Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Quảng Bình: Chính quyền làm ngơ trước khẩn cầu của người dân?

Quỳnh Chi - 10:36, 05/11/2019

Theo phản ánh của người dân tiểu khu Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), từ năm 2014, Công ty TNHH Thương mại Hương Ngọc trên địa bàn đi vào hoạt động chế biến mủ cao su nhưng không bảo đảm môi trường. Người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng chưa được giải quyết.

Tại thời điểm PV có mặt, nhà máy vẫn đang hoạt động.
Tại thời điểm PV có mặt, nhà máy vẫn đang hoạt động.

Lo sợ nguy cơ bệnh tật 

Bà H.T.M, một người dân sống cạnh nhà máy, cho biết: “Lâu nay, chúng tôi thường xuyên phải đóng cửa, bịt khẩu trang. Nhất là ban đêm họ làm mủ khô, thối không chịu nổi, đến ngủ cũng phải bịt mồm bịt miệng lại. Gia đình tôi bao gồm 3 thế hệ, người già có, trẻ con cũng có. Chúng tôi cũng không biết mức độ nguy hại đến mức nào, nhưng thật sự quá sức chịu đựng, hơn thế còn lo sợ nguy cơ bệnh tật, nhất là cho bọn trẻ”.

Tương tự, gia đình ông N.M.T bức xúc phản ánh: “Chúng tôi sống ở đây phải chịu đựng mùi hôi thối, nhà lúc nào cũng phải đóng cửa. Nhiều khi xe chạy ra vào chở nguyên liệu cả đêm rầm rầm, nhiều lúc trẻ con đang ngủ cũng giật mình tỉnh giấc, thực sự sống cạnh nhà máy dân khổ trăm bề. Bà con ở tiểu khu cũng đã nhiều lần kiến nghị lên thị trấn nhưng chẳng thấy cải thiện được gì”.

Qua mở rộng tìm hiểu được biết, nhà máy của Công ty TNHH Thương mại Hương Ngọc đi vào hoạt động từ năm 2014. Nhà máy được xây dựng trên khu đất rộng 3.000m2, nhà xưởng có diện tích 994,8m²; nhà kho 130,5m². Nhưng khi xây dựng, nhà máy không thực hiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Vì vậy, tháng 8/2016, Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra, lập biên bản và xử phạt hành chính. Đến tháng 9/2016, nhà máy mới làm Đề án Bảo vệ môi trường đơn giản do huyện Bố Trạch xác nhận.

Chính quyền làm ngơ?

Một điều đáng ngạc nhiên là, trước những bức xúc của người dân, nhưng lãnh đạo UBND thị trấn Nông trường Việt Trung (trụ sở cách nhà máy không xa) lại ngang nhiên trả lời công ty đã ngừng hoạt động. 

 Cụ thể, ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Nông Trường Việt Trung, cho rằng: “Thời gian qua, vì thời tiết khắc nghiệt, hay có mưa bão nên thiếu nguyên liệu, công ty phải ngừng hoạt động. Chúng tôi cũng không nhận được phản ánh, hay kiến nghị gì từ phía người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Thương mại Hương Ngọc gây ra. Ngay cả trong các cuộc tiếp xúc cử tri cũng không thấy bà con nhắc đến tình trạng này”.

Còn bà Nguyễn Thị Cẩm Hoàng, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Bố Trạch thì trả lời: Việc giám sát và kiểm tra Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Thương mại Hương Ngọc được UBND huyện giao cho thị trấn Nông trường Việt Trung thực hiện. Nếu phát hiện ô nhiễm, sai phạm báo lên UBND huyện để xem xét, xử lý. Theo báo cáo của công ty, thì lâu nay nhà máy dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu.

Thế nhưng khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến việc cấp phép xây dựng và báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy, thì cả UBND thị trấn và Phòng TN&MT của huyện đều né tránh. Phóng viên tiếp tục liên hệ nhiều lần với văn phòng UBND huyện Bố Trạch để tiếp cận hồ sơ, nhưng đều bị từ chối vì những lý do khác nhau.

Trái với câu trả lời của chính quyền địa phương, ghi nhận của phóng viên vào những ngày này, tại khu vực chế biến, công nhân và máy móc vẫn đang hoạt động bình thường. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình sớm vào cuộc xử lý bức xúc của người dân.

Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.