Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Ổn định dân cư để phát triển bền vững: Tập trung giải quyết sinh kế (Bài 3)

Tùng Nguyên - 17:01, 13/12/2023

Cùng với triển khai các dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đây là giải pháp để hạn chế tình trạng di cư tự phát (DCTP), thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Các tỉnh Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả trong bố trí đất ở, đất sản xuất với hạn mức phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. (Ảnh minh họa)
Các tỉnh Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả trong bố trí đất ở, đất sản xuất với hạn mức phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. (Ảnh minh họa)

Ưu tiên định canh tại chỗ

Một trong những nội dung quan trọng được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện trong quá trình sắp xếp, ổn định dân cư là bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ DCTP. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 22/NQ-CP và triển khai Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 590/QĐ-TTg tổ chức ngày 28/11/2022, hiện các hộ dân DCTP thuộc các dự án được bố trí vào các điểm dân cư theo quy hoạch, được bố trí đất ở, đất sản xuất với hạn mức phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Đơn cử, tỉnh Đăk Nông đã bố trí 541,84 ha cho 1.078 hộ dân DCTP (bình quân đất ở: 400m2/hộ, đất sản xuất: 1,0 ha/hộ); tỉnh Đăk Lăk đã bố trí 674,45 ha cho 2.604 hộ (bình quân đất ở 400m2/hộ, đất sản xuất khoảng 2.300 m2/hộ); tỉnh Gia Lai giao đất ở bình quân từ 400 - 600 m2/hộ, tỉnh Lâm Đồng đã giao 460 ha đất ở cho 1.152 hộ (bình quân 400 m2/hộ); tỉnh Sơn La giao đất ở bình quân là 362 m2/hộ; tỉnh Điện Biên giao đất ở bình quân từ 400-600m2/hộ, đất sản xuất bình quân từ 1,2 - 2,0 ha/hộ;…

Từ năm 2022, các địa phương đã quyết liệt triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG, các địa phương đã lồng ghép với các dự án khác để thực hiện sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, đồng thời thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho các hộ DCTP đã được bố trí ổn định nơi ở.

Mặc dù đã rất nỗ lực của các cấp, các ngành những số lượng hộ cần đươc bố trí ổn định dân cư vẫn còn nhiều. (Trong ảnh: Một điểm dân cư DCTD tại xã Đắk Nuê, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk)
Mặc dù đã rất nỗ lực của các cấp, các ngành nhưng số lượng hộ cần đươc bố trí ổn định dân cư vẫn còn nhiều. (Trong ảnh: Một điểm dân cư DCTP tại xã Đắk Nuê, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk)

Đối với Bộ NN&PTNT, trong năm 2020, 2021 cũng đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại một số tỉnh có dân di cư tự do đến, như: Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Điện Biên, Hà Giang, … Đồng thời, triển khai 20 dự án khuyến nông tại các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Cà Mau…; Các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, đang được nhân rộng.

Các địa phương cũng đã tích cực triển khai đăng ký hộ khẩu cho các hộ DCTP, tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, con em họ được đến trường. Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, tổng số dân DCTP đã được cấp hộ khẩu là 48.096 hộ (tỉnh Đăk Nông có 30.842 hộ, tỉnh Đăk Lăk: 4.763 hộ, ....) và đăng ký tạm trú là 1.865 hộ. 

Đặc biệt, một số tỉnh đã hoàn thành việc nhập hộ khẩu cho 100% số hộ dân DCTP trên địa bàn, như: Lai Châu có 424 hộ, Kon Tum có 7.234 hộ, Gia Lai có 1.142 hộ, Bình Thuận có 310 hộ,… Theo đánh giá của các địa phương, hiện đời sống của người dân DCTD ngày càng được cải thiện, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tăng cường đào tạo nghề

Cùng với hỗ trợ đất sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế, công tác đào tạo nghề tiếp tục được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, trong đó tập trung thực hiện cho các tỉnh có dân DCTP thuộc khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. 

Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2021, tổng số lao động nông thôn vùng Tây Bắc và Tây Nguyên (bao gồm lao động thuộc các hộ DCTP) được đào tạo nghề nông nghiệp khoảng 42.653 lượt người (Tây Bắc: 32.217 lượt người, Tây Nguyên: 10.436 lượt người), trong đó, số lao động có việc làm sau khi được đào tạo là 19.938 người, đạt 47% tổng số lao động được đào tạo.

Năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên đào tạo nghề 10.436 lượt người. (Trong ảnh: Lao động học nghề xây dựng tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk).
Năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên đào tạo nghề 10.436 lượt người. (Trong ảnh: Lao động học nghề xây dựng tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk).

Riêng tại tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 700 học viên là đồng bào DCTP trên địa bàn các huyện (Ea Súp, M’Drắk, Krông Bông, Krông Năng, Cư M’gar, Krông Pắc), với nhiều nghề khác nhau, như: trồng và chăm sóc cây cà phê, điều; nấm, ...; chăn nuôn lợn, gà, trâu, bò,… Các nghề được đào tạo phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của từng vùng và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tại các vùng dự án bố trí ổn định dân DCTP, người dân chủ yếu làm sản xuất nông nghiệp, chưa phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (có lao động DCTD) đã có những tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các hộ dân DCTP, trong việc học nghề, từ đó chuyển đổi phương thức canh tác theo thói quen, truyền thống sang sản xuất nông nghiệp có kỹ năng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập và từng bước ổn định cuộc sống.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác sắp xếp, bố trí ổn định dân cư vẫn còn nhiều khó khăn khi mà số lượng hộ dân chưa được bố trí ổn định còn nhiều; tình hình DCTP vẫn tiềm ẩn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết giải pháp trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/6/2023, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã triển khai để hỗ trợ đồng bào DCTD. (Trong ảnh: Nhân rộng mô hình trồng lúa nước ở Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng)
Nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã triển khai để hỗ trợ đồng bào DCTP. (Trong ảnh: Nhân rộng mô hình trồng lúa nước ở Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng)

Trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, có nhiều nguyên nhân đồng bào di cư không theo kế hoạch, trong đó có nguyên nhân là di cư theo người thân; hoặc do nơi người dân đang ở có thiên tai, bão lũ, địch họa, người dân không an lòng và chủ động đi tìm nơi ổn định hơn; cũng có trường hợp DCTP vì bị lôi kéo, dụ dỗ, dù điều kiện nơi ở đã được bảo đảm...

Trước thực tế này, cùng với thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thì giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con. Tất cả công dân đều có quyền cư trú ở bất cứ đâu theo Luật Cư trú, nhưng trách nhiệm của chính quyền các cấp là phổ biến tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu rõ, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước. 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2020, một số địa phương vùng đồng bào DTTS (như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắc Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Cà Mau, ...) đã chủ động bố trí nguồn lực thực hiện công tác đào tạo nghề cho hơn 67 nghìn lượt lao động nông thôn; trong đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho các hộ DCTP nhằm giúp người dân có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và ổn định cuộc sống lâu dài.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Liên Sơn ngày mới

Liên Sơn ngày mới

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) được triển khai tại tỉnh Ninh Thuận đã tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc Raglay ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm đồng hành cùng người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng khó khăn.