Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nợ 90 tỷ đồng tiền đấu giá quyền sử dụng đất, chủ đầu tư vẫn rao bán đất rầm rộ

Quỳnh Trâm - 20:17, 07/12/2020

Đến thời điểm này đã quá thời hạn 3 tháng, doanh nghiệp trúng đấu giá dự án khu dân cư thôn 6, xã Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa vẫn chưa nộp đủ tiền đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ). Song chủ đầu tư vẫn ngang nhiên rao bán đất rầm rộ để huy động vốn trái phép.

Ông Lê Tiến Vinh, Chủ tịch xã Thiệu Khánh (trái) kiểm tra mặt bằng dự án
Ông Lê Tiến Vinh, Chủ tịch xã Thiệu Khánh (trái) kiểm tra mặt bằng dự án

Dự án khu dân cư thôn 6, xã Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa (MBQH 4961) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 6/2016. Nhưng đến tháng 3/2020, dự án này mới được đưa ra đấu giá.

Giá khởi điểm của dự án này là 63 tỷ đồng. Theo đó, dự án có diện tích 26.455,4m2, bao gồm: 247 lô đất ở liền kề, mục đích sử dụng đất là đất ở đô thị, nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức đấu giá QSDĐ. Thời hạn sử dụng đất theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa không quá 50 năm, người mua nhà ở gắn liền với QSDĐ được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Chiến thắng các đối thủ khác, Công ty GeoVietNam (đổi tên từ Công ty Cổ phần địa kỹ thuật Việt Nam, có trụ sở tại Hà Nội) được công nhận trúng đấu giá với hơn 122 tỷ đồng.

Theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, đơn vị trúng đấu giá nộp tiền sử dụng đất lần 1 là trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan thuế thông báo nộp tiền trúng đấu giá, doanh nghiệp trúng thầu phải nộp 50% giá trị quyền sử dụng đất. Trong thời hạn 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá phải nộp 50% số tiền còn lại.

Sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho dự án. Khi đó, doanh nghiệp mới được đưa thực hiện kinh doanh đối với dự án này.

Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm này, GeoVietNam mới chỉ nộp 28 tỷ đồng tiền đấu giá, còn nợ 94 tỷ đồng, như vậy đã quá thời hạn 3 tháng theo quy định. Dù vậy, hiện chủ đầu tư đang có dấu hiệu huy động vốn trái phép khi tiến hành rao bán 247 lô đất. Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực dự án, có nhiều nhân viên môi giới nhiệt tình mời chào khách mua dù biết rõ dự án chưa đủ điều kiện rao bán. 

Theo lời giới thiệu của 1 nhân viên: “Người mua sẽ phải đặt cọc 50 triệu đồng trong vòng 24 giờ đầu tiên. 7 ngày sau, nộp tiếp 40%, 1 tháng sau đặt thêm 40%, tháng tiếp theo nộp 10%. Ít nhất trong vòng 6 tháng là khách nhận sổ đỏ, lúc đó sẽ nộp 10% còn lại. Riêng việc xây móng là tùy thỏa thuận người mua và chủ đầu tư".

Để lách luật, các hợp đồng ký giữa khách mua và chủ đầu tư được gọi là hợp đồng đặt chỗ, song về bản chất đây vẫn là một hình thức mua – bán trá hình trái quy định. Những nhân viên môi giới còn khoe trong số 247 lô đất, hiện đã bán gần hết, chỉ còn khoảng 17 lô còn lại.

Về việc này, ông Lê Tiến Vinh, Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh cho biết, gần đây, khi thấy chủ đầu tư dựng băng rôn, treo biển rao bán đất trái quy định, chính quyền xã đã yêu cầu dỡ biển xuống, chỉ được phép tư vấn cho người dân thông tin về dự án.

"Xã đã khuyến cáo cho người dân trên địa bàn nên xem xét, tìm hiểu kỹ, không đặt tiền vì chủ đầu tư dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Chúng tôi cũng sẽ mời chủ đầu tư lên làm việc, công khai danh sách người dân đã mua đất. Nếu có trường hợp thu tiền mua đất của dân thì chúng tôi sẽ yêu cầu công ty trả lại ngay. Không được phép huy động người dân nộp tiền dưới hình thức nào khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính", ông Vinh nói.

Ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cũng khẳng định, nhà đầu tư chưa đủ điều kiện để bán đất khi chưa làm nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Nếu nhà đầu tư không sớm nộp tiền sử dụng đất, phía Thành phố sẽ yêu cầu hủy kết quả trúng đấu giá dự án.

Tin cùng chuyên mục
Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Trong quá trình thi công Thủy điện Plei Kần, Công ty Cổ phần Tấn Phát cam kết tài trợ huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) 3 tỷ đồng để làm cầu treo qua sông Pô Kô phục vụ Nhân dân đi lại sản xuất. Tuy nhiên, cầu treo hoàn thành và đưa vào sử dụng đã gần 3 năm mà Công ty vẫn chưa chi đủ số tiền tài trợ. Việc này khiến cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Ngọc Hồi - đơn vị được UBND huyện giao làm chủ đầu tư, bỗng dưng “mang nợ”. Bởi chủ đầu tư không có tiền để thanh toán cho đơn vị thi công.