Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Quảng Ngãi: Bao giờ chủ đầu tư thủy điện thực hiện lời hứa với người dân Nước Đốp?

Thành Nhân - 17:03, 21/05/2021

Thủy điện Đăkđrinh (SơnTây, Quảng Ngãi) tích nước, đi vào hoạt động từ cuối năm 2014 đã làm mất tuyến đường vào Khu dân cư (KDC) Nước Đốp. Từ đó đến nay, hàng trăm con người ở KDC này gần như bị “nhốt trên núi cao”, dù chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã "hứa" với dân là mở đường phá thế "ốc đảo" của KDC

Từ khi thủy điện Đăkđrinh tích nước là người dân Nuớc Đốp cũng chịu cảnh “biệt lập”
Từ khi thủy điện Đăkđrinh tích nước là người dân Nuớc Đốp cũng chịu cảnh “biệt lập”

KDC Nước Đốp, thuộc thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, nằm heo hút trên quả đồi bên kia lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. Đây là khu vực không nằm trong dự án thủy điện, nhưng người dân Nước Đốp lại bị ảnh hưởng gián tiếp từ công trình này.

Theo người dân Nước Đốp, từ cuối năm 2014, Thủy điện Đăkđrinh tích nước, đi vào hoạt động; tuyến đường vào KDC cũng chìm dưới lòng hồ. Để người dân có đường về trung tâm xã, chính quyền địa phương phải huy động lực lượng thanh niên huyện Sơn Tây và xã Sơn Long bạt núi mở một con đường đất để làm lối đi lại cho người dân.

Sau nhiều lần kiến nghị của người dân Nước Đốp, dự án làm đường được triển khai, với tổng chiều dài 7,8km, tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Thế nhưng, do thiết kế và những bất cập khác, dự án bị dừng lại. 

Năm 2018, dự án làm tuyến đường này được khởi động lại. Tổng chiều dài vẫn thế, nhưng tổng kinh phí tăng lên 30 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí của chủ đầu tư thủy điện Đăkđrinh. Tuy nhiên, vì vướng thủ tục nên chủ đầu tư không thể giải ngân vốn được.

Lãnh đạo Công ty CP thủy điện Đăkđrinh cho biết: Thủy điện sẵn sàng chi trả tiền làm đường, nhưng đến nay mới trả được khoảng 17 tỷ, còn nợ 13 tỷ nữa. Nguyên nhân là do huyện chưa hoàn chỉnh hồ sơ để có thể giải ngân được. Tức là huyện phải làm xong, nghiệm thu, bàn giao, sau đó mới chuyển hồ sơ sang thủy điện để giải ngân.

Trong khi đó, đơn vị được ủy quyền thực hiện dự án đường Nước Đốp, là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tây thì cho rằng: Sơn Tây là huyện nghèo, ngân sách ít ỏi nếu không bố trí vốn trước, thì rất khó khăn cho thi công. Vì vậy, mong Công ty CP thủy điện Đăkđrinh xem xét, linh hoạt hơn trong việc giải ngân vốn để sớm hoàn thành con đường.

Những mái nhà “biệt lập” trên đồi của người dân Nước Đốp
Khu dân cư Nước Đốp đang bị cô lập vì đường giao thông bị chìm dưới công trình thủy điện

Vì những lý do trên mà đến nay, con đường 7,8km giờ mới chỉ làm được khoảng 3,5km đầu tuyến. Đoạn đường quan trọng nhất dài hơn 4km ở cuối tuyến, tức là giáp khu vực dân cư ở thì vẫn ngổn ngang đá hộc, vực sâu, dốc cao. Vì quá khó khăn do không có đường để đi lại, người dân Nước Đốp đã tự lập một bến đò ngay ngã ba thôn tiếp giáp với lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, gọi là “Bến đò Ra Manh”.

Anh Đinh Văn Nghề, người chèo ghe ở bến đò chia sẻ: Ghe này là phương tiện đi lại của cả làng, chở keo, chở mì thu hoạch quanh lòng hồ và trên những ngọn đồi nhô lên giữa hồ thủy điện. Chủ đầu tư thủy điện chỉ thu hồi phần đất dưới chân, đỉnh đồi còn lại người dân vẫn trồng keo. Phải bơi qua lòng hồ, ghe nhỏ, chở nhiều người và hàng hóa rất nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác.

Cũng vì không có đường, nông sản ở Nước Đốp làm ra bán giá rẻ hơn nhiều so với các nơi. Hiện nay, giá thu mua gỗ keo ở đây chỉ khoảng 600 - 700 nghìn đồng, tức là rẻ hơn so với những vùng đường giao thông thuận lợi khoảng 200 nghìn đồng/tấn. Vất vả, thu nhập thấp, nhưng ở đây người dân không có nghề phụ.

Già làng Đinh Văn Xây tâm sự: Mong ước lớn nhất của người dân Nước Đốp là sớm có con đường để đi lại, vận chuyển nông sản. Không có đường thì người dân không thể phát triển kinh tế được, muôn đời vẫn phải chịu cảnh đói nghèo.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, ông Đỗ Thanh Vượt, cho biết: Toàn bộ các hộ dân ở Nước Đốp là hộ nghèo. Mấy năm nay, đời sống có phần khó khăn hơn do nông sản rớt giá. Có những thời điểm mưa bão, giao thông chia cắt, nông sản không tiêu thụ được. Xã mong cấp trên làm nhanh con đường, kéo điện về cho KDC Nước Đốp để dân có điều kiện nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo.

Người dân Nước Đốp còn nhiều khó khăn do phải sống cảnh “biệt lập” quá lâu
Người dân Nước Đốp còn nhiều khó khăn do phải sống cảnh “biệt lập” quá lâu

Bây giờ Nước Đốp đang mùa phát rẫy trồng keo. Người dân vẫn giữ nếp “vần công” như thời xưa. Nhà nào có việc quan trọng, trong làng ai rảnh đều đến giúp. Họ giúp nhau tận tình như thể người trong gia đình. 

Bởi thế, dù cuộc sống khó khăn, đường giao thông cách trở, nhưng không ai bỏ làng đi nơi khác. Điều đặc biệt, là làng không có tệ nạn cờ bạc, trộm cắp... Người dân đã và đang đoàn kết, chia sẻ với mọi khó khăn của chính quyền và cùng kiên nhẫn đợi chờ đợi chủ đầu tư thủy điện Đăkđrinh thực hiện lời hứa.

Về vấn đề này, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tây cho hay: "Chúng tôi rất thấu hiểu nỗi khổ của người dân Nước Đốp, thời gian tới, Ban sẽ cố gắng phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thủy điện Đăkđrinh để có nguồn kinh phí hoàn thành con đường trong năm 2021".

Hy vọng, đây sẽ là lần cuối cùng chính quyền và chủ đầu tư hứa với người dân Nước Đốp. Người dân đã chờ đợi và chịu cảnh “biệt lập” quá lâu, xin đừng thất hứa với người dân thêm một lần nào nữa!.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.