Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ninh Thuận: Các làng Chăm tưng bừng chào đón Lễ hội Katê

Thái Sơn Ngọc - 09:37, 12/10/2023

Các làng Chăm tỉnh Ninh Thuận nô nức mừng đón Lễ hội Katê 2023 chính thức diễn ra vào ngày 14/10 sắp tới, nhằm ngày 1/7 Chăm lịch. Đây là Lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn để tưởng nhớ công ơn tổ tiên và cầu mong mưa thuận gió hoà, sản xuất nông nghiệp bội thu.

Làng thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (huyện Phước Dân, Ninh Phước) chào đón Katê 2023.
Làng thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (huyện Phước Dân, Ninh Phước) chào đón Katê 2023.

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 19.239 hộ với 85.343 khẩu đồng bào Chăm sinh sống, tập trung tại 35 thôn, khu phố trên địa bàn 13 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố. Lễ hội Katê năm nay bắt đầu từ Lễ rước y trang Pô Inư Nưgar (Pô Inư Nưgar tại làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước vào trưa ngày 13/10. Sáng ngày 14/10, tổ chức Lễ rước y trang tháp Pô Klong Garai (Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm), tháp Pô Rômê và đền Pô Inư Nưgar (Phước Hữu, Ninh Phước). Các vị chức sắc  Bàlamôn làm lễ tắm tượng thần, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, thôn xóm bình yên. Các nghệ nhân dân gian biểu diễn chương trình dân ca dân vũ đặc sắc do các thiếu nữ Chăm biểu diễn tại các đền tháp.

Ngày 20/6/2017, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Sau nghi lễ Katê đền tháp là Katê làng và Katê gia đình. Năm nay diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao phong phú phục vụ đời sống tinh thần cho người dân địa phương và du khách đến tham quan Lễ hội. Người dân các làng Chăm sửa sang nhà cửa khang trang, treo cờ Tổ quốc, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Đồng bào Chăm các địa phương mua sắm lễ vật, luyện tập văn nghệ, thể thao, chuẩn bị tham gia các hoạt động mừng đón Lễ hội Katê 2023 diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi, tiết kiệm, an toàn.

Diễn viên làng Hữu Đức luyện tập múa sân lễ chuẩn bị đón mừng Katê 2023.
Diễn viên làng Hữu Đức luyện tập múa sân lễ chuẩn bị đón mừng Katê 2023.

Huyện Ninh Phước có đông đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn sinh sống, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Truyền thanh huyện phối hợp các xã, thị trấn tổ chức hoạt động đón mừng Lễ hội Katê bắt đầu từ ngày 11/10 với hội thao dân gian gồm các hoạt động: Đội nước, đẩy gậy, kéo co kết hợp Hội thi văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục dân tộc Chăm truyền thống diễn ra tại làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp. Từ ngày 12/10, các làng Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như bóng đá nam, nữ, múa sân tại làng Hữu Đức, Hậu Sanh, Hiếu Lễ, Bàu Trúc kết hợp hội thi nặn gốm, trình diễn dệt thổ cẩm. Giỗ tổ nghề gốm Bàu Trúc diễn ra tại đền thờ Pô Klong Chanh vào sáng ngày 18/10/2023.

Chiều ngày 10/10, đến với làng Chăm Hữu Đức thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, chúng tôi ghi nhận diện mạo nông thôn mới ngày càng phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh điện máy cao cấp tại làng Chăm Hữu Đức. Chúng tôi ghi nhận không khí luyện tập khẩn trương của đội ngũ nhạc công và diễn viên làng Hữu Đức chuẩn bị múa sân lễ mừng đón Katê 2023.

Làng Chăm Hữu Đức đón mừng Katê 2023.
Làng Chăm Hữu Đức đón mừng Katê 2023.

Ông La Văn Điểm, Bí thư Chi bộ thôn Tân Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Katê làng Chăm Hữu Đức cho biết, địa phương huy động gần 400 người là diễn viên quần chúng và nhạc công tham gia chương trình múa sân lễ đón mừng Katê và nghi thức rước y trang của nữ thần Pônư Inưga diễn ra vào trưa ngày 13/10. Tối 13/10, Đoàn ca múa nhạc tỉnh Ninh Thuận phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc đón mừng Katê.

