân du kích; lên 18 tuổi, ông trở thành bộ đội chính quy. Đến năm 1973, do sức khỏe không đảm bảo nên Điểu K’Mốt xuất ngũ với quân hàm Đại úy. Những cái tên như Điểu Son, Điểu K’Đai, Điểu Thị Hơn, Điểu K’Dố… ở cùng buôn sóc, đã một thời cùng ông cầm súng làm cách mạng, đánh đuổi Mỹ - Ngụy. Họ chỉ tâm niệm một điều, chỉ có Đảng, có Bác Hồ mới mang lại bình yên, mang lại cơm no, áo ấm cho người dân trong buôn sóc. Đến nay, kẻ còn, người mất, nhưng niềm tin mãnh liệt ấy đã được truyền lại cho các thế hệ người Xtiêng nơi đây ghi nhớ.

Trong ngôi nhà ván đơn sơ, mặc cho ánh nắng ban mai đang thi nhau chiếu vào nhà qua từng khe hở, bà Điểu Thị Giang (sinh 1950, dân tộc Xtiêng) đang thắp nén tâm nhang kính dâng lên Bác. Tôi hơi ngạc nhiên hỏi: “Bà không có nhà xây để ở à?”. Bà Điểu Thị Giang phân trần: “Mình có nhà xây bên cạnh do Nhà nước xây cho đó, nhưng mình không ở, mà nhường cho đứa cháu ở. Mình độc thân, thích ở nhà này cho thoải mái”. Cái từ “thoải mái” thốt ra từ người đàn bà dân tộc Xtiêng mang một nét gì đó vừa mộc mạc, hồn hậu, nhưng rất chân tình.

Hồi còn con gái, bà Điểu Thị Giang cũng tham gia tiếp tế lương thực và gùi súng đạn cho bộ đội. Cái tuổi xuân thì của bà như gắn trọn với quãng thời gian đi làm cách mạng. Tôi hỏi bà: “Tại sao bà không lấy chồng sinh con, sau này có người để nương tựa tuổi già”. Một chút trầm ngâm, bà Giang nói: “Thời đó, phụ nữ người Xtiêng mình đều tham gia kháng chiến hết. Ai cũng mong muốn buôn sóc sạch bóng giặc là mừng nhất. Ít ai nghĩ đến việc lập gia đình. Mình ở vậy không lấy chồng vì đã có các cháu rồi. Tụi nó hiếu thảo lắm!”

Căn nhà mới của chị Điểu Thị Liên, dân tộc Xtiêng ở xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Tỉnh Lâm Đồng
Căn nhà mới của chị Điểu Thị Liên, dân tộc Xtiêng ở xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Tỉnh Lâm Đồng

Tìm hiểu đời sống của người Xtiêng nơi đây, chúng tôi được anh Điểu K’Đốt (sinh năm 1977, con ruột của già làng Điểu K’Mốt) hiện là Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn 3 thông tin nhiều điều đáng mừng. Toàn thôn hiện có 45 hộ, 171 khẩu, 100% là người dân tộc Xtiêng, nhưng chỉ còn 3 hộ nghèo (hộ người già neo đơn hoặc hộ bị bệnh nan y). Với diện tích đất sản xuất 153 ha, bình quân mỗi hộ dân có trên 3 ha, chủ yếu là diện tích trồng điều. Sau này, được ngành Nông nghiệp huyện Cát Tiên hỗ trợ cây giống, phân bón, được cán bộ hướng dẫn khoa học kỹ thuật, nên bà con trồng xen nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, ca cao, bưởi… trên diện tích vườn điều. Bà con còn chăn nuôi trâu, bò, heo nên kinh tế gia đình đã từng bước ổn định và phát triển. Hơn nữa, hộ nào cũng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nên thu nhập của người dân nơi đây được cải thiện hơn.

Ông Trương Văn Xã, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 đi cùng chúng tôi cho biết thêm: “Bà con người Xtiêng thôn 3 không theo một tôn giáo nào. Chỉ thờ Bác Hồ và ông bà tổ tiên. Bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. An ninh trật tự buôn sóc luôn được giữ vững. Mặc dù sống sát với vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên, bà con Xtiêng không vi phạm lâm luật. Người dân chỉ đi lấy những lâm sản phụ như rau nhíp, cà đắng, đọt mây…về dùng, trong điều kiện pháp luật cho phép. Chú tâm làm ăn xây dựng kinh tế gia đình, góp phần đưa buôn sóc ngày càng khang trang, no ấm hơn”.

Diện mạo thôn buôn của đồng bào Xtiêng hôm nay (Trong ảnh: Một đoạn đường thuộc thôn 3, xã Phước Cát 2) .
Diện mạo thôn buôn của đồng bào Xtiêng hôm nay (Trong ảnh: Một đoạn đường thuộc thôn 3, xã Phước Cát 2) .

Chia tay buôn, sóc người Xtiêng và núi rừng Cát Tiên, chúng tôi ấn tượng mãi về hình ảnh những người con Xtiêng ngày ngày thắp nén tâm nhang kính dâng lên Bác Hồ để bày tỏ tấm lòng biết ơn Người; hình ảnh bà Điểu Thị Dút (sinh 1952, dân tộc Xtiêng) hào hứng nấu món rau nhíp trong ống lồ ô, cho bữa cơm trưa thêm vị “núi rừng”; chị Điểu Thị Liên với nét mặt tươi vui khi vừa xây được căn nhà mới do Nhà nước hỗ trợ kinh phí… Những hình ảnh bình dị, thân thương của cuộc sống mới nơi buôn, sóc người Xtiêng như làn gió mát, làm giảm bớt cái nắng gắt của miền rừng.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.