Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nữ sinh chinh phục 7 trường đại học thế giới

PV - 14:46, 01/07/2021

Cuối năm lớp 11, nữ sinh chuyên Pháp Đoàn Thị Phương Linh bắt đầu "rải" hồ sơ khắp các trường ở Mỹ, Pháp, Australia và hồi hộp chờ kết quả.

Đoàn Thị Phương Linh sẽ lên đường sang Pháp học ngành Tài chính tại trường Kinh doanh Skema danh tiếng vào cuối tháng 8. Ảnh: NVCC
Đoàn Thị Phương Linh sẽ lên đường sang Pháp học ngành Tài chính tại trường Kinh doanh Skema danh tiếng vào cuối tháng 8. Ảnh: NVCC

Cuối tháng 1, Phương Linh, học sinh lớp 12 Pháp, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, nhận kết quả trúng tuyển 7 trường đại học gồm: Kinh doanh Skema (Pháp), Đại học Saginaw Valley State, Augustana College, Đại học Augustana, Đại học North Park (Mỹ), trường Quản trị Quốc tế SP Jain (Australia) và Đại học Kinh tế TP HCM (Việt Nam).

Trong số này, trường Kinh doanh Skema nằm trong top 4 trường kinh doanh danh tiếng của Pháp, top 40 trường kinh doanh tốt nhất châu Âu và thành viên của Conférence des Grandes Ecoles (Hiệp hội các trường lớn).

Sau khi biết kết quả, hàng ngày Linh vẫn đến trường ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 7-8/7. Không còn áp lực nhưng em vẫn cố gắng đạt được điểm cao nhất có thể.

Linh vốn có nền tảng tiếng Anh tốt và ước mơ du học từ những năm cấp hai, nhưng khi ấy chưa đủ động lực lại thiếu định hướng. "Ước muốn đó sẽ dừng lại nếu như không có cơ duyên gặp gỡ những người truyền cảm hứng, thôi thúc em phải hiện thực hóa ý định của mình", Linh kể.

Năm lớp 10, Linh học chuyên Pháp sau khi không đủ điểm vào chuyên Anh. Tham gia các buổi nói chuyện về du học Pháp, Linh gặp cô Hải Anh - đại diện khối trường lớn danh giá của Pháp và sau này được cô cố vấn chính. Xem kênh YouTube về du học, Linh thấy được truyền động lực mạnh mẽ, thổi bùng ý muốn được bước ra khám phá thế giới.

Cuối năm lớp 11, Linh trình bày dự định với bố mẹ và bắt đầu làm hồ sơ. Lúc đầu nghe con nói muốn du học, bố mẹ em e ngại dịch bệnh và lo điều kiện kinh tế không đủ mạnh. "Nhưng nghe em thuyết phục và thấy được sự quyết tâm, bố mẹ em đã đồng ý", nữ sinh kể.

Linh bắt đầu ôn thi SAT, TOEFL, duy trì GPA trên 9.0, giữ học bổng thường xuyên, thi học sinh giỏi tiếng Pháp cấp trường và xin thư giới thiệu. Mọi công việc được Linh sắp xếp và chắt chiu thời gian ôn trên lớp và ở nhà.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, nữ sinh "rải" hồ sơ ở nhiều trường. Mỗi trường lại có yêu cầu về hồ sơ riêng, buộc Linh viết hơn 10 bài luận. Trường ở Pháp yêu cầu ngoài bài luận chính, ứng viên viết một bức thư giải thích lý do học tiếng Pháp và tại sao chọn trường này trong một tờ A4. Để gây ấn tượng, thay vì khen và liệt kê các lý do, Linh kể câu chuyện về bản thân. Từng có kinh nghiệm viết báo ở trường và cộng tác cho nhà xuất bản nên Linh tự tin với kỹ năng viết.

Nếu phần viết luận không quá khó khăn thì phần chuẩn bị phỏng vấn lại khiến Linh đau đầu. Em phải viết ra từng đoạn văn bằng tiếng Anh và tập dượt nhiều lần để tạo phản xạ. Linh nhờ em trai đóng người phỏng vấn, ngồi nghe cô trình bày cả buổi. Em cũng tập cùng cô cố vấn và cải thiện giọng điệu ê a, thiếu thu hút, nội dung câu trả lời và sử dụng ngôn ngữ cơ thể (body language).

Trong các cuộc phỏng vấn, lần gặp đại diện của trường ở Pháp và Australia làm Linh ấn tượng nhất. Sau phần giới thiệu bản thân và quê hương Hải Dương, Linh bắt đầu bối rối khi được hỏi những câu về tình huống và kỹ năng, khác hoàn toàn so với những gì em luyện tập.

"Thầy giáo đã phỏng vấn hàng trăm ứng viên nên khi gặp em thầy có vẻ mệt, thở dài và khuôn mặt chán chường. Để không rơi vào thế bị động, em đặt câu hỏi tương tác với thầy, cố gắng kéo dài cuộc phỏng vấn từ 15 phút lên hơn 20 phút", Linh nhớ lại. Cuối buổi, thấy thầy cười và cởi mở, Linh biết đã thành công trong việc giúp trường hiểu mình hơn.

Trong lần gặp đại diện trường ở Australia, Linh sắp xếp bối cảnh giá sách phía sau với mục đích gây ấn tượng. Khi đang say sưa nói, Linh bị dừng lại và được yêu cầu lấy cuốn sách phía sau để giới thiệu nội dung, tác giả và bài học rút ra.

Nữ sinh "đứng hình" khi thầy chỉ vào cuốn chưa đọc bao giờ. Thay vì bịa ra nội dung, Linh thành thật nói có cuốn hay hơn muốn thầy biết. Em chọn cuốn về tình hình tài chính của phố Wall những năm 2008, vạch trần những gian lận thuế của một công ty và cách đồng nghiệp đối xử với nhau. Thầy phỏng vấn biết tác giả cuốn này và ấn tượng khi Linh đọc một cuốn sách về tài chính.

Những năm cấp ba, Phương Linh (áo trắng đỏ) thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện về du học Pháp và gặp gỡ đại diện của các trường hàng đầu để tìm kiếm cơ hội du học. Ảnh: NVCC
Những năm cấp ba, Phương Linh (áo trắng đỏ) thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện về du học Pháp và gặp gỡ đại diện của các trường hàng đầu để tìm kiếm cơ hội du học. Ảnh: NVCC

Linh lần lượt nhận được kết quả trúng tuyển và giành học bổng của các trường vào đầu tháng 1. Trong 7 trường nộp hồ sơ, Linh thích nhất trường ở Pháp nên khi nhận được thông báo, em bật khóc trong sung sướng.

"Em nộp các trường trong tâm thế vô tư, duy có trường ở Pháp áp lực phải đỗ. Đỗ trường Skema là dấu mốc giúp em gỡ bỏ căng thẳng, bắt đầu phát triển bản thân và ra ngoài vui chơi giải trí", Linh nói.

Cuối tháng 8 tới, Linh sẽ sang Pháp học ngành Tài chính tại trường Kinh doanh Skema. Linh khoe đã tìm được nhà và ở cùng bạn học người Ả rập.

Nhắc đến cô học trò xuất sắc, cô Nguyễn Thị Thắm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Pháp, cho biết Linh học chắc chắn, có chí tiến thủ và quyết tâm theo đuổi mục tiêu đề ra. Em là học sinh nhận được nhiều học bổng từ các trường nhất của chuyên Nguyễn Trãi, phá vỡ kỷ lục của một nam sinh khóa trước.