Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Thu hút nguồn lực tư nhân để phát triển du lịch

Nghĩa Hiệp - 09:58, 14/07/2020

Tận dụng nguồn lực tư nhân qua việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch đã giúp bản Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) trở thành điểm đến nổi tiếng đối với du khách. Kể từ khi làm du lịch, người dân được hỗ trợ đào tạo nghề chuyên nghiệp, bài bản...; đời sống kinh tế từng bước cải thiện.

Bản Ngòi lồng ghép văn hóa người Mường vào khai thác du lịch cộng đồng
Bản Ngòi lồng ghép văn hóa người Mường vào khai thác du lịch cộng đồng

Bản Ngòi là nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Mường. Người dân bản Ngòi xưa khổ lắm! diện tích đất canh tác hạn hẹp, quanh năm trồng ngô, trồng rừng cũng chẳng đủ ăn. Gia đình nào khá hơn, thì có thuyền để đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng dưới lòng hồ. Thứ quý nhất đối với người dân bản Ngòi là bản sắc văn hóa dân tộc Mường cổ, đặc trưng kiến trúc nhà sàn và được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ… Đây là những yếu tố thuận lợi để đồng bào có thể làm du lịch cộng đồng, nhưng cái khó vẫn là nguồn vốn đầu tư ban đầu và làm sao để thay đổi được tư duy của người dân. 

Ông Đinh Văn Bượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngòi Hoa cho biết: “Ban đầu chúng tôi tổ chức gặp mặt người dân, cùng dân bàn bạc về phát triển du lịch cộng đồng. Khi được người dân ủng hộ, chúng tôi tổ chức cho bà con thăm quan các điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh để học hỏi cách làm. Đồng thời, kêu gọi các công ty tư nhân đầu tư vào xây dựng khu du lịch cộng đồng”. 

Khi tham gia đầu tư, các doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi về thuế, tạo các điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, vay vốn… Có được thuận lợi, phía doanh nghiệp cũng hỗ trợ người dân bằng cách cho người dân vay vốn không tính lãi xây dựng, nhằm mục đích cải tạo nhà ở, cung cấp những vật dụng cần thiết để hoàn thiện dịch vụ; tổ chức đào tạo nghề bài bản qua việc hợp tác với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, tổ chức đào tạo nghề cho 50 thanh niên của bản về kỹ năng cứu hộ, 15 nhân viên buồng phòng, 20 gia đình được đào tạo nghiệp vụ đón khách… Nhờ vậy, đến nay đã có 7 Homestay tại bản Ngòi đi vào hoạt động chuyên nghiệp.

Bà Bùi Thị Liến, một trong những người làm du lịch cộng đồng tại Bản Ngòi cho biết: “Kể từ ngày làm du lịch, chúng tôi được học nghề, được thay đổi hoàn toàn về nhận thức, tư duy trong phát triển kinh tế. Chúng tôi đã lồng ghép bản sắc văn hóa Mường vào làm du lịch, như đưa chiêng Mường ra đón khách, múa Mường, quảng bá ẩm thực Mường… qua đó vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển du lịch. Du lịch cộng đồng còn thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển. Nông sản do bà con trong bản làm ra cũng có sức tiêu thụ, giá cả tốt hơn. Hiện nay, lao động tham gia làm Homestay tại bản Ngòi lên đến vài chục người”.

Từ một bản đặc biệt khó khăn, bằng việc thu hút nguồn lực đầu tư từ tư nhân vào phát triển du lịch cộng đồng, người dân ở bản Ngòi giờ đây đã có mức thu nhập đạt 20 triệu đồng trong năm 2019. 

“Hiện bản Ngòi đang trên đà phát triển. Bản có 2 dự án du lịch sinh thái đang giải phóng mặt bằng, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, do Doanh nghiệp Lạc Hồng và Doanh nghiệp Hoàng Sơn thực hiện. Tương lai chỉ trong khoảng 5 – 10 năm nữa, khi các dự án đi vào hoạt động, đời sống của người dân bản Ngòi chắc chắn sẽ khởi sắc hơn”, ông Bượng phấn khởi thông tin.

Tin cùng chuyên mục