Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Ninh Thuận: Người có uy tín góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS

Thành Nhân - 09:11, 04/09/2024

Những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cống hiến trong các phong trào ở địa phương, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận
Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận

Hiện Ninh Thuận có 124 Người có uy tín, trong đó dân tộc Chăm có 35 người, dân tộc Raglay có 83 người, dân tộc Chu Ru 1 người, dân tộc Nùng 2 người và dân tộc Cơ Ho 3 người. Với vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận đã góp phần quan trọng vào các hoạt động xã hội, tích cực động viên Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

Là Người có uy tín ở thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, những năm qua, ông Đạo Thanh Tân đã tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, Nhân dân trong thôn thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Là người am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân, ông đã trực tiếp thuyết phục, hòa giải kịp thời nhiều vụ việc trong cộng đồng như: Mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn thanh niên; các vụ tranh chấp đất đai, mất trật tự..., không để xảy ra “điểm nóng”, góp phần giữ bình yên cho thôn, xóm.

(BÁO IN) Ninh Thuận: Người có uy tín góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS 1

Ông Đạo Thanh Tân cho biết: Thôn có 100% hộ là đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, vì vậy tôi đã phối hợp với các đoàn thể của thôn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp, đồng thời tiếp thu những cái hay, tiến bộ trong văn hóa dân tộc mình. Đến nay, thôn Phước Nhơn 3 đã xóa hết nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12/750 hộ, chiếm tỷ lệ 1,6%.

Người có uy tín trong đồng bào DTTS mặc dù có trình độ, nghề nghiệp, độ tuổi, tôn giáo khác nhau nhưng họ luôn là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội”.

Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận

Với phương châm nói đi đôi với làm, ông Đàng Nguyên, thôn Tân Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước được bà con tin tưởng. Ông Nguyên chia sẻ: Để bà con đồng thuận, tin theo những gì mình nói, trước tiên bản thân và gia đình phải tiên phong đi đầu. Vì vậy, vào năm 2020, khi địa phương triển khai mô hình sản suất lúa theo “Cánh đồng mẫu lớn”, tôi đã hưởng ứng, tham gia, áp dụng và tuân thủ các quy trình, thời vụ sản xuất, nhờ vậy, năng suất lúa tăng lên 65 - 70 tạ/ha. Từ kết quả này, nên khi vận động bà con hầu hết đều đồng thuận, hưởng ứng. Đến nay, toàn thôn có 50ha lúa thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với hơn 70 hộ tham gia.

Đội nghệ nhân tộc họ Pi-năng ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận biểu diễn nhạc cụ mã la. Ảnh: Thái Sơn Ngọc
Đội nghệ nhân tộc họ Pi-năng ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận biểu diễn nhạc cụ mã la. Ảnh: Thái Sơn Ngọc

Hay như ông Katơr Quỳnh, Người có uy tín ở thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, nhận thấy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với trồng cây ăn quả, ông tiên phong chuyển 2ha đất rẫy trồng bắp, lúa sang trồng bưởi da xanh kết hợp một số cây ăn quả trên đất đồi. Đến nay, mô hình đã giúp gia đình trở thành hộ giàu trong xã.

Các điệu múa tái hiện nghề dệt vải và làm gốm tại lễ rước y trang Pô Inư Nưgar của đồng bào Chăm
Các điệu múa tái hiện nghề dệt vải và làm gốm tại lễ rước y trang Pô Inư Nưgar của đồng bào Chăm

Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Người có uy tín trong đồng bào DTTS mặc dù có trình độ, nghề nghiệp, độ tuổi, tôn giáo khác nhau nhưng họ luôn là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. “Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, vùng đồng bào DTTS đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các chương trình, dự án đang trong quá trình triển khai, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, có một phần đóng góp, sự phối hợp rất nhịp nhàng của đội ngũ Người có uy tín”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Người có uy tín khẳng định vai trò kết nối tình đoàn kết, xây dưng bản làng

Thanh Hóa: Người có uy tín khẳng định vai trò kết nối tình đoàn kết, xây dưng bản làng

Thanh Hóa hiện có 1.281 Người có uy tín trong đồng bào DTTS sinh sống tại các huyện miền núi. Những năm qua, Người có uy tín khẳng định vai trò kết nối tình đoàn kết, trách nhiêm đối với cộng đồng và xã hội, tích cực tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị, đi đầu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo đảm an ninh trật tự tại các khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng DTTS.