Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Phòng chống bệnh dại do vật nuôi cắn: Quan trọng là thay đổi thói quen

Hà Văn Đạo - 09:33, 24/02/2020

Những năm qua, người dân tử vong thương tâm vì bệnh dại vẫn xảy ra thường xuyên ở nhiều buôn làng vùng sâu ở Tây Nguyên. Vậy nhưng, người dân vẫn chủ quan, không chú trọng nuôi nhốt, tiêm phòng vật nuôi.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó nuôi trên địa bàn
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó nuôi trên địa bàn

Theo đánh giá của ngành Thú y Gia Lai, việc phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng là rất quan trọng. Làm tốt điều này sẽ giảm rủi ro. Tuy nhiên, do phần lớn khu vực vùng sâu, vùng DTTS chưa ý thức cao việc thực hiện các hướng dẫn của cán thú y cùng Người có uy tín trong khu dân cư, nên thương vong vẫn thường xuyên xảy ra. 

Thống kê cho thấy, riêng trong năm 2019, Gia Lai có gần 10 người tử vong vì bệnh dại, Đăk Lăk 3 trường hợp và Kon Tum 1 trường hợp. Nhiều hộ dân ở Chư Sê (Gia Lai) cho biết: Sau khi có người chết vì bị chó cắn, người dân mới dần nhận ra sự cần thiết của việc tiêm phòng vật nuôi chứ trước đây nuôi thả tràn lan. 

Đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Gia Lai cho thấy: Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ tử vong vì bệnh dại cao nhất khu vực Tây Nguyên. Tỉnh hiện có khoảng gần 200.000 chó nuôi tại gia đình. Ngành Thú y đã phối hợp với nhiều cơ quan để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, cùng với đó là tăng cường vận động người dân thay đổi nhận thức. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, cố gắng trong năm 2020 này, toàn bộ các vật nuôi đều được tiêm phòng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống. 

 Tại Đăk Lăk, Kon Tum, việc thực hiện phòng dịch bệnh từ vật nuôi vẫn bị nhiều người dân lơ là. Nhiều hộ dân ở xã Hòa An, huyện Krông Pắc (Đăk Lăk) vô tư cho rằng: Vật nuôi thuần dưỡng trong nhà nên ít khi bị bệnh dại, vậy nên có nhà tiêm, nhà không. Đầu năm 2020, ông Nguyễn Miến (52 tuổi, ở thôn 3, xã Hòa An, huyện Krông Pắc) sau khi bị chó nuôi trong khu dân cư cắn nhiều ngày mà vẫn không đi chích ngừa nên đã phát bệnh ngày 1/1 và ngày 2/1 thì tử vong. 

Theo người nhà của ông Miến, trước khi phát bệnh, ông có triệu chứng mệt mỏi, đau khắp người, nuốt nghẹn, sặc, sốt cao, đau đầu. Sau khi được chuyển đến bệnh viện thì kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân đã dương tính với virus bệnh dại. Bệnh đã ở giai đoạn nặng, không thể cứu chữa. 

Ông Lê Thông, xã Hòa An cho hay: Sau cái chết của ông Miến, mấy ngày nay việc tuyên truyền được thực hiện tích cực hơn. Đến nay người dân mới thực sự thấy cần phải tiêm phòng tất cả vật nuôi. 

Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đánh giá: Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở các tỉnh Tây Nguyên đạt rất thấp. Ngành Thú ý có tăng cường vận động, nhưng số đông người DTTS đến lịch hẹn lại không đưa vật nuôi đến tiêm. Thậm chí cán bộ tiêm phòng đến tận nhà nhiều lần mới hợp tác. 

Theo các chuyên gia y tế: Sau khi xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn, virus dại sẽ theo dây thần kinh lên não rất nhanh. Từ đó gây tổn thương thần kinh trung ương. Thông thường virus dại xâm nhập vào cơ thể từ các vết cắn ở mặt nhanh hơn với các vị trí khác như chân, tay.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo khi bị vật nuôi cắn cần đi tiêm phòng ngay. Nếu có các triệu chứng đau hoặc ngứa ở vết cắn; sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2 - 4 ngày; sợ nước, ở giai đoạn sau chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng… thì đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám, điều trị.

Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở các tỉnh Tây Nguyên đạt rất thấp. Ngành Thú y có tăng cường vận động, nhưng số đông người DTTS đến lịch hẹn lại không đưa vật nuôi đến tiêm. Thậm chí cán bộ tiêm phòng đến tận nhà nhiều lần mới hợp tác.


Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.