Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Có một con đường thoát nghèo nơi miền Tây xứ Nghệ

Thanh Hải - 21:53, 04/04/2021

Kể từ khi quốc lộ 16 chạy dọc theo biên giới Việt - Lào được đầu tư xây dựng, bà con các bản, làng nằm ngang lưng trời ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… của tỉnh Nghệ An đã không còn cảnh vất vả gùi hàng xuống chợ; không còn nỗi “ám ảnh” xuyên rừng nhiều ngày để đến với trung tâm huyện lị. Con đường mới đã trở thành con đường thoát nghèo của đồng bào nơi đây.

Mô hình trồng dây tây trong nhà lưới ở Mường Lống cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng dâu tây trong nhà lưới ở Mường Lống cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha.

Giấc mơ thành hiện thực

Nhiều năm trước, việc đi lại giữa các bản trong xã hay liên xã, liên huyện ở khu vực biên giới miền Tây xứ Nghệ quá khó khăn. Con đường từ thị trấn Mường Xén, Phà Đánh, Mường Lống (Kỳ Sơn) sang các xã Tri Lễ, Nậm Nhoóng và thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) chỉ là những lối mòn nhỏ. Nhìn từ trên cao, lối mòn ấy như sợi chỉ vắt vẻo qua bao nhiêu núi cao, vực sâu… chênh vênh nơi biên giới Việt - Lào.

Cũng bởi thế, cán bộ các xã vùng giáp biên như Mỹ Lý, Phà Đánh, Mường Lồng (Kỳ Sơn), Nhôn Mai (Tương Dương)… thường rất “ám ảnh” khi phải ra khỏi địa bàn về thị trấn dự họp. Xã đã vậy, cán bộ huyện cũng ngán ngẩm bội phần khi phải đi công tác cơ sở.

Không nói ra, thì cũng dễ hiểu người dân còn khốn khổ vạn lần. Thật khó hình dung sự vất vả của người dân nơi đây, khi tay dắt lợn tạ, lưng gùi mấy yến nếp nương từ bản xuống chợ, rồi lại phải đi mất hai, ba ngày đường mới bán được hàng. Bán xong lại nhờ người đẩy thuyền chở hàng thiết yếu ngược dòng Nậm Nơn lên bản.

Giao thông cách trở, khiến sản vật bà con làm ra bán rất rẻ trong khi hàng hóa từ xuôi lên thì đắt gấp mấy lần. Thành ra, vùng đất rẻo cao giáp biên một thời “tứ tắc”, chủ yếu tự cung tự cấp là chính. Đường giao thông đã trở thành khát khao, ước mơ cháy bỏng của không chỉ người dân  miền tây xứ Nghệ.

Bà con ở Huồi Tụ trồng dược liệu ở các thung lũng dọc theo QL16.
Bà con nông dân Huồi Tụ trồng dược liệu ở các thung lũng dọc theo QL16.

Và rồi, điều mong ước của người dân trở thành hiện thực. Tỉnh Nghệ An đã đầu tư xây dựng tuyến đường tây Nghệ An (Tỉnh lộ 543) trên độ cao hơn 1.500 mét và thông tuyến đưa vào sử dụng năm 2015; kết nối hai tuyến quốc lộ (QL) 7A và QL48, chạy qua các bản làng của 10 xã thuộc 3 huyện rẻo cao Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn.

Điều vui hơn, khi Bộ Giao thông Vận tải quyết định chuyển và nâng cấp tuyến đường nối các huyện tây Thanh Hóa và tuyến đường tây Nghệ An (Tỉnh lộ 543) thành QL16 vào cuối năm 2015. Đây là tuyến đường biên giới quan trọng, nối hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa; liên kết các vùng ở khu vực biên giới, nối trung tâm các huyện 30a và các xã 135 nơi miền tây Nghệ An.

Tuyến đường hoàn thành, người dân ở vùng biên viễn Nghệ An đã tổ chức ăn mừng. Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) Lô Văn Liệu nhớ lại: Mỹ Lý nằm cách thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) chừng 50km, mỗi lần ra trung tâm huyện lị, mất nhiều ngày đường vì vừa đi bộ vừa đi thuyền máy. Nếu muốn xuống thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), thì còn thêm mấy ngày đường vất vả. Nhưng nay, ra Mường Xén chỉ hơn 1,5 giờ đồng hồ và đi thị trấn Hòa Bình chỉ hơn ba tiếng đồng hồ thôi.

Đường lớn đã mở…

Dọc QL16 đi từ các xã Châu Kim, Châu Thôn, Tri Lễ (huyện Quế Phong); qua Nhôn Mai, Mai Sơn (huyện Tương Dương); đến Mỹ Lý, Bắc Lý, Huổi Tụ, Phà Đánh, Tạ Cạ (huyện Kỳ Sơn), giờ đã hình thành nhiều khu dân cư với nhà cửa khang trang, cùng các điểm buôn bán hàng hóa nhộn nhịp.

