Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Nỗ lực giảm tỷ lệ trẻ em DTTS suy dinh dưỡng

PV - 07:25, 25/02/2022

Tam Đảo là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS khá cao so với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Vì vậy, cùng với việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, huyện luôn chú trọng triển khai các chương trình cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, nhất là trẻ em DTTS, nhằm giúp các em nâng cao thể chất.

Cán bộ Trạm y tế xã Đạo Trù theo dõi sức khỏe của trẻ qua biểu đồ tăng trưởng cân nặng và chiều cao
Cán bộ Trạm y tế xã Đạo Trù theo dõi sức khỏe của trẻ qua biểu đồ tăng trưởng cân nặng và chiều cao

Xã Đạo Trù có hơn 87% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Điều kiện cuộc sống nhiều thiếu thốn, nhận thức của người dân còn hạn chế, nên công tác phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em dưới 5 tuổi ở xã trước đây gặp phải không ít khó khăn.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạo Trù Lê Tô Hoàng cho biết: 6 năm trước, tỷ lệ trẻ em SDD ở địa phương khá cao, trong số trẻ em SDD, có đến 98% là trẻ em người dân tộc Sán Dìu.

Để cải thiện tình trạng SDD cho trẻ em trên địa bàn, Trạm Y tế xã phối hợp cùng với đội ngũ y tế thôn, bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức sinh sản, dinh dưỡng cho người dân; mời các bà mẹ có con trong độ tuổi từ 0 - 5 tuổi đến nghe cán bộ phụ trách dinh dưỡng hướng dẫn cách chăm sóc trẻ đúng cách; tổ chức trình diễn các bữa ăn đủ chất dinh dưỡng tại các thôn dân cư; đảm bảo tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đẩy đủ.

Trạm cử cộng tác viên dinh dưỡng hằng tháng theo dõi cân nặng, chiều cao của những trẻ SDD; tổ chức cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi uống Vitamin A mỗi năm 2 lần vào ngày 1/6 và 31/12; đồng thời, giám sát, theo dõi thông tin về các gia đình có bà mẹ mang thai để kịp thời tư vấn tiêm chủng, nắm bắt trình trạng thai nhi, từ đó, có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Cùng với sự nỗ lực của đội ngũ y tế địa phương, UBND xã Đạo Trù cũng triển khai nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ trẻ em SDD.

Chủ tịch UBND xã Đạo Trù Lý Ngọc Một cho biết: Xã tổ chức phun khử trùng môi trường để phòng, chống dịch bệnh có thể gây SDD cho trẻ em; chỉ đạo 2 trường mầm non trên địa bàn quan tâm đầu tư xây dựng bếp ăn đạt tiêu chuẩn, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tính toán khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi và tuyên truyền vận động phụ huynh đóng góp kinh phí để đảm bảo mức ăn cho trẻ tại trường.

Xác định việc nâng cao đời sống của người dân là giải pháp quan trọng để giảm tỷ lệ trẻ em SDD, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây, con có năng suất cao vào sản xuất; đồng thời, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2021, tỷ lệ trẻ em SDD về chiều cao, cận năng của xã giảm xuống còn lần lượt là 10,4 và 9,8%.

Để phòng, chống SDD cho trẻ, nhất là trẻ em DTTS, với vai trò là lực lượng nòng cốt, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn mạng lưới chuyên trách và đào tạo kỹ năng tư vấn, thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống SDD đối với trẻ em dưới 5 tuổi.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho người dân, nhất là đối với phụ nữ người DTTS; phối hợp tổ chức các lớp học truyền thông thực hành dinh dưỡng, trang bị kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ, phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng của trẻ cũng như cách chăm sóc, nuôi dưỡng và nhận biết các dấu hiệu SDD ở trẻ cho bà mẹ đang nuôi con bú, bà mẹ có con SDD và phụ nữ đang mang thai; theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ SDD và có nguy cơ bị SDD; cấp phát viên đa vi chất hỗ trợ bà mẹ mang thai và nuôi con…

Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Phòng Giaso dục và Đào tạo huyện triển khai chăm sóc trẻ ở các trường mầm non. Đến nay, 100% giáo viên được kiểm tra sức khỏe định kỳ và các bếp ăn bán trú đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền cùng đội ngũ y tế, tỷ lệ trẻ em SDD của huyện giảm rõ rệt theo từng năm. Nếu như năm 2015, tỷ lệ trẻ em SDD về cân nặng, chiều cao của huyện lần lượt là 12,7% và 11,4%, thì nay, giảm xuống còn 9,4% và 8,6%.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo Nguyễn Ngọc Cường, hiện nay, tỷ lệ trẻ SDD ở một số xã trên địa bàn huyện vẫn còn cao, tỷ lệ giảm chưa ổn định. Để tiếp tục kéo giảm tỷ lệ trẻ em SDD, nhất là trẻ em DTTS, ngành Y tế huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho người dân, nhất là phụ nữ DTTS. Thực hiện đầy đủ các chương trình dinh dưỡng cho trẻ em theo các đề án của Trung ương, địa phương, ưu tiên cho trẻ em DTTS; tích cực phòng và điều trị các bệnh có thể gây nguy cơ SDD cho trẻ em.

Tuy nhiên, để công tác phòng, chống SDD cho trẻ em DTTS đạt hiệu quả, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.

Tin cùng chuyên mục
Hiểm họa từ rác thải điện tử

Hiểm họa từ rác thải điện tử

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến những tiện ích vượt bậc cho đời sống và sinh hoạt của con người, đồng thời cũng kéo theo hệ lụy về rác thải điện tử. Rác thải điện tử đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người, có nguy cơ cao gây ra những hậu quả khôn lường nếu không có các giải pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý rác thải điện tử.