Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Quảng Ngãi: Chăm lo để học sinh vùng DTTS và miền núi không bỏ học sau Tết

T.Nhân - 08:57, 04/03/2024

Trước đây, học sinh ở các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên bỏ học, hoặc đi học không chuyên cần, nhất là những dịp sau Tết, nghỉ hè... Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ thực hiện hiệu quả mô hình trường học bán trú và nội trú, tinh thần trách nhiệm, tận tụy với học sinh của đội ngũ giáo viên, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm hẳn.


Bữa ăn trưa đảm bảo dinh dưỡng của học sinh tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Sơn Bua
Bữa ăn trưa đảm bảo dinh dưỡng của học sinh tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Sơn Bua

Học sinh miền núi đi học đều nhờ mô hình bán trú, nội trú

Về các trường nội trú, bán trú ở miền núi Quảng Ngãi những tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, chúng tôi nhận thấy, học sinh trở lại trường khá đông đủ, không khí học tập rất sôi nổi. Với những lớp học bán trú, nội trú các bậc phụ huynh không còn phải lo bữa ăn cho con em; các em còn được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và luyện các kỹ năng như tính tự lập, tự chăm sóc bản thân, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái...

Qua tìm hiểu ở một số trường miền núi, việc tổ chức cho các em ăn, ở bán trú là điều kiện rất tốt để duy trì số lượng học sinh đến lớp. Những em ở xa sẽ không còn bỏ học sau Tết, hoặc đi học theo kiểu "giã gạo" vào mùa mưa lũ như trước nữa. Có thể nói, hệ thống trường PTDTBT và THCS DTNT hoạt động đã góp phần tích cực trong việc duy trì số lượng học sinh. Sau kỳ nghỉ Tết, ở các trường nội trú, học sinh ra lớp đạt từ 98% trở lên. Đặc biệt là, khi thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, thì tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp của các trường được nâng lên đáng kể.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS DTNT Ba Tơ Đinh Ngọc Văn cho hay: Trường DTNT là trường đặc thù nên các em được hưởng chế độ 100%. Nhà trường thường xuyên tuyên truyền nội quy của trường cũng như quy định của ngành cho học sinh và phụ huynh cùng nhau thực hiện. Hơn nữa, những năm gần đây, ý thức học tập của học sinh miền núi đã được nâng lên, các phụ huynh cũng chú trọng, tạo điều kiện để con em mình đến trường, nên tình trạng học sinh bỏ học đã giảm hẳn.

Còn ông Trương Quốc Đạt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Tiểu học, Trung học cơ sở Long Môn, huyện Minh Long cho biết: Toàn trường có 223 học sinh, do nơi ở của các em rải rác và khá xa, địa hình nhiều đồi núi, vào mùa mưa đi lại khó khăn nên có 152 em ở bán trú tại trường. 

“Trước đây, trường không có nhà hiệu bộ, nhà nội trú, việc học tập và ăn ở của thầy trò nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà trường đã được quan tâm đầu tư xây mới các hạng mục còn thiếu. Các công trình được triển khai theo đúng tiến độ, đã hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp thầy và trò nhà trường có nơi làm việc, học tập, nơi ở, sinh hoạt khang trang, ổn định. Sau kỳ nghỉ Tết, 100% học sinh đã đi học trở lại”, ông Đạt cho biết thêm.

Tình trạng học sinh miền núi nghỉ học sau Tết đã giảm hẳn
Tình trạng học sinh miền núi nghỉ học sau Tết đã giảm hẳn

Tại huyện miền núi Sơn Tây, các bữa ăn bán trú cũng góp phần kéo học sinh đến lớp. Năm học 2023-2024, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua có 18 lớp với 438 học sinh. Trong số này có 200 học sinh bán trú.

Mặc dù trang thiết bị phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú còn thiếu thốn, song những bữa ăn của các em luôn đầy đủ các loại rau, thịt, cá. Thực đơn cũng thường xuyên thay đổi để đảm bảo khẩu phần và chế độ dinh dưỡng.

Thầy Huỳnh Văn Thành, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua cho biết: Việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh, được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đồng thời cũng là động lực giúp học sinh nơi đây yên tâm bám trường, bám lớp.

Giúp học sinh tự tin và hứng thú hơn trong học tập

Bên cạnh việc tổ chức tốt mô hình nội trú, bán trú các trường ở miền núi đã và đang thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) để học sinh tham gia, giao lưu, chia sẻ... nhằm tăng cường các kỹ năng sống, sự tự tin cũng như các kiến thức về xã hội, tạo cho học sinh sự hứng thú trong học tập.

Đơn cử như CLB Bạn gái tiêu biểu của Trường PTDTNT-THCS huyện Minh Long được thành lập từ 2 năm nay, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh về giới và bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. CLB hiện có 44 thành viên, sinh hoạt chuyên đề mỗi quý 1 lần. 

Nội dung sinh hoạt chủ yếu tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, các dấu hiệu về thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, phương pháp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên... 

Đặc biệt, truyền thông nêu cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, phòng chống buôn bán, bạo hành phụ nữ và trẻ em, giúp các bạn nữ nâng cao ý thức, trách nhiệm với tương lai của mình, tạo điều kiện để các em được chia sẻ kinh nghiệm học tập, tình bạn, tình yêu trong sáng ở lứa tuổi học trò...

Việc tham gia các CLB giúp học sinh miền núi tự tin và hứng thú hơn trong học tập
Việc tham gia các CLB giúp học sinh miền núi tự tin và hứng thú hơn trong học tập

Từ khi tham gia CLB Bạn gái tiêu biểu, em Đinh Thị Thắm, học sinh lớp 9 đã được tiếp nhận những kiến thức mới về bình đẳng giới, hiểu rõ hơn cách phòng tránh bị xâm hại, lợi dụng… “Em rất vui vì được hiểu thêm những kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tự tin, cởi mở hơn khi chia sẻ những thắc mắc về giới tính”, Thắm thổ lộ.

Theo Hiệu trưởng Trường PTDTNT-THCS huyện Minh Long Trần Thị Ngọc Lệ, việc thành lập các CLB tạo điều kiện để các em tự tin hơn, cởi mở chia sẻ nhiều vấn đề xoay quanh cuộc sống gia đình, mối quan hệ bạn bè, thầy, cô giáo và các vấn đề cá nhân khác. Các em được giao lưu và học hỏi thêm nhiều kiến thức để tăng cường sự hiểu biết, rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

Còn thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ba Tiêu, huyện Ba Tơ Nguyễn Văn Lộc cho hay: Trường thành lập nhiều CLB như CLB tiếng Anh, CLB Văn học... giúp học sinh có chung niềm đam mê giao lưu, học tập nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh miền núi.

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho biết: Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, cơ sở vật chất dạy và học ở các huyện miền núi đã được cải thiện đáng kể. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi. Trong đó, tập trung thực hiện Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.