Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Niềm vui từ những ngôi trường mới ở huyện biên giới Ia H'Drai

Ngọc Chí - 18:01, 11/10/2024

Giờ đây, thầy cô giáo và học sinh ở huyện biên giới còn nhiều khó khăn Ia H’Drai (Kon Tum) không còn phải dạy học và ăn ở trong những căn nhà tạm, thay vào đó là những phòng học, phòng ở mới khang trang với đầy đủ trang thiết bị được đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Ưu tiên đầu tư cho giáo dục

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện Ia H’Drai đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, phòng ăn, phòng ở cho học sinh. Giúp thầy cô giáo và học sinh có đủ điều kiện dạy và học. Từ năm 2021 đến nay, huyện Ia H’Drai đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 2 trường học trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Nhìn về dãy phòng học 2 tầng mới xây kiên cố, thầy giáo Đỗ Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Nguyễn Tất Thành, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai phấn khởi chia sẻ: Trước đây, trường thiếu phòng học, trang thiết bị nên phải dạy 2 ca/ngày, bếp ăn thì được làm tạm bằng gỗ nên khó khăn trong việc nấu ăn cho học sinh bán trú. Đầu năm 2024, huyện đầu tư xây dựng mới cho trường dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học, 4 phòng bộ môn, với đầy đủ trang thiết bị dạy học và nhà bếp ăn 1 chiều. Thầy cô và 870 học sinh (trong đó có hơn 60% học sinh người DTTS) rất phấn khởi.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Ia H’Drai đã đầu tư xây dựng dãy phòng học 2 tầng và đầy đủ các trang thiết bị dạy học cho Trường TH-THCS Nguyễn Tất Thành
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Ia H’Drai đã đầu tư xây dựng dãy phòng học 2 tầng và đầy đủ các trang thiết bị dạy học cho Trường TH-THCS Nguyễn Tất Thành

Em Y Hà Mi (dân tộc Ba Na), học sinh lớp 6A, Trường TH – THCS Nguyễn Tất Thành cho biết: Năm nay con được học trong phòng học mới, bàn ghế mới và có cả ti vi nên em rất vui mừng. Thầy cô giảng dạy con học dễ hiểu hơn. Bếp ăn thì cũng được xây dựng mới nên rất sạch sẽ, thầy cô nấu cơm cho con ăn và ở tại trường nên bố mẹ cũng yên tâm.

Tương tự, đầu năm 2024, Trường TH-THCS Hùng Vương, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai được huyện bàn giao đưa vào sử dụng dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học, 4 phòng bộ môn; khu nhà ăn, bếp ăn và các hạng mục phụ trợ khác. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đã giúp nhà trường khắc phục được tình trạng thiếu phòng học, phòng ăn và ở của học sinh.

Học sinh Trường TH-THCS Hùng Vương, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai có nơi ăn ở khang trang nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719
Học sinh Trường TH-THCS Hùng Vương, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai có nơi ăn ở khang trang nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719

Thầy giáo Quách Văn Vương, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Hùng Vương, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai cho biết: Năm học 2024 – 2025 toàn trường có 33 lớp, hơn 1.000 học sinh, trong đó hơn 80% học sinh là người DTTS. Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, huyện quan tâm đầu tư đã giúp trường hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo cho việc tổ chức dạy học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh tại trường.

Trong những năm qua, từ nguồn kinh phí đầu tư của Chương trình MTQG 1719 và các nguồn kinh phí khác, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tham mưu UBND huyện Ia H'Drai ưu tiên kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học đảm bảo cho công tác giáo dục.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học

Năm học 2024 – 2025, toàn huyện Ia H’Drai có 7 trường, 151 lớp, với 3.425 học sinh; trong đó, học sinh DTTS là 2.333 em, chiếm tỷ lệ 68%. Các cơ sở giáo dục có 27 điểm trường lẻ, trong đó, bậc mầm non có 17 điểm và bậc tiểu học có 10 điểm trường lẻ. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường học đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong giai đoạn mới, chương trình giáo dục phổ thông 2018 và mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Thầy giáo Phạm Thanh Tùng, Trường TH-THCS Nguyễn Tất Thành, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai cho biết: Hiện nay, các phòng học đã được đầu tư khang trang, bàn ghế mới, tivi, internet nên rất thuận lợi trong quá trình giảng dạy. Khi có internet thì giáo viên đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, giúp học sinh tiếp thu bài nhanh hơn.

Trường lớp và trang thiết bị được đầu tư đầy đủ giúp công tác dạy và học ở huyện biên giới Ia H’Drai thuận lợi hơn
Trường lớp và trang thiết bị được đầu tư đầy đủ giúp công tác dạy và học ở huyện biên giới Ia H’Drai thuận lợi hơn

Em Nguyễn Thị Bích Vy, học sinh lớp 8B, Trường TH-THCS Nguyễn Tất Thành, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai chia sẻ: Trước đây, phòng học còn thiếu và trang thiết bị chưa đầy đủ nên việc học tập của chúng em còn khó khăn. Năm nay phòng học mới, các lớp đều có tivi, internet, thầy cô giảng dạy tận tình nên chúng em học tập rất thuận lợi. Em cố gắng học tập để có được thành tích tốt.

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, UBND huyện Ia H’Drai đã quan tâm tuyển dụng bổ sung đảm bảo đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy học năm học 2024-2025. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đã được nâng lên đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng dạy, học và các hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ công chức, viên chức luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thầy cô giáo và học sinh ở huyện biên giới Ia H'Drai phấn khởi khi được học trong những phòng mới với đầy đủ trang thiết bị
Thầy cô giáo và học sinh ở huyện biên giới Ia H'Drai phấn khởi khi được học trong những phòng mới với đầy đủ trang thiết bị

Cô giáo Phùng Thị Kim Thúy, Trường TH-THCS Hùng Vương, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai chia sẻ: Tôi gắn bó với huyện Ia H’Drai từ ngày mới thành lập, trước đây phòng học còn tạm bợ, giờ thì khang trang và đầy đủ trang thiết bị dạy học. Giáo viên được tập huấn nâng cao trình độ, năng lực công tác. Với sự quan tâm của các cấp, ngành nên đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và mong muốn của chúng tôi là giúp cho các em học sinh ở huyện biên giới còn nhiều khó khăn này nắm vững kiến thức để học lên các bậc học cao hơn.

"Với nguồn lực đầu tư của Chương trình MTQG 1719 và các chương trình khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học được đảm bảo. Đây là cơ sở quan trọng để ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và các chương trình, đề án kế hoạch trọng tâm đã được ban hành. Tập trung các nguồn lực và giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 - 2025, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra", ông Thạch Xuân Hào, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia H’Drai cho biết.

Với sự quan tâm đầu tư toàn diện, tin rằng, ngành Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H’Drai sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đột phá, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp trồng người ở huyện biên giới còn nhiều khó khăn này./.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.