Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Phú Yên: Đảm bảo đủ nhà ở, đất sản xuất cho bà con vùng DTTS

Minh Thu - 08:29, 22/12/2023

Vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Phú Yên bao gồm 3 huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Đây là nơi sinh sống của 32 DTTS, trong đó chủ yếu là dân tộc Ê Đê, Ba Na và Chăm. Nhờ thực hiện kịp thời, đồng bộ các chương trình, chính sách dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn đã và đang có những đổi thay tích cực.

Người dân xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân được hỗ trợ xây nhà từ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở. Ảnh: Ngô Xuân
Người dân xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân được hỗ trợ xây nhà từ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở. Ảnh: Ngô Xuân

Đồng Xuân là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Phú Yên, chủ yếu nơi đây có đồng bào Chăm và Ba Na sinh sống. Năm 2023, huyện Đồng Xuân được phân bổ khoảng 68,4 tỉ đồng (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 chuyển tiếp sang) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719). Trong năm 2021-2023, huyện triển khai 10 dự án với 12 tiểu dự án thành phần để góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS.

Trong hai năm 2022 - 2023, huyện Đồng Xuân đã thực hiện Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS.

Gia đình ông La O Bảy, xã Phú Mỡ đã từng phải sống trong ngôi nhà dột nát, xiêu vẹo nhiều năm nay. Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình ông đã có ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, đây là động lực để gia đình ông yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế hướng tới cuộc sống ấm no hơn.

Chính quyền địa phương khảo sát việc xây dựng nhà ở của một hộ nghèo ở xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa.
Chính quyền địa phương khảo sát việc xây dựng nhà ở của một hộ nghèo ở xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con trên địa bàn huyện, địa phương đã đưa vào sử dụng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung cho hơn 360 hộ dân. Cùng với đó, 119 hộ dân trên địa bàn huyện cũng được cung cấp đất sản xuất, mua sắm nông cụ, máy móc để có thêm nguồn thu, cải thiện đời sống.

Chị So Thị Tâm, thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân cũng thuộc gia đình khó khăn của thôn, thu nhập gia đình vô cùng bấp bênh. Nay được chính quyền địa phương hỗ trợ đất sản xuất, gia đình chị Tâm vay thêm vốn để mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ cho rẫy keo của gia đình. Ngoài ra, gia đình chị cũng có thêm thu nhập từ việc làm thêm dịch vụ nông nghiệp cho bà con trong vùng.

Tại Sơn Hòa, người dân trong huyện chủ yếu làm nông với nghề trồng mía kết hợp chăn nuôi bò. Tuy nhiên, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn do thói quen canh tác lạc hậu, chưa có nhiều kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên hiệu quả kém. Những năm qua, nhờ nguồn vốn xóa nhà tạm, nước sạch từ Chương trình MTQG 1719, huyện Sơn Hòa đã giải quyết nhà tạm, nước sạch cho 203 hộ đồng bào DTTS.

Lấy nhau từ năm 2015, nhưng gia đình anh Nay Y Thoen và chị Rơ Chăm H Runh, xã Ea Chà Rang vẫn sống trong căn nhà lợp mái tôn và vách nứa rộng 5 mét và dài khoảng 15 mét. Nay gia đình anh chị đã tăng lên 3 nhân khẩu, căn nhà nhỏ không đủ chỗ để sinh hoạt nhất là những ngày mưa gió. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình anh chị đã được hỗ trợ vay 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Căn nhà mới chắc chắn và rộng rãi sẽ là động lực để anh chị yên tâm sản xuất, chăm lo đời sống kinh tế của gia đình ổn định hơn.

Hay như gia đình chị La Thị Hiếu, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, ngoài vay vốn lãi suất thấp để xây lại nhà mới, gia đình chị còn có thêm nguồn vốn đầu tư để thoát nghèo. Tới đây, việc có căn nhà mới khang trang, kiên cố sẽ là động lực để gia đình chị yên tâm sản xuất, cải thiện đời sống.

Tại xã Suối Trai, một trong những xã khó khăn của huyện Sơn Hòa, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp như trồng cây mía, cây sắn (mì) và một số dịch vụ buôn bán lẻ. Được hỗ trợ vay vốn và tập huấn kiến thức chăn nuôi, gia đình chị Kpắc Boan, thôn Hoàn Thành, xã Suối Trai đã phát triển mô hình chăn nuôi bò kết hợp trồng mía. Nhờ áp dụng hiệu quả các kiến thức chăn nuôi đã được tập huấn tại địa phương, nay gia đình chị đã có thể sửa sang lại căn nhà, mua sắm thêm thiết bị gia dụng. Thu nhập từ 3ha mía và chăn nuôi bò giúp gia đình chị ổn định cuộc sống, con cái được chăm lo học hành đầy đủ.

Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG 1719, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi được cải thiện. Tổng số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Phú Yên đã giảm đáng kể; quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng và phát huy, đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.