Những sản vật nức tiếng ngày nào khó tiêu thụ như chè shan tuyết, gừng, rồi những nếp nương, dưa nại… cũng đã theo xe, theo người trên hành trình QL16 về xuôi. Chợ Huồi Tụ - ngã ba vào xã “cổng trời” Mường Lống… trở nên sôi động, khi người mua, kẻ bán tấp nập với mùa nào thức nấy; khi gạo thơm từ Na Loi vận chuyển ra, mận Tam hoa, gà đen từ Mường Lống đến... Nắm bắt xu thế, người dân đã bắt đầu năng động, tham gia làm trang trại, gia trại, buôn bán, dịch vụ… 

Ông Kha Văn Long, một hộ kinh doanh tổng hợp ở bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) là một ví dụ. Nay ông Long đã là một hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế giỏi ở vùng biên nhờ chăn nuôi trang trại, làm nghề dịch vụ và thương mại. 

Điều mà bao thế hệ người Mông chúng tôi không bao giờ nghĩ đến. Nhờ QL16, Huồi Cọ đã trở thành bản biên giới đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn bản nông thôn mới.

Ông Và Bá TịnhPhó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương

Ông Long trải lòng: Khi có QL16 đi qua bản, vợ chồng đã bàn nhau, ra mặt đường buôn bán; kết nối với các nhà cung cấp từ dưới xuôi lên mua bán vật liệu xây dựng, hàng hóa thiết yếu khác và tổ chức thu mua hàng nông sản, gia súc, gia cầm cho bà con… QL 16 đã thực sự là con đường thoát nghèo cho bà con nơi miền biên viễn, thoát cảnh tự cung tự cấp, hàng hóa lưu thông dễ dàng. 

Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương) Và Bá Tịnh khoe rằng, nhờ có QL 16 mà bản biên giới Huồi Cọ ở cheo leo lưng chừng núi đã có đường ô tô vào tận nơi, hàng hóa được lưu thông thuận tiện. 

Đặc biệt, hơn 60 ha chanh leo hàng hóa, hàng chục ha gừng… mà bà con Huồi Cọ trồng; rồi gà, lợn, bò… đều được thương lái đánh ô tô vào tận nơi thu mua giá cao… 

Bà con DTTS bán sản vật địa phương tại chợ Mường Lống
Bà con DTTS bán sản vật địa phương tại chợ Mường Lống

Còn ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thì phấn khởi bảo, khi QL16 đi vào hoạt động, huyện đã có điều kiện quy hoạch lại vùng dân cư, di vén các hộ dân ở dọc sông, suối có nguy cơ sạt lở lên sống dọc quốc lộ và dần hình thành các điểm dịch vụ, thương mại. Những sản vật của đồng bào ở Nậm Nhoóng, Tri Lễ… như dưa nại, chanh leo, gà đen, lợn mán… được thương lái đến tận nơi thu mua, thuận tiện hơn so với trước rất nhiều.

Một ngày đầu tháng 4, xe chúng tôi bon bon trên QL16. Hai bên đường, những cụm dân cư đã khoác lên mình màu áo mới, những nương lúa, nương ngô, nương gừng hay đồi chè tuyết shan… đang “cựa mình” trỗi dậy. Trên con đường vào xã Mỹ Lý, những chiếc xe tải thu mua keo, hàng nông sản đang hối hả ngược ra; những chiếc xe chở hàng từ xuôi vượt dốc ì ạch đi vào. Rồi những chiếc xe chở khách nhộn nhịp vào ra đón, trả người.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, ông Vi Hòe cười rõ tươi: QL16 là tuyến đường có tính chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an sinh, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh cho các huyện vùng biên giới miền tây Nghệ An. Nhờ có QL16, mà các địa phương đã có điều kiện mở rộng các điểm dân cư; khuyến khích hình thành các điểm thương mại, dịch vụ ở dọc tuyến quốc lộ này.

Nhờ QL16, Kỳ Sơn, Tương Dương và bên kia Quế Phong đã hình thành và phát triển nhiều mô hình sản xuất hàng hóa như chanh leo, gừng, cây dược liệu, chè San Tuyết... ở các vùng khó khăn, vùng biên giới. Nhớ hôm trò chuyện cùng Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, ông Vi Hòe đã kể những dự định về các tua du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm như chinh phục đỉnh Phu Xai Lai Leng cao 2720m, thăm “cổng trời” Mường Lống – nơi mệnh danh là Đà Lạt ở xứ Nghệ.

Tin cùng chuyên mục
Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Với sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương và toàn xã hội; khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đang dần hồi sinh sau thiên tai, vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”.