Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phát huy nội lực của người dân trong công tác giảm nghèo: Nhìn từ Lào Cai

Trọng Bảo - 11:25, 02/05/2021

Trong giai đoạn 2016 - 2020, cùng với các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã chủ động ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù về giảm nghèo bền vững. Với phương châm giảm thiểu việc cho không, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, công tác giảm nghèo của tỉnh đã và đang đi vào thực chất. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác của người dân trong việc nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai chủ động chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai chủ động chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Xã Nậm Lúc là một trong những địa phương vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện Bắc Hà (Lào Cai). Nhờ phát huy hiệu quả các chương trình, dự án được Nhà nước đầu tư cùng sự nỗ lực của người dân, kinh tế trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đạt 36,8 tỷ đồng, tăng 5,7 tỷ so với năm 2019, riêng cây quế thu 24,1 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng so với năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã hằng năm đều giảm hơn 10%. Năm 2020, có 9 hộ ở 4 thôn Nậm Kha 2, Thải Giàng, Nậm Lầy, Nậm Tông xin ra khỏi hộ nghèo.

Gia đình anh Phàn Văn Hùng ở thôn Nậm Kha 2 thuộc diện hộ nghèo của xã Nậm Lúc. Nhiều năm qua, gia đình anh được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo. Tuy nhiên, đầu năm 2021, với suy nghĩ hai vợ chồng còn trẻ, thì phải nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, anh đã bàn với vợ tự nguyện xin thoát nghèo.

“Gia đình đã được hưởng chính sách hộ nghèo nhiều năm rồi. Giờ kinh tế khá hơn, nên gia đình tôi xin ra khỏi diện hộ nghèo đề nhường các chính sách hỗ trợ cho các hộ còn khó khăn hơn”, anh Hùng tâm sự.

Trưởng thôn Nậm Kha 2, Trương Văn Tim cho biết: Năm 2020, thôn được giao chỉ tiêu giảm 10 hộ nghèo, trong tổng số 29 hộ. Đây là mục tiêu hết sức khó khăn, bởi một số hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; một số hộ thì thực sự khó khăn, bởi chưa có mô hình sản xuất cho thu nhập ổn định. Khi thôn tổ chức họp để bình xét hộ thoát nghèo, rà soát mãi chỉ được 8 hộ; tuy nhiên, sau đó có thêm 6 hộ tự nguyện xin thoát nghèo, vậy là thôn đã vượt chỉ tiêu giảm hộ nghèo được giao.

Trước đó, cuối năm 2017 và năm 2018 tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (khi đó là huyện Sa Pa) có hơn 100 hộ dân cũng đã tình nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Điều quan trọng hơn là, các hộ dân sau khi viết đơn ra khỏi hộ nghèo, bằng nghị lực và cố gắng của mình thì hầu hết đã thoát nghèo thành công.

Những ví dụ trên cho thấy, công tác giảm nghèo của tỉnh Lào Cai đã và đang đi vào thực chất với quan điểm “cho cần câu không cho con cá”, giảm thiểu việc cho không, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác của người dân trong việc nỗ lực sản xuất, nâng cao thu nhập.

Mô hình nuôi ngan lai mang lại hiệu quả kinh tế cao của một hộ dân ở huyện Văn Bàn (Lào Cai).
Mô hình nuôi ngan lai mang lại hiệu quả kinh tế cao của một hộ dân ở huyện Văn Bàn (Lào Cai).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Lào Cai đã chủ động ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù. Cụ thể, Nghị quyết số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020; Nghị quyết số 20 ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên; Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh ngày 10/7/2019 về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019 - 2025; Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh về quy định mức chi đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai…

Tổng vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tại Lào Cai đạt trên 3.000 tỷ đồng. Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 5,22%/năm, đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2%.

Mới đây, khi làm việc với tỉnh Lào Cai về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá rất cao cách làm sáng tạo của địa phương trong công tác giảm nghèo.

“Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới, với các tiêu chí cao hơn, đồng nghĩa với tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ tăng lên. Giai đoạn này sẽ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực quan trọng này sẽ giúp cho tỉnh thực hiện hiệu quả công cuộc giảm nghèo. Đặc biệt, với sự chủ động, phát huy cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo thời gian qua, chắc chắn tỉnh Lào Cai sẽ đạt được kết quả toàn diện, cao hơn”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) ở các huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 ở Quảng Nam còn tương đối chậm. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan rà soát, báo cáo để có hướng chỉ đạo triển khai trong thời gian tới.