Theo ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, chương trình bê tông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và đặc biệt là các Nghị quyết 75, 60 của HĐND tỉnh về ưu tiên xây dựng đường bê tông cho vùng miền núi, đã giúp thay đổi đáng kể bộ mặt vùng này. Có đường kéo theo đó là điện, nhà rông văn hóa và các công trình khác được xây dựng, khai thác hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần, dân trí của người dân cũng dần nâng lên.
Hiện nay, so với đồng bằng, vùng miền núi vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được bê tông hóa. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, giao thông ở miền núi Phú Yên đã thuận lợi hơn rất nhiều. Trong vòng 5 năm (2014 - 2019), Phú Yên đã dành tổng vốn hơn 4.170 tỷ đồng đầu tư phát triển cho miền núi. Trong đó, có một phần vốn không nhỏ dành cho đầu tư, xây dựng đường giao thông, góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng miền núi và nâng cao đời sống đồng bào DTTS.
Đơn cử như tại huyện Đồng Xuân, những năm qua, các tuyến giao thông liên thôn, liên xã, liên huyện, liên tỉnh liên tục được đầu tư mới và sửa chữa nâng cấp. Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Địa phương có tuyến ĐT647 nối Phú Yên với Gia Lai, tuyến ĐT644 nối Đồng Xuân với thị xã Sông Cầu, tuyến liên huyện Xuân Phước - Phú Hải...
Cùng với đó, các tuyến giao thông nông thôn, đường nội đồng được bê tông hóa với tổng chiều dài hơn 70km. Hiện 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, thôn. Từ năm 2014 - 2019, tranh thủ các nguồn vốn, địa phương đầu tư hơn 90 tỷ đồng cho các công trình giao thông trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện cơ bản hoàn thiện, góp phần thúc đẩy giao thương ngày càng thuận lợi.
Đối với huyện Sông Hinh, thực hiện đề án Bê tông giao thông nông thôn, từ năm 2013 đến nay, toàn huyện xây dựng được hơn 167km. Đến nay, đường liên xã hoàn thành 118,9km, đạt 100%; đường liên thôn 106,9km, đạt 86%; đường liên xóm 71,8km, đạt 87,1% và 180km đường nội đồng được cứng hóa, đạt 73,1%. Toàn huyện có 8/10 xã đạt tiêu chí giao thông.
Theo ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, địa phương xác định giao thông, là khâu đột phá trong xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế; và là yêu cầu bức thiết của người dân, nên đã chú trọng đầu tư và được người dân đồng tình. Giai đoạn 2016 - 2019, tổng vốn đầu tư cho giao thông là trên 45 tỷ đồng, trong đó cộng đồng dân cư, doanh nghiệp đóng góp hơn 2,7 tỷ đồng. Hiện các xã tiếp tục đăng ký hoàn thiện hệ thống giao thông, dự kiến đến năm 2020 hoàn thành thêm 71km đường nông thôn.
Bà Nguyễn Hồng Nhung ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), phấn khởi cho hay: Xưa không có đường mỗi lần thu hoạch mía, sắn công thu hoạch cao và tiền xe vận chuyển cũng cao. Từ khi có đường, tiền công giảm được 20.000 - 40.000 đồng/tấn mía, xe 10 tấn cũng chỉ phải trả 1 triệu đồng/xe thay vì 1,3 triệu đồng/xe như trước. Các loại trái cây như xoài, chuối… không phải mang ra tận đường lớn khi có khách gọi.
“Có đường rồi, khách họ tới tận rẫy để mua. Họ tự lựa, tự cân nên tâm lý thoải mái vui vẻ. Tôi bán được nhiều hơn mà không mất chi phí vận chuyển”, bà Nhung nói thêm.
Xưa không có đường mỗi lần thu hoạch mía, sắn công thu hoạch cao và tiền xe vận chuyển cũng cao. Từ khi có đường, tiền công giảm được 20.000 - 40.000 đồng/tấn mía, xe 10 tấn cũng chỉ phải trả 1 triệu đồng/xe thay vì 1,3 triệu đồng/xe như trước”.
Bà Nguyễn Hồng Nhung, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh)