Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

"Ốc đảo" Hữu Khuông - một cái nhìn lạc quan về tương lai

Thanh Hải - 15:44, 04/09/2024

Trong chuyến công tác mới đây vào “ốc đảo” Hữu Khuông, một xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ của huyện Tương Dương (Nghệ An), chúng tôi sửng sốt trước những trụ cầu bê tông sừng sững như mọc lên giữa mặt hồ xanh biếc. Hỏi chuyện, mới hay, còn nhiều công trình được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng như thế ở vùng đất xa xôi, cách trở này; và hầu hết việc vận chuyển vật tư, thiết bị thi công… qua nhiều chặng đường; bằng thuyền, phà dập dềnh theo sóng nước.

Gian nan đường vào "ốc đảo"

Đến với “ốc đảo” Hữu Khuông có hai cách di chuyển, theo đường bộ qua huyện Kỳ Sơn với quãng đường hơn 180km; hoặc ngồi thuyền máy, rẽ sóng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ chừng 2 giờ đồng hồ. Chúng tôi chọn cách thứ 2 vì gần cả quãng đường, lẫn thời gian di chuyển.

Xã Hữu Khuông ba bề là mênh mang nước. Duy chỉ có núi, rừng thì vẫn tiếp giáp với các xã vùng ngoài như Yên Tĩnh, Yên Hòa. Nhưng rừng, núi thì đâu có đường mà đi. Ông Hà Việt Quân,Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG (Ủy ban Dân tộc) đã thốt lên đầy nghi hoặc, khi cùng chúng tôi lên thuyền máy vào Hữu Khuông: "Không có đường bộ à?!" 

Có lẽ đây là một trong số ít địa phương duy nhất của cả nước, chưa có đường bộ đến trung tâm xã...

Bến thượng lưu bản Vẽ - điểm khởi đầu của thủy trình vào xã Hữu Khuông
Bến thượng lưu bản Vẽ - điểm khởi đầu của thủy trình vào xã Hữu Khuông

Kể từ khi lòng hồ bản Vẽ tích nước phát điện, xóa nhòa đường bộ, thì thủy trình từ bến thượng lưu bản Vẽ vào xã Hữu Khuông, đã trở thành một trong những cung đường quan trọng với đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú nếu muốn thông thương với bên ngoài. Những người lái đò lâu năm ở bến thượng lưu bản Vẽ kể: Ngày trời quang tạnh thì không nói, khi mùa mưa bão, việc di chuyển bằng thuyền rất nguy hiểm. Đã có nhiều vụ lật thuyền, hoặc chạy nửa chừng phải dừng lại để tránh trú mưa gió là chuyện không hiếm.

Tiếng máy nổ phành phạch từ con thuyền có công suất chừng 10CV, rẽ sóng đưa chúng tôi tiến gần hơn vào các bản làng xã “ốc đảo” Hữu Khuông. Cũng phải hơn 2 giờ đồng hồ chòng chành theo con nước, thì Hữu Khuông mới hiện ra sau những vạt đồi đã bị san ủi, nham nhở. Ấy là dấu vết của đại công trình thi công đường bộ từ xã Yên Tĩnh vào xã Hữu Khuông, đi các xã Nhôn Mai, Mai Sơn. Tuyến giao thông này có tổng mức đầu tư gần 430 tỷ đồng, bao gồm đường và 3 cây cầu vượt lòng hồ. 

Ngắm nhìn những trụ cầu thi công dang dở, sừng sững như mọc lên giữa mặt hồ xanh biếc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An Nguyễn Đức An kể: Biện pháp thi công thì gian nan lắm. Phải chờ nước rút, thì mới tổ chức khoan thăm dò và thi công. Còn nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép, cốt pha… đều phải chuyên chở bằng thuyền phà rất vất vả, lại rất tốn kém.

Công trình đường bộ từ xã Yên Tĩnh vào xã Hữu Khuông, đi các xã Nhôn Mai, Mai Sơn sẽ xóa thế bế tắc "chưa có đường giao thông đến trung tâm xã"
Công trình đường bộ từ xã Yên Tĩnh vào xã Hữu Khuông, đi các xã Nhôn Mai, Mai Sơn sẽ xóa thế bế tắc "chưa có đường giao thông đến trung tâm xã"

Ở xã Hữu Khuông, không hiếm những công trình phải chuyên chở nguyên vật liệu, thiết bị thi công bằng thuyền, phà… Qua tổng hợp từ huyện Tương Dương, đang có đến 6 công trình khác, thuộc nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, chịu cảnh khổ như thế. Đó là, xây dựng nhà ở nội trú học sinh, nhà bếp ăn và các hạng mục phụ trợ Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông; Trụ sở UBND xã; công trình nước sinh hoạt tập trung; Khu tái định cư Khe Hộc, bản Huồi Pủng; nhà văn hóa cộng đồng bản Pủng Bón; nhà văn hóa cộng đồng bản Pủng Xàn… với tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Tương Dương chia sẻ: Các đơn vị đều rất vất vả trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị thi công công trình. Tổng mức đầu tư các dự án, cũng vì thế mà đội vốn thêm.

