Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Xa ngái… Cà Moong

An Yên - 14:27, 22/08/2024

Quả là không quá lời khi nói rằng, để đến với bản Cà Moong của người Khơ Mú ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) phải qua “chín suối mười đèo”. Hành trình non 20km từ trung tâm xã về bản, là nham nhở những vết tích còn sót lại của dự án mở đường hơn 10 năm trước, dường như cũng đã bị lãng quên theo giấc mơ miên trường của người dân ở Cà Moong.

Bản Cà Moong nhìn từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ
Bản Cà Moong nhìn từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

Khốn khổ một vùng đất

Chiếc xe máy chở chúng tôi lúc trồi lên, hụp xuống. Cứ thế, đường vào bản Cà Moong phập phồng theo bánh xe, một bên núi, một bên sông. Có đoạn, tôi phải cuốc bộ, còn người đồng hành cưỡi xe máy cài số 1, rồ ga vượt những quãng dốc lổn nhổn đá to bằng nắm tay.

Đi được chừng mươi km, cả một quãng đồi sụt xuống, nước chảy thành dọc, bào mòn mặt đường thành những rãnh sâu… Vậy là kẻ dắt, người đẩy; chúng tôi cùng hè nhau như khiêng xe qua.

“Ấy là ngày nắng ráo, còn mưa xuống thì đành chịu. Chúng tôi là dân ở đây, quen với núi rừng, nhưng đi bộ ở quãng nãy cũng chẳng dám, vì đất sạt lở cùng với nước chảy từ trên núi xuống như thác”, một người đi rừng nhìn chúng tôi ái ngại.

Và rồi, bản Cà Moong hiện ra sau chặng đường chẳng thể tả đủ bằng lời. Giao thông cách trở, thành ra bản làng như một vùng biệt lập trong thời hiện đại. Ba bề bao quanh bản là lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, mênh mang nước.

Dự án thi công đường vào bản Cà Moong giờ ngập đầy cỏ dại
Dự án thi công đường vào bản Cà Moong giờ ngập đầy cỏ dại

Bí thư Chi bộ bản Cà Moong- Moong Văn Tình trần tình: Chưa có vùng đất nào khổ như ở đây. Cứ sau mỗi trận mưa lớn, đất đá từ trên núi tràn xuống, khiến cho con đường mòn gồ ghề vào bản bị tắc cứng. Mưa lũ xói mòn nhiều năm, khiến cho con đường rất khó đi. Vì thế mà bản tôi, gần như quên luôn con đường này, chỉ thông thương với bên ngoài bằng đường thủy trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Hỏi chuyện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thì được biết, bản có đến 74% là hộ nghèo. Cuộc sống của bà con dựa vào làm rẫy, trồng ngô, sắn, chăn nuôi gia súc… nhưng mang nặng tự cung tự cấp. “Giá nông sản các loại gần như rất rẻ, có lúc rẻ đến gần một nửa, do quãng đường vận chuyển quá xa, lại phải đi thuyền bè rất bất tiện”, người dân bản Cà Moong than thở.

Tại bản Cà Moong có điểm trường PTDTBT tiểu học Lượng Minh, nhưng chỉ có hai khối lớp 1 và 2. Từ lớp 3, lũ trẻ đã phải ngồi thuyền máy, rẽ sóng lòng hồ Bản Vẽ chừng 50 phút ra điểm chính ở trung tâm xã để theo học con chữ trong bao nỗi bất an, nguy hiểm.

... và rất khó đi, nhất là mỗi khi mưa lũ
... và rất khó đi, nhất là mỗi khi mưa lũ

Về lịch sử của bản Cà Moong, những người già kể rằng, bản Cà Moong vốn thuộc xã Kim Đa (xã cũ thuộc huyện Tương Dương, nay không còn). Sau khi Thủy điện Bản Vẽ được xây dựng, xã này đã bị xóa sổ hoàn toàn. Bản cũ Cà Moong cũng dần chìm dưới lòng hồ thủy điện, tuyến đường bộ dẫn vào bản cũng bị ngập nước. Không muốn tái định cư xuống huyện Thanh Chương, người dân Cà Moong đã ở di vén lên vùng đất cao hơn, rồi được nhập vào xã Lượng Minh. Thế nhưng, địa điểm mới này lại bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Giấc mơ dang dở

Để người dân Khơ Mú ở Cà Moong đi lại thuận tiện hơn, năm 2011, huyện Tương Dương đã khởi công xây dựng tuyến đường từ bản Côi đi Cà Moong. Tuyến đường dài hơn 18km, với tổng kinh phí khoảng 195 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; do UBND huyện Tương Dương làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành trong vòng 30 tháng.

Nhưng, sau một thời gian ngắn thi công, với số tiền giải ngân hơn 72 tỷ đồng thì hết vốn và công trình đã phải dừng lại. Đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành xong hạng mục nền đường và một số công trình trên tuyến, các hạng mục còn lại như mặt đường, cống, hệ thống an toàn giao thông… chưa thi công. Do không bố trí được vốn, năm 2021, UBND huyện Tương Dương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và Sở KH&ĐT Nghệ An xem xét cho dừng thực hiện dự án.

Xuất phát từ bến thượng lưu lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hải trình vào bản Cà Moong non 1 giờ ngồi thuyền máy
Xuất phát từ bến thượng lưu lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hải trình vào bản Cà Moong non 1 giờ ngồi thuyền máy

Những người già ở Cà Moong thở dài: Thời điểm công nhân về làm đường, dân bản chúng tôi phấn khởi lắm. Nhưng sau bao nhiêu năm chờ đợi mà đường vẫn chẳng thấy đâu. Chúng tôi cứ ước làm sao sớm có con đường, thì dù có nhắm mắt cũng mãn nguyện lắm rồi.

Chủ tịch UBND xã Lượng Minh Vi Đình Phúc bộc bạch: Chúng tôi thấy lãng phí vì đã có hàng chục tỷ đồng đầu tư, nhưng chưa phát huy hiệu quả. Xã thì rất đau đầu vì cuộc họp nào dân cũng có ý kiến. Nhưng chúng tôi chỉ biết kiến nghị lên huyện, lên tỉnh bố trí tiếp nguồn vốn để thi công. Địa phương mong muốn nếu không có kinh phí để thi công đường, thì cho cải tạo lại nền đường đất để người dân có thể chạy xe máy, chủ động hơn trong sinh hoạt, nhưng đến nay vẫn chưa thể bố trí được kinh phí.

Rồi vị chủ trì địa phương vắn tắt rằng, khốn khổ và khó khăn nhất ở Cà Moong vẫn là đường giao thông. Vì lẽ này mà vùng đất này gần như biệt lập, khổ sở vô cùng.

Rời Cà Moong, người tôi như rã rời. Càng buồn bã hơn khi không biết kết cục số phận con đường vào bản Cà Moong có được tiếp tục đầu tư, sửa chữa hay không. Những vết tích nham nhở còn sót lại của dự án mở đường hơn 10 năm trước, dường như cũng đã bị lãng quên theo giấc mơ miên trường của người dân Cà Moong./.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.