Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Quảng Ngãi: Chung sức đồng lòng giữ gìn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Thành Nhân - 08:11, 11/01/2022

Quảng Ngãi có 5 huyện miền núi, là nơi sinh sống lâu đời của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: Hrê, Co, Xơ Đăng... Mỗi dân tộc ở Quảng Ngãi đều có vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là Đề án Bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn Quảng Ngãi, các cấp, ngành, địa phương cùng người dân vùng cao đang nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Nhờ sự tâm huyết của các nghệ nhân nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được gìn giữ và phát huy. (Trong ảnh, nghệ thuật đấu chiêng của người Co)
Nhờ sự tâm huyết của các nghệ nhân nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được gìn giữ và phát huy. (Trong ảnh, nghệ thuật đấu chiêng của người Co)

Phát huy vai trò của nghệ nhân

Có thể nói, các nghệ nhân là những người đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Họ tích cực tham gia gìn giữ di sản văn hóa  cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc, dân ca, trang phục, trang sức, nhà sàn, làng nghề truyền thống...

Điển hình như Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Kít, ở Làng Xua, xã Ba Lế (huyện Ba Tơ), đã cất công truyền dạy cho lớp trẻ ở địa phương các làn điệu dân ca như: ka choi, ta lêu, hát ru, kể Hmon. Ngoài ra, ông còn nỗ lực tìm kiếm, giữ gìn nhiều nhạc cụ quý như đàn môi, ta lía...

Ông Kít cho biết, dù âm nhạc hiện đại đang xâm nhập giới trẻ, nhưng vẫn còn nhiều thanh niên ham học hỏi và nỗ lực gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình. Nhạc cụ và dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống đồng bào Hrê.

Hay như Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên, ở thôn Bắc, xã Trà Sơn (huyện Trà Bồng), đã dùng chính ngôi nhà của mình, làm điểm đến cho nhiều nghệ nhân để truyền dạy cho thanh niên địa phương các điệu múa, đánh chiêng. Nhiều năm qua, những giá trị văn hóa của dân tộc Co luôn được người dân ở đây ý thức gìn giữ, để phục vụ mỗi khi có lễ hội. 

“Chiêng ngày xưa rất nhiều, nhưng giờ toàn xã chỉ giữ được hơn chục bộ. Gia đình tôi giữ gìn các bộ chiêng, coi như tài sản quý giá để lưu giữ nét văn hóa của dân tộc mình", ông Biên bộc bạch.

Trước sự mai một của bộ trang phục, trang sức truyền thống người Co, Nghệ nhân Hồ Thị Non (65 tuổi), ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), đã cất công tìm kiếm nguyên liệu, làm lại trang sức truyền thống để giữ “nét duyên” cho người thiếu nữ Co. 

Tính đến nay, bà đã cung cấp cho địa phương, các vùng lân cận gần trăm bộ cườm truyền thống có giá trị. Không những thế, bà còn dành tâm huyết chỉ dạy cho thế hệ trẻ ở địa phương để lưu giữ công thức làm cườm cho mai sau.

“Trước đây nhà nào cũng có cườm đá. Còn bây giờ, trang sức này đã và đang dần mất đi. Làm cườm đá rất công phu, phải mất cả tháng mới xong một bộ. Nếu không có đam mê và nặng lòng với văn hóa truyền thống thì khó ai theo đuổi được”, bà Non bộc bạch.

Còn Nghệ nhân Hồ Thị Huệ, ở xã Trà Sơn thì nặng lòng với điệu xà ru, điệu múa, tiếng kèn a máp. Bà Huệ đã cùng với những cụ lớn tuổi trong làng, nỗ lực truyền dạy các điệu múa truyền thống cho giới trẻ địa phương. 

“Tuổi trẻ bây giờ ảnh hưởng công nghệ, đời sống hiện đại, nên phần nào đã quên làn điệu dân ca. Những nghệ nhân chúng tôi phải ra sức truyền dạy để giữ gìn văn hóa đồng bào mình”, bà Huệ bày tỏ.

Trang phục truyền thống của người Hrê được bảo tồn
Trang phục truyền thống của người Hrê được bảo tồn

Nỗ lực của chính quyền địa phương

Mới đây, Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành Nghị quyết về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các DTTS ở địa phương, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. "Theo đó, huyện Trà Bồng tập trung thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, huyện cơ bản thoát nghèo và trước năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo”, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo chia sẻ.

Tại huyện Sơn Tây, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào Ca Dong (dân tộc Xơ Đăng) luôn được chú trọng. Huyện đã chọn một số làng điển hình để bảo tồn mô hình nhà sàn truyền thống; Đồng thời sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy cho thanh niên các làn điệu dân ca của đồng bào Ca Dong như hát xà ru, ka lêu, ta choi, a giới, ra nghế, kể Hmon... Đây là các làn điệu tiêu biểu, luôn được thực hành trong cộng đồng vào dịp Tết, lễ hội và dàn dựng, biểu diễn trong các sự kiện văn hóa văn nghệ.

Ngoài ra, huyện Sơn Tây còn chú trọng bảo tồn các nhạc cụ truyền thống như đàn Brook, Brau, Brook Tru, ra ngói, đặc biệt là cồng chiêng. Đến nay, huyện có hơn 120 bộ chiêng Kần, 166 bộ chiêng Lênh, 40 đàn Brook, Brau, Brook Tru, đàn Ra Ngói... được bảo tồn tại các hộ gia đình. 

Ông Bạch Ngọc Thêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: Để bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn nữa văn hóa truyền thống, huyện Sơn Tây đang xây dựng Đề án Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa đồng bào Ca Dong, giai đoạn 2021 - 2025.

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).