Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Quan tâm bảo tồn văn hóa dân tộc Ngái

Cù Hương - Sỹ Hào - 08:21, 03/12/2023

Mặc dù dân số rất ít nhưng dân tộc Ngái lại cư trú ở nhiều địa phương trên cả nước. Điều này khiến nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ngái luôn hiện hữu trong quá trình giao lưu, hội nhập.

Trang phục dân tộc Ngái. (Ảnh: Thành Đạt)
Trang phục dân tộc Ngái. (Ảnh: Thành Đạt)

Sinh sống phân tán

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế – xã hội (KT – XH) 53 DTTS do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục thống kê thực hiện năm 2019, dân tộc Ngái có 564 hộ, với 1.649 nhân khẩu, chiếm 0,0017% dân số là đồng bào DTTS . Tại thời điểm tháng 4/2019, số nhân khẩu trong một hộ của đồng bào dân tộc Ngái không nhiều; trong đó có 20 hộ có 7 người trở lên; 127 hộ có từ 5 – 6 người; 382 hộ có từ 2 – 4 người và có 31 hộ chỉ có 1 nhân khẩu.

Mặc dù dân số rất ít nhưng đồng bào dân tộc Ngái sinh sống ở nhiều địa phương trên cả nước, gồm: An Giang, Thái Nguyên, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Thuận, Hà Nam,... Đây là điều kiện để đồng bào dân tộc Ngái giao lưu, phát triển kinh tế. Vì vậy, dân tộc Ngái có trình độ phát triển cao hơn so với bình quân chung của 53 DTTS cũng như trong nhóm 14 dân tộc rất ít người.

Cụ thể, trong lĩnh vực việc làm, tỷ lệ lao động (LĐ) làm việc “Nghề đơn giản” của dân tộc Ngái là thấp nhất (44,5%), trong khi tỷ lệ chung của 53 DTTS là 68,6%. Dân tộc Ngái có 1,1% LĐ làm “Nhà lãnh đạo” (tỷ lệ chung của 53 DTTS trong nghề này là 0,5%); có 12,6% LĐ là chuyên môn kỹ thuật bậc cao (chung 53 DTTS là 2,0%); có 2,2% LĐ là chuyên môn kỹ thuật bậc trung…

Một ngôi nhà của người Ngái ở thôn Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
Một ngôi nhà của người Ngái ở thôn Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

Với trình độ LĐ đó, điều kiện sống của đồng bào dân tộc Ngái cũng được đáp ứng cao hơn so với nhiều DTTS rất ít người. Kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS cho thấy, tại thời điểm tháng 4/2019, dân tộc Ngái có 86,9% hộ có tivi; 23,6% hộ có máy vi tính; 98,1% sử dụng điện thoại, 84,8% hộ có tủ lạnh, 60,9% hộ sử dụng máy giặt, 52,9% hộ sử dụng bình nóng lạnh, 35,1% hộ có điều hòa nhiệt độ…. Trong khi đó, nhiều dân tộc rất ít người gần như chưa tiếp cận được các điều kiện sống cơ bản này.

Nguy cơ mai một bản sắc

Với nguồn lực đầu từ của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên, cùng với trình độ LĐ được đào tạo, tình hình kinh tế - xã hội ở những cộng đồng có đông đồng bào dân tộc Ngái sinh sống tương đối phát triển. Đơn cử như xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ - địa bàn sống quần tụ đông nhất của đồng bào dân tộc Ngái ở tỉnh Thái Nguyên; tại thời điểm tháng 4/2019, xóm có 190 hộ thì có 63 hộ dân tộc Ngái, với hơn 200 nhân khẩu.

Từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào dân tộc Ngái ở xóm Tam Thái đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ngoài gieo cấy 2 vụ, bà con còn tận dụng đất để trồng màu vụ đông để tăng thu nhập. Nhờ đó, đời sống ngày càng đổi thay rõ nét. Thời điểm tháng 4/2019, thu nhập bình quân đầu người ở xóm Tam Thái đã đạt 34 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 1% (1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).

Nhưng khó khăn nhất của đồng bào dân tộc Ngái ở xóm Tam Thái, là tình trạng mai một bản sắc văn hóa truyền thống. Theo các cụ cao niên trong xóm, trước những năm 1990, phong tục, tập quán của dân tộc Ngái vẫn còn được giữ gìn gần như nguyên bản. Nhưng theo thời gian, nhiều nét văn hóa truyền thống đã và đang dần mất đi. Nhất là ngôn ngữ, hiện chỉ những người cao tuổi nói chuyện bằng tiếng Ngái với nhau, còn thế hệ con cháu chỉ bập bẹ được vài câu vì không được truyền dạy; trang phục truyền thống của người Ngái thì nay không còn ai lưu giữ được nữa.

Người Ngái (Thái Nguyên) trình diễn điệu hát, trò chơi dân tộc trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I diễn ra tại Lai Châu.
Người Ngái (Thái Nguyên) trình diễn điệu hát, trò chơi dân tộc trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I diễn ra tại Lai Châu.

Không chỉ ở xóm Tam Thái mà nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống đang hiện hữu ở các cộng đồng dân tộc Ngái trên khắp cả nước. Kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS cho thấy, vào thời điểm tháng 10/2019, dân tộc Ngái chỉ có khoảng 3,1% người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết chữ dân tộc mình; 0,7% người biết sử dụng nhạc cụ truyền thống; 0,9% người biết hát bài hát truyền thống; 0,4% người biết múa điệu múa truyền thống;…

Nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Ngái được kỳ vọng sẽ được giải quyết từ việc triển khai hiệu quả Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV; trước mắt là thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719).

Ngày 28/4/2023, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 1684/ /HD-BVHTTDL về thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG 1719. Mục tiêu của Dự án là phấn đấu đến năm 2025, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Trưng bày mâm cơm truyền thống của dân tộc Ngái trong Không gian trưng bày sản phẩm văn hóa tỉnh Thái Nguyên tại Ngày hội Văn hóa các DTTS có số dân dưới 10.000 người n được tổ chức tại tỉnh Lai Châu.
Trưng bày mâm cơm truyền thống của dân tộc Ngái trong Không gian trưng bày sản phẩm văn hóa tỉnh Thái Nguyên tại Ngày hội Văn hóa các DTTS có số dân dưới 10.000 người n được tổ chức tại tỉnh Lai Châu.

Đối với dân tộc Ngái, do đồng bào sinh sống phân tán nhiều địa phương trên cả nước, thiết nghĩ, cần có giải pháp đặc thù để gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào. Trong đó, các cơ quan hoạch định chính sách, chính quyền các địa phương có thể nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách nâng cấp đầu tư xây dựng các nhà triển lãm cho các địa phương có đông đồng bào DTTS nói chung, dân tộc Ngái nói riêng– một chính sách đã được quy định trong Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ nhưng hiện chưa được xây dựng, ban hành.

Từ 3-5/11/2023, đoàn nghệ nhân, người dân cộng đồng dân tộc Ngái đang sinh sống ở xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ đã đại diện các dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tham dự Ngày hội Văn hóa các DTTS có số dân dưới 10.000 người lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Lai Châu. Cùng với 13 dân tộc rất ít người trên cả nước, đoàn đại biểu dân tộc Ngái Thái Nguyên làm phong phú hơn bức tranh văn hóa của cộng đồng các DTTS Việt Nam, đặc trưng, độc đáo mà thống nhất.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.