Làng Chăm Hữu Đức gồm có 3 thôn là Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức hiện có 2.191 hộ với 10.024 nhân khẩu đồng bào Chăm. Đời sống người dân dựa vào nguồn thu nhập từ 450 ha ruộng canh tác ba vụ lúa kết hợp chăn nuôi gia súc, bảo đảm cuộc sống no ấm. Nhiều gia đình đầu tư nuôi con ăn học trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, cán bộ khoa học và vươn lên làm giàu từ tri thức. Hữu Đức có trên 350 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng được bà con tôn vinh là "làng bác sĩ" - hiện có 21 bác sĩ, 7 người đang theo học ngành Y. Lễ hội Katê là dịp để con cháu học hành, sinh sống ở các vùng miền trong và ngoài nước trở về sum họp gia đình, thăm bà con, viếng đền tháp.

Nghi thức rước y trang Pô Inư Nưgar tại làng Hữu Đức.
Nghi thức rước y trang Pô Inư Nưgar tại làng Hữu Đức.

Chia tay Hữu Đức, chúng tôi về làng Chăm Bàu Trúc trong không khí rộn ràng chuẩn bị mừng đón Katê 2023 của người dân làng nghề gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Các hộ gia đình chế tác nhiều sản phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm quà lưu niệm của du khách đến thăm Bàu Trúc vui đón Lễ hội Katê. Ông Đàng Chí Quyết, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Bàu Trúc chia sẻ niềm vui, năm nay bà con làng gốm Bàu Trúc mừng đón Lễ hội Katê trong tâm thế mới là ngày 29/11/2022, UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Đây là niềm tự hào của người dân làng nghề gốm qua hơn 700 năm bảo tồn và phát huy giá trị bền vững của nghệ thuật chế tác gốm Chăm.

Tương truyền do tổ nghề là vợ chồng ông Pô Klong Chanh cùng vợ là bà Nai Lank Mưh dạy cho phụ nữ làm gốm được gìn giữ, phát triển bền vững đến ngày nay. Ban Quản lý khu phố huy động trên 200 diễn viên và nhạc công tham gia chương trình múa sân và văn nghệ mừng đón Katê. Nhờ nguồn thu nhập từ nghề làm gốm kết hợp làm ruộng bảo đảm đời sống người dân Bàu Trúc ngày càng no ấm, bộ mặt khu phố khang trang, hiện đại.

Diễn viên dân gian Chăm múa mừng đón Katê tại Hữu Đức.
Diễn viên dân gian Chăm múa mừng đón Katê tại Hữu Đức.

Gặp lại Cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng Cả sư Bàlamôn, Trụ trì Tháp Pô Klong Garai vui mừng bày tỏ niềm vui: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc Chăm. Chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng đã tạo sức mạnh cho đồng bào các dân tộc đoàn kết xây dựng thôn xóm giàu đẹp. Tất cả các làng Chăm đều có hệ thống điện, đường, trường, trạm do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng khang trang, trình độ dân dân trí ngày càng nâng cao. Nhiều con em đồng bào Chăm có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân tích cực tham gia phục vụ quê hương, đất nước giàu đẹp. Đồng bào Chăm chúng tôi vui mừng được UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Văn phòng làm việc của Hội đồng Cả sư Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận được chính quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng mới khang trang tạo tâm lý vui mừng đối với chức sắc, chức việc. Với vai trò chức sắc Bàlamôn, tôi vận động đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động bà con mừng đón Lễ hội Katê 2023 với tinh thần vui tươi, tiết kiệm, lành mạnh, an toàn”.

Các vị chức sắc Chăm rước y trang lên tháp Pô Klong Garai.
Các vị chức sắc Chăm rước y trang lên tháp Pô Klong Garai.
Diễn viên dân gian Chăm múa mừng đón Katê tại tháp Pô Klong Garai.
Diễn viên dân gian Chăm múa mừng đón Katê tại tháp Pô Klong Garai.
Tin cùng chuyên mục
Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội còn nổi tiếng là vùng đất “bách nghệ” (trăm nghề). Nghề truyền thống của Hà Nội không chỉ là sinh kế mà còn là nơi lưu giữ, kiến tạo nên giá trị văn hóa Hà thành. Hiện nay, vùng đất trăm nghề được bổ sung, bồi đắp thêm bởi những nghề truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS.