Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Quảng Nam: Chi 37 tỷ đồng đầu tư bảo tồn, tu bổ 2 tháp Chăm và Phật viện Đồng Dương

T.Nhân - H.Trường - 07:20, 28/12/2023

UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị của các tháp Chăm Chiên Đàn (huyện Phú Ninh) với 16,7 tỷ đồng; tháp Chăm Bằng An (thị xã Điện Bàn) với 8,3 tỷ đồng và Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương với 12 tỷ đồng.

Một góc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương
Một góc Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương

Cụ thể, đối với Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương sẽ tu bổ, gia cố di tích với việc khảo sát, đánh giá hiện trạng; khai quật, nghiên cứu khảo cổ khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 500 m2; thực hiện các can thiệp bảo tồn khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 225 m2, bao gồm các công việc: Tu bổ chống sạt đổ khối xây thân tháp cổng hiện trạng; tu bổ phục hồi phần móng quanh tháp, phục hồi bậc cấp cửa chính; tu bổ phục hồi hai cửa bên, phục hồi bậc cấp bên; tháo dỡ dàn sắt chống đỡ hiện trạng; chống mối công trình; bảo quản gia cố bề mặt gạch; xử lý cây dại xâm thực trên tường gạch gốc.

Ngoài ra có các hạng mục phụ trợ phục vụ hoạt động tu bổ di tích như lắp đặt hệ dàn giáo, khu nhà che phục vụ thi công; nhà điều hành công trường kết hợp nhà kho, nhà sơ chế vật liệu; Khung rào ngăn khu vực thi công và các hạng mục phụ trợ khác. Tổng kinh phí thực hiện 12 tỷ đồng.

Di tích tháp Chăm Bằng An
Di tích tháp Chăm Bằng An

Đối với di tích tháp Chăm Bằng An (phường Điện An, thị xã Điện Bàn), sẽ thực hiện dọn dẹp phát lộ mặt bằng, thu gom hiện vật quanh chân tháp; thám sát một số vị trí trong khu vực bảo vệ di tích phục vụ quá trình thi công tu bổ. Gia cố phần chân tháp từ nền lên cao 2m bằng gạch Chăm phục chế; hạ giải khối xây bằng gạch chỉ vữa xi măng khu vực sảnh chính, phục hồi bằng gạch Chăm phục chế… Các hạng mục phụ trợ phục vụ hoạt động tu bổ di tích gồm lắp đặt hệ dàn giáo phục vụ thi công; nhà điều hành công trường kết hợp nhà kho, nhà sơ chế vật liệu và các hạng mục phụ trợ khác. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, được thực hiện từ năm 2023 - 2025.

Còn tại di tích tháp Chăm Chiên Đàn (xã Tam An, huyện Phú Ninh), sẽ đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị tháp Bắc, tháp Giữa. Mục tiêu đầu tư dự án nhằm phục hồi, ổn định lâu dài cho cấu trúc di tích; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tu bổ, gia cố di tích với việc dọn dẹp phát lộ mặt bằng, thu gom hiện vật quanh chân tháp. Tháo dỡ các khối xây gia cố xây bằng vữa xi măng, gạch cũ (trước đây); thay thế các viên gạch đã bị mục, vỡ tại các vị trí hư hại nhẹ trên bề mặt đế và tường tháp; gia cố, tái định vị các khối xây gạch phần đế và tường tháp; bổ sung các tai đá góc tháp bị mất, gãy… Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16,7 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện năm 2023 - 2025.

Di tích tháp Chăm Chiên Đàn
Di tích tháp Chăm Chiên Đàn

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư dự án; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ; Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng phối hợp với các ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.