Trước nguy cơ mai một, thất truyền bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đã có nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa được triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó bảo tồn văn hóa qua các tác phẩm nghệ thuật là một ví dụ điển hình.
“Để có được những tác phẩm như: Che la la (chất liệu dân ca dân tộc Hà Nhì); Tiếng sáo mẫu tử (chất liệu dân ca dân tộc Lự)... chúng tôi đã có những chuyến đi đến các bản làng dài cả tháng để nghiên cứu, sưu tầm những loại nhạc cụ, những bài dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dòng họ, tộc người trên địa bàn. Từ đó có thể nghiên cứu, chắt lọc và sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật trên cơ sở các chất liệu được thâm nhập từ thực tế...”, nhạc sĩ Minh Cừ (Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) chia sẻ.
Cùng với nhạc sĩ Minh Cừ, rất nhiều nghệ sĩ đã bảo tồn, giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình và nhiều DTTS trên địa bàn thông qua những tác phẩm múa mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử. Những tác phẩm này đã đạt giải cao tại các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức hằng năm. Đơn cử như Biên đạo múa Cà Thắm với các tác phẩm múa “Mùa bông bản Lự”, “Vũ điệu về nguồn” (chất liệu dân tộc Si La), “Tùi ngụ đài (Rơi đài - chất liệu dân tộc Dao)”. Biên đạo múa Pờ Nhù Nu với các tác phẩm: “Khoe khăn” chất liệu dân tộc Giáy, “Mùa thay lá” dân tộc La Hủ, “Lạc vườn đào” dân tộc Mông; “Tiếng vọng Là Khư” dân tộc Hà Nhì...
Càng ý nghĩa hơn khi những tác phẩm này đã giúp khơi dậy tình yêu văn hóa, ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của chính cộng đồng các dân tộc. “Các tác phẩm múa được chắt lọc từ bản sắc văn hóa dân tộc như: “ Mùa thay lá” của dân tộc La Hủ, “Tiếng vọng Là Khư” của dân tộc Hà Nhì... đã giúp cho cộng đồng người La Hủ, Hà Nhì ở Lai Châu hiểu rõ hơn về văn hóa của dân tộc mình. Bà con xem xong thì thích lắm, tự hào lắm. Giờ đây, các bản có người La Hủ, Hà Nhì sinh sống thường xuyên tập múa bài này để biểu diễn vào những dịp lễ, Tết, ngày hội của bản hoặc tham gia các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn các cấp được tổ chức hằng năm”, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Tè Vàng A Lình chia sẻ.
Được biết hằng năm, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh duy trì biểu diễn trên 80 buổi tại cơ sở, trong đó có trên 60 buổi thuộc các xã, bản vùng cao, khu vực biên giới, vùng đồng bào DTTS. Quá trình biểu diễn này đã góp phần đưa bản sắc của chính đồng bào quay trở lại phục vụ chính đồng bào với những gam màu tươi mới, giúp bà con thêm trân quý, tự hào, nâng cao ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình.