Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Phù Mỹ (Bình Định): Doanh nghiệp phá sạch rừng phòng hộ - Trách nhiệm thuộc về ai?

L.Phương - H.Đại - 19:01, 28/09/2021

Thời gian qua, người dân xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (Bình Định), phản ánh tới chính quyền địa phương cùng cơ quan báo chí về việc khu rừng phòng hộ ven biển ở địa phương này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đặc biệt, thời gian gần đây, dự án điện mặt trời ngang nhiên xâm lấn, san ủi nhiều diện tích rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý, bảo vệ.

Diện tích rừng phòng hộ ven biển bị doanh nghiệp phá trắng
Diện tích rừng phòng hộ ven biển bị doanh nghiệp phá trắng

Hơn 5ha rừng “bốc hơi” vì nhầm lẫn?

Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Phù Mỹ 3, do Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch làm chủ đầu tư, được tỉnh Bình Định giao đất để triển khai xây dựng nhà máy tại Mỹ An, có diện tích đất sử dụng là 56ha. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện trên diện tích 13ha; giai đoạn 2 thực hiện trên diện tích 43ha. Sau khi cơ quan chức năng cắm mốc xác định ranh giới và giao đất, chủ đầu tư thi công nhà máy và xây dựng tường rào bao quanh.

Trong quá trình thi công, doanh nghiệp này đã tự ý phá trắng hơn 5ha rừng phòng hộ ven biển, nằm ngoài khu vực Dự án. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại báo cáo, là do người dân địa phương di dời mốc chỉ giới, nên các nhà thầu thi công từng công đoạn của dự án không xác định được mốc tọa độ đã giao, dẫn đến việc chặt phá cây, san ủi “nhầm” phần đất bên ngoài Dự án. Người dân xã Mỹ An khẳng định, chủ đầu tư cố tình cho phá diện tích rừng phòng hộ trên, chứ không phải nhầm lẫn. Báo cáo của doanh nghiệp khiến dư luận rất bức xúc.

Theo phản ánh của một hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng trồng phi lao phòng hộ ven biển, thuộc thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, vụ phá rừng này được phát hiện vào 2 đêm: 6 và 7/8, người dân đã trực tiếp báo cáo lên cơ quan chức năng, nhưng việc xử lý rất chậm trễ và không thỏa đáng.

Anh Trần Thanh Bình và vợ là chị Nguyễn Thúy Hằng (hộ được ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng) cho biết: “Trước đây, khu vực này là bãi cát trắng, mỗi khi có gió lớn, cát bay mù mịt, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Trong 2 năm 2006 - 2007, vợ chồng tôi đã trồng hơn 125.000 cây keo ở khu vực này để chắn gió. Đến năm 2010, Nhà nước thực hiện chương trình trồng cây phi lao chắn gió xen kẽ với cây keo và gia đình tôi được giao khoán, bảo vệ gần 34ha rừng phòng hộ tại đây”.

Cũng theo anh Bình, vào tháng 2/2021, Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch, đã tự ý phá trắng 6ha rừng, không thông báo cho chủ hộ nhận khoán bảo vệ. Đến ngày 6/8, Công ty tiếp tục đưa máy móc, thiết bị phá thêm 5,2ha nữa. Sau khi phát hiện vụ việc, anh Bình đã trực tiếp báo cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ. Nhưng ông Bùi Long Thăng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ lại trả lời do ngày chủ nhật, nên không có người xử lý.

Anh Bình cho rằng, việc chậm trễ trên là để Công ty phi tang các gốc cây bị đốn hạ. Vì đến tối ngày 12/8, Công ty đã tập trung tất cả các gốc cây lại để đốt. Ngoài ra, anh Bình cũng phản ánh, trong số những cây rừng bị đốn hạ, có một số lượng lớn cây keo được vợ chồng anh trồng từ năm 2006, nhưng Công ty tự ý cho người mang đi nơi khác, mà không đền bù cho anh.

Ghi nhận hiện trường, từ đường ven biển ĐT 639, đi sâu vào trong rừng phi lao khoảng 500m thì không thấy còn cây nào. Rừng phi lao bạt ngàn ngày nào, giờ chỉ còn là những bãi cát trống. Hầu hết thân cây gỗ bị chặt đã được vận chuyển đi nơi khác, cành lá cây đã được đốt dọn sạch sẽ.

Theo người dân địa phương, cánh rừng phòng hộ ven biển này có chức năng chắn gió, chắn cát. Đặc biệt, nó như bức tường thành che chắn bão tố cho người dân hàng chục năm nay, vậy mà giờ bị phá tan hoang. Điều đáng nói là, cả cánh rừng dương mênh mông bị triệt hạ, mà cả chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và chính quyền địa phương là UBND xã Mỹ An, không hề hay biết, không ngăn chặn. 

Càng ngạc nhiên hơn, khi doanh nghiệp huy động hàng chục công nhân cùng nhiều phương tiện máy móc để phá rừng, mà vẫn “qua mắt” được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Nếu người dân không phát hiện, báo cáo, thì không biết đến nay còn bao nhiêu diện tích rừng bị xâm lấn nữa !?

Phương tiện, máy móc doanh nghiệp dùng để phá rừng
Phương tiện, máy móc doanh nghiệp dùng để phá rừng

Phá rừng phòng hộ nhưng chỉ xử lý hành chính?

Từ thực tế, có thể khẳng định sai phạm của doanh nghiệp đã khá rõ ràng. Điều khiến dư luận quan tâm, là vì sao huyện Phù Mỹ lại đề xuất chỉ xử lý hành chính, với mức phạt 60 - 150 triệu đồng? Cụ thể, tại cuộc họp ngày 16/9, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ thống nhất, kiến nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét, xử phạt hành chính Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch 60 - 150 triệu đồng, do đã lấn hơn 5,2ha đất rừng để xây dựng Dự án Nhà máy Điện mặt trời. Yêu cầu, doanh nghiệp trả lại 5,2ha đất rừng đã lấn chiếm để giao lại địa phương quản lý theo thẩm quyền; đồng thời thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định.

Một vấn đề bất thường nữa, là diện tích rừng bị chặt phá nói trên là rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, trong báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ gửi UBND tỉnh Bình Định chỉ nhắc đến hành vi “lấn chiếm đất”, không nhắc đến việc chặt phá rừng phòng hộ. 

Báo cáo này khiến nhiều người dân xã Mỹ An bất ngờ, bức xúc vì không làm rõ hành vi phá rừng phòng hộ của doanh nghiệp. Ngoài ra, trong báo cáo không có thủ trưởng Công an huyện Phù Mỹ tham dự để nêu ý kiến, quan điểm về xử lý vụ việc, mà chỉ có lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, Phòng Tư pháp, Hạt Kiểm lâm cũng khiến nhiều người nghi ngờ về sự bất thường.

Nhận được báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có ý kiến giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét nội dung kiến nghị của UBND huyện Phù Mỹ về vụ việc chặt phá rừng nêu trên, báo cáo đề xuất hướng xử lý cho UBND tỉnh Bình Định. 

Dư luận đang trông chờ vào quyết định xử lý nghiêm minh của UBND tỉnh Bình Định đối với hành vi phá rừng phòng hộ của Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch.