Từ nhiều năm nay, đồng bào DTTS ở huyện Bác Ái đã chăn nuôi gia súc, tuy nhiên chỉ mang tính chất tự phát và nhỏ lẻ, ít kiến thức chăm sóc, phòng bệnh nên năng suất chưa cao. Gần ba năm qua, được hỗ trợ vay vốn, kiến thức chăm sóc, xây dựng chuồng trại, phòng bệnh từ chính quyền địa phương, đại bộ phận đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bác Ái đã mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, tăng thêm thu nhập.
Tận dụng lợi thế dưới tán rừng, nhận thấy hiệu quả của mô hình chăn bò nên rất nhiều người đã mạnh dạn vay vốn mua bò sinh sản. Như gia đình ông Ka-tơ Đống, ở thôn Chà Đung, xã Phước Thắng đã vay vốn chăn nuôi bò. Hiện gia đình ông đã có 40 con bò và gần 50 con dê.
Hay như gia đình chị Katơr Thị Nanh, nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn kiến thức chăm sóc bò nay cuộc sống của gia đình chị Nanh đã có nhiều đổi thay. Bằng sự chăm chỉ, cần cù và ý chí muốn thoát nghèo, chị Nanh đã mua 2 con bò sinh sản, đến nay số lượng bò của gia đình chị đã tăng lên 6 con. Gia đình chị tiếp tục bán bò để lấy vốn đầu tư trồng 20.000m2 cây mì. Số tiền thu được từ việc chăn nuôi sản xuất đã giúp gia đình chị Nanh có thể sửa sang lại căn nhà khang trang hơn.
Đến nay tổng đàn gia súc có sừng trên địa bàn huyện Bác Ái là trên 18.400 con, trong đó số lượng bò là gần 15.150 con, 1.000 con trâu và gần 2.300 con dê, cừu (đa số là dê). Chủ trương của địa phương là thúc đẩy các hộ đồng bào DTTS chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, huyện Bác Ái cũng chú trọng hướng dẫn người dân trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi, chuyển đổi con giống. Đồng thời tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh trên gia súc và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tương tự, huyện Thuận Bắc có 6 xã với gần 70% dân số là đồng bào DTTS. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn do đất đai khô cằn và khí hậu nắng hạn. Thực hiện chính sách dân tộc, chính quyền địa phương đã quan tâm, động viên người dân đổi mới cách sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả.
Nhờ hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu, bà con nơi đây đã có thể khai thác 2 vụ mùa/năm. Bên cạnh việc lựa chọn các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng như đậu xanh, bắp lai… người dân còn trồng xen canh các loại cây ăn quả để tăng sản lượng. Bên cạnh việc mở rộng quy mô canh tác đất nông nghiệp, bà con còn được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn và kiến thức chăn nuôi theo các mô hình như: gà thả vườn, nuôi heo đen sinh sản…
Ông Mang Bằng, ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn cho biết, nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của chính quyền, gia đình ông đã chuyển 1 sào lúa sang trồng cây măng tây xanh. Nhờ được UBND huyện liên kết với các doanh nghiệp để lo đầu ra cho sản phẩm, nay mỗi ngày vựa măng tây xanh của ông cho thu hoạch từ 3 - 4kg, được bán với giá ổn định 50.000 đồng/kg.
Chị Thị Dằn, thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn chia sẻ, trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã Bắc Sơn. Nay được chính quyền hỗ trợ 6 con dê sinh sản, chị Dằn vay thêm vốn để xây dựng chuồng trại, trồng thêm cỏ làm nguồn thức ăn cho dê. Hiện nay đàn dê của gia đình tăng trưởng tốt, nguồn thu nhập từ việc bán dê giúp gia đình chị Dằn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Thuận Bắc đã hỗ trợ trên 1,175 tỷ đồng cho các địa phương triển khai mô hình nuôi dê sinh sản; hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ cho các hộ dân ở xã Phước Kháng, Bắc Sơn, Phước Chiến, Lợi Hải với kinh phí 2,750 tỷ đồng. Huyện cũng đầu tư 1,19 tỷ đồng để tu sửa 3 công trình hệ thống thủy lợi và hỗ trợ 923 triệu đồng để thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm người lao động vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó địa phương cũng đầu tư 1,220 tỷ đồng cho việc thực hiện Dự án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Phước Chiến.
Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Những năm vừa qua, tỉnh Ninh Thuận luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS bằng các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng cao phát triển; kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt được tiếp tục đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.