Kỳ vọng từ những dự án

“Ốc đảo” Hữu Khuông khốn khó trăm bề. Không phải là xã biên giới, nhưng Hữu Khuông cách xa trung tâm huyện tới 180km theo đường bộ. Giao thông cách trở, thành ra sản xuất ở Hữu Khuông mang nặng tự cung tự cấp. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 76%. Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông Lô Văn Giáp nói như thanh minh: Lúa nước hơn 25ha, lúa rẫy hơn 30ha… nên chỉ đủ ăn. Thu nhập chủ yếu của người dân là 240ha sắn nhưng làm ra rất khó bán, và bán cũng giá rất thấp vì chi phí vận chuyển cả đường bộ và đường thủy đều rất vất vả, tốn kém.

Những trụ cầu nằm trong gói thầu xây dựng đường vào các xã vùng lòng hồ đang gấp rút được thi công
Những trụ cầu xây dựng đường vào các xã vùng lòng hồ đang gấp rút được thi công

Rồi cũng chính lời ông Giáp kể khổ thêm: Cả xã có 7 bản, nhưng vì địa bàn ở quá xa, lại chia cắt nên mỗi bản có 1 điểm trường mầm non. Còn bậc tiểu học thì rút lại, nhưng cũng còn 4 điểm.

Kể từ khi dự án mở đường bộ từ xã Yên Tĩnh vào xã Hữu Khuông, đi các xã Nhôn Mai, Mai Sơn, bao người dân ở Hữu Khuông đã mừng vui khôn xiết. Trưởng bản Huồi Pủng xã Hữu Khuông Lữ Văn Núi hồ hởi: Các dự án được đầu tư ở địa phương, nhất là dự án xây dựng đường bộ vào xã Hữu Khuông, đi các xã Nhôn Mai, Mai Sơn sẽ xóa thế bế tắc “chưa có đường bộ đến trung tâm xã”. Người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc thông thương, đi lại làm ăn và sinh sống.

Nhà ở nội trú học sinh, nhà bếp ăn và các hạng mục phụ trợ Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông cũng đã được khởi công
Nhà ở nội trú học sinh, nhà bếp ăn và các hạng mục phụ trợ Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông cũng đã được khởi công

Mang niềm vui không kém là những thầy cô cắm bản “gieo chữ” ở Hữu Khuông. Bởi con đường từ nhà vào trường với thủy trình hơn 2 giờ ngồi thuyền, sắp sửa chấm dứt. Và thầy cô bám bản nơi “ốc đảo” Hữu Khuông cũng không còn cảnh đầu tuần dắt díu lên thuyền, cuối tuần lại hối hả ngược ra để về nhà. Nếu gặp bữa mưa to, gió lớn thì đành chịu.

Thầy Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông tâm sự: Nhà trường rất vui khi có dự án xây dựng nhà ở nội trú học sinh, nhà bếp ăn và các hạng mục phụ trợ đang được thi công. Khi đưa vào sử dụng, sẽ giúp học sinh, giáo viên vơi bớt khó khăn khi phải ở trong những dãy nhà thấp, xập xệ. Còn khi tuyến đường giao thông vào các xã vùng lòng hồ hoàn thành, giáo viên có thể chủ động đi về, đảm bảo an toàn hơn so với đi bằng thuyền máy.

Hữu Khuông sẽ khác. Cứ nhìn vào những công trình đang được những người thợ hối hả dựng xây thì đã rõ. Hôm chia tay Hữu Khuông, chúng tôi đã cưỡi xe máy, chạy trên những cung đường đất, mà chỉ nay mai thôi, sẽ nối liền các xã vùng ngoài là Yên Tĩnh, Yên Hòa… với các xã vùng xa hơn là Nhôn Mai, Mai Sơn. Cung đường đất ấy vắt qua nhiều dãy núi, được kết nối với những cây cầu, nay đã hoàn thiện xong phần trụ móng. Nói thế để thấy, thế biệt lập, cách trở của vùng đất cũng sớm sẽ bị xóa bỏ mà thôi.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.